Nhân viên bị đuổi vì nghỉ ốm vào cuối tuần ở Trung Quốc

Sau 29 ngày làm việc liên tục, Yan Moumou xin nghỉ phép để đi khám bệnh. Anh bị đuổi vì không quay lại làm vào ngày chủ nhật theo yêu cầu của cấp trên.

Tháng 4/2021, Yan Moumou bắt đầu công việc tại một công ty ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Hai bên đã ký hợp đồng lao động có thời hạn một năm. Yan được điều đến dự án của công ty tại thành phố Lô Châu để làm việc.

Anh đã làm việc liên tục trong 29 ngày mà không hề nghỉ cuối tuần, thường xuyên phải tăng ca, The Paper đưa tin.

Đến tối thứ 6 một ngày giữa tháng 5, vì phải quay lại Thành Đô để điều trị chứng đau vai, Yan đã xin phép ông chủ của mình là Dong Moumou qua WeChat. Hôm sau là cuối tuần, hơn nữa do công việc tạm thời chưa thể triển khai nên anh cảm thấy có thể sắp xếp hợp lý.

Tuy nhiên, ông chủ của Yan yêu cầu anh phải quay lại vào chiều thứ 7 hoặc sáng chủ nhật để tiếp tục công việc.

 Nhiều công ty ở Trung Quốc ép nhân viên làm việc liên tục. Ảnh: Nikkei.

Nhiều công ty ở Trung Quốc ép nhân viên làm việc liên tục. Ảnh: Nikkei.

Yan moumou đã phớt lờ yêu cầu trên và trở lại Phòng dự án Lô Châu vào sáng thứ 2 để đi làm bình thường. Chiều hôm đó, Dong tức giận và tố cáo Yan làm sai quy định, hai bên xảy ra cãi vã.

Ngay sau đó, công ty dịch vụ lao động ở Tứ Xuyên, nơi quản lý Yan, đã sa thải anh với lý do không vượt qua thời gian thử việc.

Bị ép tăng ca, không nghỉ phép

Vào ngày 19/5 cùng năm, Yan nộp đơn lên Ủy ban Trọng tài Tranh chấp Nhân sự và Lao động Quận Khánh Dương để được phân xử. Đến tháng 7, ủy ban đưa ra phán quyết rằng Yan được nhận mức lương cơ bản như trên hợp đồng là 15.000 nhân dân tệ.

Tuy nhiên, công ty dịch vụ lao động liên quan từ chối phán quyết và kiện Yan Moumou lên Tòa án quận Khánh Dương.

Trong phiên tòa mới đây, bên cung cấp lao động nói rằng hợp đồng lao động yêu cầu thử việc là 2 tháng, song Yan cho biết không nhận được hợp đồng lao động bản gốc từ công ty mà chỉ có ảnh tự chụp lại bằng điện thoại.

Có sự khác biệt giữa hợp đồng lao động do công ty xuất trình và bản sao hợp đồng do Yan Moumou đưa ra. Trong hợp đồng của công ty có ghi thêm "2 tháng thử việc".

 Nhiều công ty xem việc làm thêm giờ, không nghỉ phép là điều hiển nhiên.

Nhiều công ty xem việc làm thêm giờ, không nghỉ phép là điều hiển nhiên.

Ngoài ra, Dong được cho đã bổ sung và sửa đổi nhiều chỗ vào ngày 18/4/2021, nhưng những sửa đổi này không được Yan Moumou ký tên và xác nhận.

Tòa cho rằng Điều 7 của hợp đồng lao động ghi lương trong thời gian thử việc là 12.000 nhân dân tệ, nhưng Điều 1 lại gạch bỏ thời gian thử việc, như vậy có thể xác định hợp đồng lao động này không quy định thời gian thử việc.

Như vậy, lương tháng cơ bản khi Yan làm việc phải là 15.000 nhân dân tệ.

Cuối cùng, tòa phán quyết rằng công ty dịch vụ lao động phải trả cho Yan khoản tiền lương chênh lệch là 8.609 nhân dân tệ (từ ngày 16/4 đến ngày 15/5/2021) và bồi thường kinh tế nửa tháng là 7.500 nhân dân tệ.

Theo The Paper, với tư cách là bên tương đối có quyền lực trong quan hệ lao động, người sử dụng lao động cần tuân thủ pháp luật, luôn trung thực, tin cậy, tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Ép nhân viên làm quá sức, tăng ca liên tục đã trở thành vấn nạn nhức nhối ở Trung Quốc. Cuối năm 2021, một công ty về công nghệ thông tin ở tỉnh Sơn Đông, bị phát hiện buộc nhân viên tăng ca nhưng không trả thù lao.

 Nhiều nhân viên ở Trung Quốc đang đấu tranh để chống lại văn hóa làm việc "996". Ảnh: SupChina.

Nhiều nhân viên ở Trung Quốc đang đấu tranh để chống lại văn hóa làm việc "996". Ảnh: SupChina.

Những thông điệp như "Nếu bạn rảnh, hãy tăng ca", "Làm ngoài giờ tốt cho bạn", "Tăng ca ban ngày, khó ngủ gật; làm thêm ban đêm, không thể ngủ" được treo ở trụ sở chính của công ty Inspur tại thành phố Tế Nam từ tháng trước, theo SCMP.

Vụ việc trên xảy ra 3 tháng sau khi Tòa án Nhân dân Tối cao, Bộ Tài nguyên Nhân sự & Bảo trợ Xã hội Trung Quốc cảnh báo về văn hóa "996" ở Trung Quốc.

Phong cách làm việc "996" từ lâu đã trở thành một "nét văn hóa" chốn công sở Trung Quốc. Nhiều người cảm thấy bị kiệt sức, suy nhược cơ thể khi phải lao động liên tục.

Thực tế, rất khó để người lao động xin nghỉ phép một ngày. Áp lực từ phía đồng nghiệp và ban lãnh đạo luôn khiến họ phải căng mình làm việc, ngay cả khi ốm đau, trở bệnh. Chuyện tăng ca và làm thêm giờ trở thành một điều hiển nhiên ở mọi công ty.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhan-vien-bi-duoi-vi-nghi-om-vao-cuoi-tuan-o-trung-quoc-post1319070.html