Xét xử các bị cáo trộm cắp tài sản tại Công ty LG Electronics Việt Nam Hải Phòng
VKSND quận An Dương (Hải Phòng) vừa phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử rút kinh nghiệm vụ án các bị cáo 'Trộm cắp tài sản', 'Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có' xảy ra tại Công ty LG Electronics Việt Nam Hải Phòng.

Quang cảnh phiên tòa.
Theo cáo trạng của VKSND quận An Dương, khoảng thời gian từ tháng 4/2023 đến tháng 6/2023, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Huy Hoàng, Trần Văn Tuân, Trần Đức Anh, Nguyễn Duy Tùng, Vũ Giang Tùng, Bùi Văn Đông, Trần Đức Vinh đã nhiều lần trộm cắp tài sản là thép phế liệu của Công ty LG Electronics Việt Nam Hải Phòng.
Trong đó, Nguyễn Tuấn Anh, Trần Văn Tuân thực hiện 26 lần, trị giá tài sản trộm cắp là 282.767.000 đồng. Nguyễn Huy Hoàng thực hiện 21 lần, trị giá tài sản trộm cắp là 230.352.000 đồng. Trần Đức Anh thực hiện 20 lần, trị giá tài sản trộm cắp là 221.433.000 đồng. Nguyễn Duy Tùng thực hiện 20 lần, trị giá tài sản trộm cắp là 210.331.000 đồng. Vũ Giang Tùng thực hiện 11 lần, trị giá tài sản trộm cắp là 116.693.000 đồng. Bùi Văn Đông thực hiện 10 lần, trị giá tài sản trộm cắp là 117.299.000 đồng. Trần Đức Vinh thực hiện 5 lần, trị giá tài sản trộm cắp là 48.775.000 đồng. Đỗ Thị Hương biết các tài sản các bị can trộm cắp đem đến bán nhưng vẫn đồng ý mua 26 lần với tổng giá trị tài sản là 282.767.000 đồng.
Tại phiên tòa rút kinh nghiệm, diễn biến và hành vi phạm tội của các bị cáo được Hội đồng xét xử và Kiểm sát viên xét hỏi công khai làm rõ. Kiểm sát viên đã trình bày bản Luận tội với những lập luận, chứng cứ cụ thể, sắc bén, logic để chứng minh hành vi phạm tội của các bị cáo và sự thật khách quan của vụ án.

Đồng chí Đào Thị Huệ, Phó Viện trưởng VKSND quận An Dương công bố Cáo trạng tại phiên tòa.
Kiểm sát viên đã khẳng định và bảo vệ nội dung truy tố của Viện kiểm sát là có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Quá trình thẩm vấn, tranh tụng tại phiên tòa, Kiểm sát viên đã đưa ra những lập luận, đối đáp đầy đủ, thuyết phục. Trên cơ sở đề nghị của Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử đã tuyên bản án phù hợp với tính chất hành vi phạm tội của từng bị cáo.
Sau khi kết thúc phiên tòa, VKSND quận An Dương đã tiến hành tổ chức họp rút kinh nghiệm. Tại cuộc họp, đơn vị biểu dương, ghi nhận sự nỗ lực, trách nhiệm của Kiểm sát viên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, thể hiện được vai trò nổi bật trong thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Thông qua cuộc họp, cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, tự đào tạo, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, học hỏi về kỹ năng, trình độ nghiệp vụ trong thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa theo hướng hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo tính thực chất, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp.
Tổ chức phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm là một trong những biện pháp thực hiện yêu cầu cải cách tư pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử. Thông qua việc lãnh đạo trực tiếp thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự ngay từ đầu năm, đơn vị đã đảm bảo chủ động thực hiện chỉ tiêu nghiệp vụ của Ngành năm 2025, đồng thời tạo điều kiện cho công chức, Kiểm sát viên trong đơn vị tham dự để học hỏi, tích lũy thêm kinh nghiệm, bản lĩnh Kiểm sát viên khi tham gia xét hỏi, tranh luận, đối đáp tại phiên tòa… góp phần nâng cao hiệu quả công tác đào tạo cán bộ tại chỗ để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ công tác của Ngành và nhiệm vụ chính trị tại địa phương.