Nhân viên ngân hàng lương cao vì nhiều yếu tố
Có ý kiến nhận xét, 'sướng như nhân viên ngân hàng', khi thấy thu nhập trung bình tại một ngân hàng tương đương 8 chỉ vàng trong một tháng. Bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc khu vực miền Bắc, Navigos Search cho biết, có nhiều yếu tố khiến lương trong ngành ngân hàng cao.
Bà có nhìn nhận như thế nào về mức thu nhập trong ngành ngân hàng?
Thu nhập của nhân viên ngân hàng ở mức cao so với thu nhập trung bình của một người lao động làm công ăn lương tại Việt Nam. Tuy nhiên, không phải ngân hàng là ngành có mức thu nhập cao nhất cho người lao động. Có các ngành khác và rất nhiều công ty khác trên thị trường có mức thu nhập bình quân tương đương, hoặc cao hơn ngành ngân hàng. Vậy nhưng, nhiều người cho rằng, thu nhập ngành ngân hàng là cao nhất.
Thực tế, hầu hết các ngân hàng của Việt Nam hiện nay đều là công ty niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán. Do vậy, báo cáo tài chính đều được công khai và mọi người có điều kiện để tiếp cận với các con số trong báo cáo tài chính và nắm bắt được thông tin thu nhập trung bình của người lao động. Trong khi đó, trên thị trường có rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nước ngoài không phải là công ty niêm yết, nên các con số trên không được tiết lộ và khó có sự so sánh.
Về mức lương cao của ngành ngân hàng, đây là ngành rất đặc thù. Tiêu chuẩn tuyển dụng của ngành ngân hàng ở mức cao so với mặt bằng chung trên thị trường lao động. Do vậy, việc trả lương xứng đáng với năng lực là điều cần thiết để thu hút và giữ chân người lao động. Rất nhiều doanh nghiệp ngoài ngân hàng thu hút người từ ngân hàng sang vì kỹ năng của những lao động này tốt và các doanh nghiệp có xu hướng trả lương cao hơn lương ở doanh nghiệp cũ. Một ngành kinh doanh đặc thù với nhiều rủi ro, các ngân hàng cần tuyển những người có trình độ cao, thậm chí là người nước ngoài với mức đãi ngộ tốt. Do đó, mức lương trung bình trong ngành ngân hàng ở mức cao là điều dễ hiểu.
Một vấn đề phải kể đến là ngành ngân hàng đi tiên phong trong công cuộc số hóa. Ngành công nghệ thông tin toàn thế giới đang bùng nổ, nhân lực trong lĩnh vực này trở nên khan hiếm và có mức lương rất cạnh tranh trên thị trường. Ngân hàng với mục tiêu chuyển đổi số nên cần thu hút một lượng lớn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điều đó khiến mức lương trung bình của ngành ngân hàng cao hơn so với con số bình quân thị trường.
Giống như mọi ngành và mọi doanh nghiệp khác, trong ngân hàng cũng chia ra các cấp bậc chuyên môn khác nhau với mức đãi ngộ khác nhau. Đối với một chuyên viên quan hệ khách hàng, hoặc các nhân viên quầy (teller), mức lương khởi điểm khoảng 6 - 8 triệu đồng/tháng. Đây cũng là mức lương khởi điểm trung bình của sinh viên mới ra trường của hầu hết các ngành. Trong khi đó, áp lực của nhân viên ngân hàng là rất lớn, chứ không hề nhàn nhã như nhiều người nghĩ.
Theo bà, lương có phải là điểm mấu chốt để ngành ngân hàng “hút” nhân lực trên thị trường tuyển dụng?
Việc trả lương xứng đáng với năng lực là điều cần thiết để thu hút và giữ chân người lao động.
Câu trả lời là đúng, không chỉ với ngành ngân hàng, mà đúng với tất cả các ngành. Trong khảo sát mới nhất mà Navigos Group tiến hành cuối năm 2022, động lực lớn nhất của người lao động khi tìm kiếm một công việc mới là mức lương. Tuy nhiên, hai yếu tố tiếp theo sau như môi trường làm việc hay văn hóa doanh nghiệp cũng theo sát nút với yếu tố lương. Điều đó chứng tỏ rằng, người lao động có nhiều kỳ vọng với một doanh nghiệp khi họ quyết định thay đổi công việc. Cũng trong khảo sát đó, có đến 15% người khảo sát nói rằng, họ sẵn sàng thương lượng về lương; gần 14% nói rằng, họ chấp nhận mức lương bằng mức lương hiện tại, miễn là cơ hội tốt hơn; 11% nói rằng, lương không phải lúc nào cũng là yếu tố quan trọng, mà cần xét đến các yếu tố khác khi thay đổi công việc.
Có thể thấy, lương là yếu tố để thu hút lao động, nhưng nếu các doanh nghiệp chú trọng đến môi trường làm việc, văn hóa doanh nghiệp, cơ hội thăng tiến hay sự ổn định trong kinh doanh sẽ là yếu tố giúp ngân hàng có thể thu hút lao động tốt hơn mà không phải lúc nào cũng mang lương, thưởng ra để cạnh tranh. Mặt khác, song song với thu hút nhân tài, khảo sát của Navigos chỉ ra rằng, yếu tố có tính quyết định để giữ chân nhân sự là môi trường làm việc.
Trong quý I/2023, BIDV giảm 240 nhân sự (riêng ngân hàng mẹ giảm 264 người), VPBank giảm 956 người, VietinBank giảm 180 người… Thống kê báo cáo tài chính của 28 ngân hàng cho thấy, có 13 ngân hàng giảm quy mô nhân sự. Bà có nhận xét gì về việc này?
Việc giảm quy mô nhân sự có thể thấy là xu hướng chung ở các doanh nghiệp ở nhiều ngành nghề, không chỉ ngân hàng. Lý do là cuối năm 2022 và đầu năm 2023, chúng ta đón nhận hàng loạt thông tin không tích cực về tình hình kinh tế thế giới, sức mua trên toàn cầu giảm, lượng hàng tồn kho lớn… Việt Nam nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu nên chịu ảnh hưởng của các tác động tiêu cực đó. Trong quý I/2023, GDP của Việt Nam tăng trưởng ở mức gần thấp nhất trong 10 năm trở lại đây (3,32%), chỉ cao hơn quý I/2020 là thời điểm xảy ra dịch Covid-19. Phần lớn các doanh nghiệp nhận định, tình hình sẽ chưa sáng sủa hơn cho đến quý III năm nay, thậm chí là đầu năm sau.
Riêng đối với ngành ngân hàng, áp lực về chi phí vốn cao, gia tăng trích lập dự phòng, trong khi các doanh nghiệp không đầu tư mở rộng sản xuất, thị trường bất động sản gần như đóng băng, nợ xấu tăng mạnh và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu khiến lợi nhuận quý I/2023 của toàn ngành lần đầu tiên suy giảm sau nhiều năm tăng trưởng tốt. Các ngân hàng có hệ thống quản lý rủi ro tốt nhất trong các doanh nghiệp trên thị trường và là một trong những ngành kinh doanh huyết mạch của nền kinh tế nên vẫn báo lãi khả quan trong quý I đầu năm nay, nhưng thực tế tăng trưởng lợi nhuận đang suy giảm. Chính vì vậy, nhiều ngân hàng không thể tránh khỏi việc thu hẹp quy mô nhân sự hoặc hạn chế tuyển dụng. Tuy nhiên, mức độ suy giảm nhân sự trong ngành ngân hàng thấp hơn so với nhiều ngành khác.
Giai đoạn quý I thường được gọi là “mùa chuyển nhượng” do phần lớn các nhân sự đều đã nhận thưởng Tết và có xu hướng thay đổi môi trường làm việc. Nhưng từ quý II trở đi, khi lượng sinh viên ra trường nhiều hơn, thị trường sẽ chính thức bước vào “mùa tuyển dụng”. Bà dự báo mùa tuyển dụng năm này sẽ như thế nào?
Mặc dù dự báo tình hình kinh tế có nhiều khó khăn, nhưng phần lớn các ngân hàng vẫn đưa ra kế hoạch tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 cao hơn so với năm 2022. Để đạt được kỳ vọng tăng trưởng đó, các ngân hàng vẫn sẽ cần tuyển dụng.
Tuy nhiên, theo dự đoán của chúng tôi, việc tuyển dụng sẽ không ồ ạt như những năm trước, mà tập trung vào chất lượng của nhân sự, yêu cầu tuyển dụng cao hơn. Các ngân hàng có thể vẫn sẽ tập trung tuyển dụng nhân viên kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, nhân lực trong ngành công nghệ thông tin và dữ liệu với mục tiêu nhanh chóng thúc đẩy chuyển đổi số, nhân lực trong mảng quản trị rủi ro, tuân thủ và vận hành để kiện toàn và tăng hiệu quả hoạt động.