Nhân vật trung tâm

Trong một thời gian dài, các cơ quan tình báo Mỹ, sau nhiều nghiên cứu, đã đi tới một kết luận rằng cung cách hành xử của vị Tổng thống Nga là thất thường, không đoán trước được. Nền tảng cơ sở để các cơ quan đặc biệt Mỹ đi tới kết luận đó thường bắt nguồn từ nhận định ông Putin vốn từng là một sĩ quan KGB, cơ quan an ninh khét tiếng trước đây...

Cốt lõi của vấn đề

Sẽ không thể lý giải, dù chỉ phần nào, căn nguyên cũng như diễn biến của cuộc khủng hoảng chính trị-quân sự chưa từng có ở châu Âu hiện nay xung quanh cuộc tiến quân của Nga vào Ukraine nếu như không phân tích nhân vật trung tâm của sự kiện, người đã đưa ra những quyết định (liên quan đến Ukraine) khiến thế giới sửng sốt: Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin.

Phân tích tính cách, công việc, động cơ cũng như cách đi đến các quyết định của Tổng thống Nga là công việc mà các cơ quan tình báo phương Tây không chỉ mới làm trong bối cảnh cuộc chiến diễn ra khốc liệt ở Ukraine.

Các cơ quan này đã bận rộn bắt tay vào tận dụng mọi nguồn lực, kể từ thời điểm giao thời thế kỷ ngày 1-1-2000 khi ông Putin chính thức được ông Yeltsin chọn làm người kế nhiệm với chức vụ Tổng thống lâm thời, để có thể thu thập thông tin, dự đoán về các quyết sách mà nhà lãnh đạo của một trong những siêu cường lớn nhất thế giới đưa ra.

Kể từ đó, trạng thái tinh thần, tâm lý cũng như những suy nghĩ, tính toán của vị Tổng thống Liên bang Nga luôn là ưu tiên số 1 trong các nghiên cứu, phân tích, đánh giá của tình báo phương Tây. Và, đó luôn là một nhiệm vụ nan giải, hầu như khó có kết quả đáng tin cậy.

Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin. Ảnh: S.t

Các cơ quan tình báo phương Tây đã mất nhiều thập niên để giải mã vị tổng thống xuất thân từ KGB, cơ quan an ninh Liên Xô trước kia. Nhưng, trong khi tình báo Mỹ thu được một lượng khổng lồ thông tin về người đứng đầu bộ máy chính quyền của nước Nga, vị thế chính trị, tầm ảnh hưởng, những người thân cận... thì họ hiển nhiên lại có một lượng thông tin quá nghèo nàn, ít ỏi về quá trình ra quyết định hằng ngày của ông Putin.

Điều đó có nghĩa là tình báo Mỹ và phương Tây - phía sau là các nhà hoạch định chính sách, chính trị gia - hầu như không biết được ông Putin quyết định sẽ làm gì trong vài giờ đồng hồ hay vài ngày trước mắt.

Đấy mới là cốt lõi của vấn đề.

Sai lầm của tình báo phương Tây

Trong một thời gian dài, các cơ quan tình báo Mỹ, sau nhiều nghiên cứu, đã đi tới một kết luận rằng cung cách hành xử của vị Tổng thống Nga là thất thường, không đoán trước được. Nền tảng cơ sở để các cơ quan đặc biệt Mỹ đi tới kết luận đó thường bắt nguồn từ nhận định ông Putin vốn từng là một sĩ quan KGB, cơ quan an ninh khét tiếng trước đây.

Đánh giá ông Putin theo chiều hướng “cựu điệp viên KGB” như vậy quả là một sai lầm lớn. Những dấu vết của viên trung tá KGB từng có thời gian hoạt động điệp báo trên thực địa ở địa bàn Dresden (Đông Đức cũ) có chăng chỉ còn lại ở “dáng đi xạ thủ” của ông: lúc di chuyển, trong khi tay trái của ông vung vẩy một cách tự nhiên thì tay phải gần như bất động; những giờ tập luyện đằng đẵng ở KGB đã tạo cho ông thói quen để tay phải luôn trong trạng thái có thể rút súng ra một cách nhanh nhất.

Nhưng, những suy nghĩ của ông có lẽ còn nhanh hơn nhiều và không phải theo kiểu KGB! Những năm tháng được tôi luyện trong môi trường chính trị khắc nghiệt ở nước Nga đã rèn luyện cho ông Putin lối suy nghĩ già dặn của một chính khách lão luyện, người đứng đầu một cường quốc hạt nhân.

Ngay thời điểm cuối năm 1999, khi còn chưa được ông Yeltsin chuyển cho cây quyền trượng nguyên thủ quốc gia, đang ở cương vị Thủ tướng Nga, ông đã quyết định đưa quân vào Chechnya để mở đầu cuộc chiến tranh thứ hai của Nga tại vùng đất đẫm máu này. Sau vài tháng, khi lên làm Tổng thống Nga, ông vẫn quyết định tiếp tục tiến hành các chiến dịch quân sự ở Chechnya để rồi cuối cùng đánh gục các tổ chức vũ trang khủng bố cực đoan, đem lại hòa bình và sự ổn định cho Chechnya.

Trong nhiều thập niên, ông Putin đã từng quyết định thực hiện những chiến dịch quân sự tương tự như Chechnya mà phương Tây nghĩ là khó có thể thành công. Đấy là trận chiến kéo dài 5 ngày với Gruzia năm 2008 với kết quả là Gruzia hầu như bị dập tắt hoàn toàn ý định gia nhập NATO. Là Crimea năm 2014 đã quay về sáp nhập với Nga sau một cuộc trưng cầu dân ý mà phương Tây hầu như chỉ đứng nhìn. Là cuộc can thiệp nhanh, mạnh, bất ngờ từ cuối tháng 9-2015 vào Syria khiến tình hình trên thực địa thay đổi đột ngột và chấm dứt sự lan rộng chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo tại nước này, trong khi đòn hội đồng của phương Tây nhằm vào chính quyền Tổng thống Syria Bashar Al-Assad hầu như bị vô hiệu hóa hoàn toàn...

Đấy không phải là những quyết định của một cựu điệp viên.

Điểm nhấn tư duy chính trị

Kể từ khi ông Putin bất ngờ ký sắc lệnh công nhận hai nước cộng hòa tự xưng ở miền Đông Ukraine rồi sau đó phát lệnh tấn công Ukraine, các quan chức Mỹ đã ra lệnh cho các cơ quan tình báo Mỹ tăng cường tối đa thu thập thông tin về trạng thái tâm lý của ông. Mô thức tâm lý của ông là gì?Ông có sợ hãi điều gì không? Vì sao ông Putin lại đi tới quyết định đưa quân vào Ukraine, một quyết định rõ ràng sẽ gây bất lợi cho nước Nga và cá nhân ông? Ông có khả năng phản ứng như thế nào trước tình trạng hầu hết các nước láng giềng, các tổ chức quốc tế đều phản đối hành động quân sự của nước Nga nhằm vào Ukraine, đoàn kết hỗ trợ cho Ukraine và đáng ngại hơn, cùng tung ra các đòn trừng phạt nhằm vào nước Nga?

Khó khăn nhất là lý giải động lực nào đã khiến ông Putin, một người nổi tiếng khôn khéo, quyết định đưa quân vào Ukraine? Lịch sử đã nhiều lần chỉ ra rằng, các cuộc chiến tranh và xung đột thường bắt nguồn từ các học thuyết lỗi thời đề cao chính trị cường quyền, tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Điều đó có liên quan gì đến quyết định ngày 24-2-2022 của Nga?

Tháng 7-2021, trong một bài luận được đăng trên trang web của điện Kremlin, ông Putin từng viết rằng "chủ quyền thực sự của Ukraine chỉ có thể là hợp tác với Nga". Ông Putin không tư duy theo logic thông thường rằng đem quân tràn ngập một nước khác là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế; ông hành động theo đúng tư duy chính trị cường quyền: anh có khả năng gây hại cho tôi trong tương lai, bởi vậy tôi sẽ đánh đòn phủ đầu để anh không có khả năng đó nữa! Nói cách khác, là cách thức dùng chiến tranh để giành lấy đảm bảo an ninh. Đấy chính là tư duy thường xuất hiện ở các nước lớn.

Thế giới chưa và sẽ không bao giờ có một nền địa chính trị mang tính bình đẳng, các nước nhỏ có tiếng nói và ảnh hưởng ngang bằng được với các nước lớn. Đó luôn là cuộc chơi của các nước lớn mà các nước nhỏ chỉ có bằng cách tự làm cho mình mạnh lên, bằng đường lối ngoại giao khôn khéo và cả bằng ý chí can đảm, không run sợ trước các thế lực lớn mạnh hơn mình, mới có thể đảm bảo một nền hòa bình cho chính đất nước và nhân dân mình, không để xảy ra chiến tranh tàn khốc gây thương vong cho người dân.

Tình báo hay phân tích?

Với quyết định can thiệp vào Ukraine của ông Putin, cộng đồng tình báo Mỹ dường như ngày càng đi sâu vào nghiên cứu những khía cạnh sức khỏe thể chất và tâm lý của Tổng thống Nga để lý giải những điều đã và quan trọng hơn, sẽ xảy ra xung quanh Ukraine.

Các giới chức Mỹ và phương Tây đã đặt ra các giả thiết rằng phải chăng ông Putin, do lo ngại về tình trạng sức khỏe của bản thân sẽ không còn đủ thời gian để tái lập đế chế Nga-Ukraine-Belarus, do đó đã quyết định nhanh chóng tiến hành cuộc chiến chống Ukraine?

Một nguồn khác có vẻ đã đi tới kết luận liên quan đến một báo cáo tình báo trước đây, gợi ý rằng sở dĩ ông Putin đi tới quyết định về Ukraine có thể là do tình trạng “bị biệt lập kéo dài” do đại dịch COVID-19 gây nên!

Nhưng, đã không có bất cứ một thông tin mới về sự thay đổi đặc biệt nào trong tình trạng sức khỏe tổng thể của ông Putin.

Tất cả những gì phía Mỹ và phương Tây có được về quyết định này đều chỉ dựa trên phỏng đoán. Trong nhiều năm, nhiều thập niên, ông Putin đã hành động theo một hình mẫu khá đặc biệt và cộng đồng tình báo phương Tây không có được cái nhìn chính xác về trạng thái tư duy, về những gì mà ông suy tính.

Các báo cáo tình báo Mỹ, tập hợp từ khoảng một chục cơ quan tình báo khác nhau, đều cho rằng cách hành xử của ông Putin “rất đáng lo ngại và không thể dự đoán”.Tuy nhiên, có những quan chức cao cấp của Mỹ không đồng ý với điều này mà cho rằng Tổng thống Putin vẫn hành động như những gì ông làm trước đây. Ngay cả lệnh báo động lực lượng hạt nhân ở mức độ sẵn sàng chiến đấu cao cũng “thể hiện sự cực kỳ giận dữ” của nhà lãnh đạo Nga xung quanh những lệnh cấm vận của phương Tây đưa ra để trừng phạt Nga vì cuộc chiến ở Ukraine, rằng những lệnh cấm vận đó đã “đẩy tình thế đến mức vượt quá sự dự đoán mà ông ấy cho là phù hợp”.

Những bối rối của tình báo phương Tây về ông Putin là chỉ dấu cho thấy đây không phải là vấn đề tình báo mà thuộc về địa hạt phân tích. Có thể tình báo Mỹ cũng như phương Tây sẽ chẳng bao giờ có câu trả lời thỏa đáng cho vấn đề này.

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/nhan-vat-trung-tam-i646470/