Nhiều nơi áp dụng phí tắc nghẽn để giảm kẹt xe giờ cao điểm

Theo thông tin cập nhật ngày 14/11, New York sẽ khôi phục lại kế hoạch từng bị hủy bỏ về chương trình thu phí tắc nghẽn đầu tiên của quốc gia, nhưng với mức phí giảm còn 9 USD cho hầu hết các phương tiện đi vào trung tâm thành phố và khu vực phía Nam Manhattan.

Thu phí tắc nghẽn giờ cao điểm đang được chính quyền nhiều nơi xem xét áp dụng. Ảnh minh họa: The Guardian/Báo Tin tức

Thu phí tắc nghẽn giờ cao điểm đang được chính quyền nhiều nơi xem xét áp dụng. Ảnh minh họa: The Guardian/Báo Tin tức

Thống đốc New York Kathy Hochul dự định công bố đề xuất sửa đổi của tiểu bang vào ngày 14/11, trong đó mức thu mới đã giảm từ phí tắc nghẽn đưa ra ban đầu là 15 USD áp dụng cho ôtô đi vào trung tâm Manhattan vào giờ cao điểm.

Kế hoạch mới sẽ được đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Tuần tới, dự luật sẽ được trình lên hội đồng Quản lý Giao thông Vận tải Đô thị để phê duyệt và nhiều khả năng sẽ có hiệu lực trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào tháng 1/2025.

Các quan chức nhà nước tin rằng, sẽ không cần phải lặp lại quá trình đánh giá tác động môi trường kéo dài, vì đợt đánh giá trước đã tính đến mức phí từ 9 - 23 USD/phương tiện.

Động thái được xem là nỗ lực để cứu kế hoạch thu phí được đưa ra, khi Thống đốc Kathy Hochul phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ những người ủng hộ phương tiện giao thông công cộng và các nhà lập pháp tiểu bang nhằm đảm bảo nguồn tài trợ cho hệ thống giao thông công cộng.

Được biết, kế hoạch đưa ra để phục vụ hai mục đích, gồm giảm tắc đường và làm sạch không khí trên các cung đường của thành phố New York và huy động khoảng 1 tỷ USD/năm để hỗ trợ hệ thống tàu điện ngầm, xe buýt và hai tuyến tàu hỏa đi lại đang gặp khó khăn của thành phố.

Tương tự như New York, Thái Lan cũng đang khôi phục kế hoạch áp dụng phí tắc nghẽn tại thủ đô Bangkok để giải quyết tình trạng ô nhiễm giao thông và không khí, một động thái có thể khiến Bangkok trở thành thành phố lớn thứ hai ở châu Á thực hiện chính sách này.

Ông Krichanont Iyapunya, phát ngôn viên Bộ Giao thông Vận tải Thái Lan thông tin, bộ đang cân nhắc những lợi ích tiềm năng của khoản phí này, xác định các khu vực sẽ được đưa vào phạm vi quản lý và mức phí cần thu. Khoản phí thu được sẽ sử dụng để hỗ trợ cho kế hoạch của chính phủ nhằm thiết lập giá vé cố định cho các chuyến tàu đi lại.

Theo khảo sát, thủ đô Bangkok của Thái Lan được xếp hạng 46 trên chỉ số tắc nghẽn toàn cầu năm 2023. Riêng năm 2023, cư dân của thành phố 10 triệu người này đã mất khoảng 4,5 ngày vì tắc đường. Bên cạnh đó, Bangkok cũng đang phải gánh chịu tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, với các chỉ số luôn ở mức không lành mạnh trong nhiều tuần do lượng xe cá nhân sử dụng cao và tình trạng đốt tàn dư cây trồng ở các tỉnh lân cận.

Chính quyền Thái Lan sẽ áp dụng mô hình thuế tắc nghẽn như những gì được áp dụng tại London, Singapore, Stockholm và Milan, nơi giao thông vào giờ cao điểm đã giảm đáng kể sau khi áp dụng phí. Ngoài ra, chính quyền cũng đang cân nhắc thành lập quỹ cơ sở hạ tầng trị giá 200 tỷ Bath, nơi phí tắc nghẽn sẽ được chuyển vào.

Đan Lê (Lược dịch từ The Straitstimes)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/nhieu-noi-ap-dung-phi-tac-nghen-de-giam-ket-xe-gio-cao-diem-148001.html