Nhân viên bưu điện chiếm đoạt tiền của cán bộ hưu trí
Nhận thấy người đàn ông là cán bộ hưu trí và được Nhà nước chi trả trợ cấp thông qua Bưu điện văn hóa xã Viên Sơn, Long nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tiền…
Ngày 16-5, Tòa án nhân dân TP Hà Nội xử phạt bị cáo Man Tiến Long (sinh năm 1989, trú ở phường Viên Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) 13 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 3 năm tù về tội “Sửa chữa và sử dụng giấy chứng nhận, các tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Tổng hợp hình phạt cả 2 tội danh, bị cáo Long phải chấp hành mức án chung là 16 năm tù.
Quá trình xét xử cho thấy, Man Tiến Long được Bưu điện thị xã Sơn Tây (nay đổi tên thành Bưu điện trung tâm Sơn Tây) nhận làm hợp đồng cộng tác viên thuê khoán từ năm 2012 đến tháng 8-2023 và được phân công làm nhân viên bưu điện văn hóa xã tại phường Viên Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

Man Tiến Long tại phiên tòa
Long không có chức năng, nhiệm vụ trong việc nhận tiền, phát hành sổ tiết kiệm cho khách hàng. Nhưng do cần tiền, bị cáo lợi dụng danh nghĩa nhân viên Bưu điện thị xã Sơn Tây đưa ra các thông tin gian dối về việc bản thân có thể giúp khách hàng mở sổ tiết kiệm.
Thực hiện hành vi trên, Long mở 3 sổ tiết kiệm mang tên Man Tiến Long, sau đó tẩy xóa, sửa chữa, soạn thảo, in ấn thay đổi nội dung phù hợp với thông tin khách hàng gửi tiền để chiếm đoạt tiền. Với cách thức này, Long đã chiếm đoạt hơn 608 triệu đồng của các bị hại. Trong đó có ông Nguyễn Bá T. (sinh năm 1955), người địa phương.
Ông T. là người đã nghỉ chế độ và được Nhà nước chi trả trợ cấp thông qua Bưu điện văn hóa xã Viên Sơn bằng hình thức nhận tiền mặt. Long trực tiếp phát tiền trợ cấp hàng tháng cho ông T.
Khi đó, Long giới thiệu với ông T. về các chính sách của Tổng công ty bưu điện Việt Nam thông qua việc huy động tiền gửi của người dân. Bị cáo nói có khả năng giúp ông T. mở sổ tiết kiệm tại bưu điện.
Do vậy, ông T. đưa cho Long 200 triệu đồng để mở 2 sổ tiết kiệm, mỗi sổ 100 triệu đồng, kỳ hạn 12 tháng. Ông T. đưa tiền trực tiếp cho Long tại nhà. Sau đó, ông T. nhận lại tiền gốc, lãi và mở thêm sổ tiết kiệm nữa 100 triệu đồng.
Đến năm 2021, Long có trao đổi về các chương trình lãi suất nên ông T. nhờ Long tất toán sổ tiết kiệm cũ, đưa cho Long 310 triệu đồng để mở sổ khác. Long thấy ông T. chỉ có nhu cầu gửi tiền lấy lãi và xoay vòng gốc nên nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền.
Bị cáo tự mở sổ tiết kiệm trị giá 3 triệu đồng rồi dùng dao lam cạo, tẩy nội dung rồi in đè thành thông tin của ông Nguyễn Bá T. gửi 310 triệu đồng, kỳ hạn 12 tháng. Long chi tiêu cá nhân hết số tiền trên chiếm đoạt của ông T.
Ông T. sau đó muốn làm sổ tiết kiệm trị giá 350 triệu đồng nên đưa tiếp cho Long gần 19 triệu đồng cộng với lãi suất cũ để mở sổ mới. Bị cáo tiếp tục dùng thủ đoạn cũ để tẩy thông tin, in đè, chỉnh sửa thông tin mới.
Đến ngày 21-8-2023, ông T. không thấy Long đưa lại sổ nên nhiều lần gọi điện và đến nhà tìm nhưng không gặ. Sau đó, Long nhờ mẹ mình đưa lại sổ tiết kiệm cho ông T. Ông này nghi ngờ có dấu hiệu làm giả sổ nên đến Bưu điện Sơn Tây để kiểm tra, rồi tố giác hành vi của Long.
Theo cơ quan điều tra, các nhân viên tại phòng giao dịch Bưu điện Sơn Tây mở và cho tất toán 3 sổ tiết kiệm đứng tên ông T. vào các ngày 18-6-2020, 16-8-2021 để Long làm thủ tục gửi, tất toán là sai quy định. Các lần này đều do ông T. nhờ và Long đưa lại tiền cho ông T. Do vậy, cơ quan công an không có căn cứ xử lý hình sự với các cá nhân này.
Tuy nhiên, Cơ quan điều tra có văn bản kiến nghị gửi Tổng công ty Bưu điện Việt Nam , Bưu điện TP Hà Nội, Bưu điện trung tâm Sơn Tây về việc rà soát lại các quy trình, thủ tục đối với các khách hàng trên địa bàn phường Viên Sơn gửi tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt thông qua Bưu điện thị xã Sơn Tây từ năm 2021-2023 và xem xét trách nhiệm trong công tác quản lý các quy trình mở sổ, tất toán sổ tiết kiệm, quản lý cán bộ.