Nhân viên 'mê' trả lương theo yêu cầu - doanh nghiệp 'choáng váng' để đi theo

Trả lương theo yêu cầu được xem là một phúc lợi mới để chăm sóc tài chính cho nhân viên. Nhưng làm thế nào để doanh nghiệp áp dụng và xa hơn là các phúc lợi 'theo yêu cầu' khác?

Trả lương theo yêu cầu – phúc lợi hấp dẫn hơn cả thêm ngày nghỉ

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố hiện đang có hơn 37.000 doanh nghiệp cần tuyển dụng lên tới 135.000 – 150.000 nhân viên và nhiều khả năng tiếp tục thiếu lao động, đặc biệt trong những tháng cao điểm cuối năm. Tuy nhiên, dù trả lương và phụ cấp cao, cùng nhiều phúc lợi hấp dẫn khác, các doanh nghiệp vẫn gặp khó để tuyển dụng đủ nhân tài.

Sự thay đổi về những ưu tiên của người lao động hậu đại dịch đã khiến cho các yếu tố phúc lợi cơ bản không còn trở nên hấp dẫn trong mắt họ. Trong tình trạng đó, ngoài các chính sách tăng lương, thêm ngày nghỉ thông thường, nhiều doanh nghiệp đang đưa ra chính sách trả lương theo yêu cầu (On-demand pay) – một phúc lợi đang dần trở nên phổ biến và thu hút người lao động.

Theo báo cáo năm 2019 của Viện Nghiên cứu Nguồn Nhân lực tại Kronos, hơn 61% người lao động trải dài trên các ngành nghề từ y tế, bán lẻ, sản xuất, xây dựng… cho rằng họ không cần phải chờ tới đúng ngày để được tiếp cận thù lao của họ. Hơn nửa số nhân viên chia sẻ họ có thể đánh đổi ngày nghỉ thêm để đổi lấy cơ hội được trả lương theo yêu cầu. Một số ông lớn trên thế giới đã áp dụng mô hình trả lương này, nổi bật như PayPal và Walmart. Trong đó, Walmart cho phép 500.000 nhân viên của mình có thể đăng ký nhận lương trước kỳ hạn lương cố định.

Người lao động “mê” mô hình trả lương theo yêu cầu vì có nhiều tự do hơn trong quản lý tài chính cá nhân

Ông Jack Nguyễn, Phó Tổng Giám đốc của Talentnet chia sẻ: “Mô hình trả lương theo yêu cầu đang là xu thế tất yếu khi người lao động quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tài chính. Lúc này, các doanh nghiệp đủ linh hoạt, tâm lý để cung cấp mô hình trả lương mới này sẽ dễ dàng thu hút và giữ chân nhân tài hơn cả. Tuy nhiên, trả lương theo yêu cầu cũng sẽ tạo thêm gánh nặng lên vai doanh nghiệp nếu không có sự chuẩn bị chu đáo. Dòng tiền bị ảnh hưởng, áp lực lên cơ chế vận hành của HR là những điều cần phải giải quyết”.

Doanh nghiệp lớn dễ chuyển mình, doanh nghiệp nhỏ gặp khó

Tuy trả lương theo yêu cầu là một chính sách giữ chân nhân tài hấp dẫn và đang được triển khai bởi các “ông lớn” trên thế giới như Walmart, Pitney Bowes, Humana và rất nhiều doanh nghiệp khác trong Fortune 500, các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn để áp dụng trả lương theo yêu cầu.

Theo ông Jack: “Trả lương theo yêu cầu sẽ đặt gánh nặng lên dòng tiền của những doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt khi đối với các doanh nghiệp này, lương là thành phần chính trong tài chính doanh nghiệp. Để áp dụng mô hình mới như này, các lãnh đạo cần chuẩn bị kĩ các bước “giảm sốc” và thiết lập quy trình chậm rãi nhưng chắc chắn”.

Ông Jack chia sẻ, doanh nghiệp có thể tham khảo 3 bước “giảm sốc" như sau:

Bước 1: Xác định nhu cầu

Cần xác định tình trạng tài chính của doanh nghiệp để quyết định áp dụng mức lương trả theo yêu cầu. Phòng nhân sự có thể xem xét các vấn đề như giới hạn số tiền lương mà nhân viên có thể được yêu cầu nhận trước. Trong một số trường hợp, người lao động và doanh nghiệp có thể thương thảo về mức trợ cấp một phần hay toàn bộ số lương. Tuy nhiên, đối với nhiều doanh nghiệp nhỏ, chưa đủ khả năng tài chính để có thể duy trì việc trả lương theo yêu cầu, có thể linh hoạt áp dụng hình thức ứng lương khi người lao động có lý do chính đáng.

Bước 2: Áp dụng công nghệ

Hầu hết doanh nghiệp đều có công thức và cách quản lý bảng lương khác nhau, phụ thuộc vào các thuật toán riêng và người quản lý bảng lương. Tuy nhiên, nhu cầu lương thưởng và phúc lợi liên tục được cập nhật dễ khiến HR đau đầu điều chỉnh. Vì vậy, để một mô hình tính lương mới như trả lương theo yêu cầu được phổ cập rộng rãi, doanh nghiệp có thể áp dụng công nghệ để xây dựng quy trình tính lương mới, nhanh chóng và rõ ràng, minh bạch.

Hiện tại, cũng đã có nhiều nhà cung cấp ứng dụng tính lương và sẵn sàng cập nhật nhu cầu trả lương theo yêu cầu từ doanh nghiệp bằng các thuật toán chính xác. Điều này góp phần giảm tải khối lượng công việc lên bộ phận nhân sự, tài chính.

Áp dụng các công nghệ mới sẽ giúp quá trình chuyển dịch sang mô hình trả lương theo yêu cầu được liền mạch hơn

Bước 3: Mượn nguồn trợ lực

Hơn ai hết, phòng nhân sự chính là người chịu nhiều áp lực khi chuyển đổi mô hình tính lương. Vì vậy, doanh nghiệp có thể nhờ đến nguồn trợ lực từ dịch vụ thuê ngoài tính lương để tiết kiệm thời gian và sức lực, giảm tải lượng công việc, cũng như hạn chế sai sót dây chuyền của việc tính lương nội bộ. Thay vì phải phân tán nguồn lực cho việc tổng hợp, quyết toán và kiểm soát lương, bộ phận thuê ngoài tính lương sẽ hệ thống hóa việc tạm ứng lương của nhân sự, nguồn tiền đã sử dụng… để HR dễ dàng trích xuất dữ liệu.

Bên cạnh đó, trong quá trình hệ thống hóa bảng lương, bộ phận thuê ngoài tính lương cũng có thể tư vấn cho doanh nghiệp cách áp dụng, quản lý dòng tiền một cách hợp lý. Khối lượng công việc được giảm tải, phòng nhân sự có thể tập trung vào những chiến lược đảm bảo lợi ích chung cho người lao động.

Cũng không thể không kể đến việc cập nhật quy định pháp lý để đảm bảo quyền lợi cho cả người lao động và doanh nghiệp khi chuyển đổi mô hình lương thưởng. Các chuyên gia từ dịch vụ thuê ngoài tính lương có thể đồng hành cùng lãnh đạo để cập nhật, bổ sung các chính sách theo Luật lao động vào các kỳ lương theo yêu cầu.

“Cốt lõi của mô hình trả lương theo yêu cầu đến từ việc chăm sóc sức khỏe tài chính của nhân viên – tài sản quý giá nhất của mỗi doanh nghiệp. Trong bối cảnh thiếu hụt nhân tài kéo dài, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần chủ động xây dựng các chính sách sáng tạo, linh hoạt và bền vững để đáp ứng các nhu cầu mới của nhân viên, tăng tính gắn kết và từ đó, thu hút và giữ chân các nhân tài.” – ông Jack Nguyễn kết luận.

Như Loan

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nhan-vien-me-tra-luong-theo-yeu-cau---doanh-nghiep-choang-vang-de-di-theo-d170167.html