Nhân viên thư viện mòn mỏi chờ chế độ (bài cuối): Cơ hội nào cho đội ngũ?

Một số địa phương đã ban hành văn bản thực hiện chế độ phụ cấp đối với nhân viên trường học, trong đó có NV thư viện tuy nhiên nhiều nơi thì chưa...

Công việc của các nhân viên thư viện trường học còn góp phần lan tỏa văn hóa đọc cho học sinh. Ảnh: TG

Công việc của các nhân viên thư viện trường học còn góp phần lan tỏa văn hóa đọc cho học sinh. Ảnh: TG

Sau khi Bộ GD&ĐT có Công văn số 7066/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 18/12/2023 và Công văn số 7211/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 26/12/2023, một số địa phương đã ban hành văn bản về thực hiện chế độ phụ cấp đối với nhân viên trường học, trong đó có nhân viên thư viện. Tuy nhiên, nhiều nơi chưa có động thái khiến đội ngũ này không khỏi sốt ruột.

Tỉnh chỉ đạo, huyện rà soát

Thực hiện Công văn số 7211/BGDĐT-NGCBQLGD, ngày 2/1/2024, UBND tỉnh Hà Nam có Công văn số 22/VPUB-TCDNC về việc thực hiện chế độ chính sách và thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho đội ngũ nhân viên trường học.

Ngày 26/12/2023, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 7211/BGDĐT-NGCBQLGD về việc thực hiện chế độ chính sách và thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với đội ngũ nhân viên trường học. Theo đó, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan tham mưu tổ chức hoặc tổ chức theo thẩm quyền việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp (trường hợp có phân hạng) cho đội ngũ viên chức nhân viên trường học theo quy định nhằm đảm bảo quyền lợi, góp phần cải thiện thu nhập cho đội ngũ này.

Ngày 6/5/2024, Sở GD&ĐT Hà Nam ban hành Văn bản số 513 về thực hiện chế độ phụ cấp đối với đội ngũ nhân viên trường học. Theo nội dung văn bản trên, UBND các huyện/thị xã/thành phố trên địa bàn tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý thực hiện nghiêm theo quy định hiện hành về các loại phụ cấp với nhân viên trường học, đảm bảo đúng đối tượng và mức phụ cấp theo vị trí việc làm.

Cụ thể, phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với nhân viên thư viện thực hiện theo quy định tại mục II Thông tư 26/2006 của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) hướng dẫn thực hiện chế độ độc hại, nguy hiểm và bồi dưỡng bằng hiện vật đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành Văn hóa thông tin.

Ngày 20/5/2024, UBND thị xã Duy Tiên cũng ra Văn bản số 587 gửi phòng GD&ĐT, phòng Nội vụ, phòng Tài chính kế hoạch của thị xã về việc thực hiện chế độ phụ cấp đối với đội ngũ nhân viên trường học. Theo đó, phòng GD&ĐT thị xã có trách nhiệm rà soát, lập danh sách và thu hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ phụ cấp của đội ngũ nhân viên trường học các trường mầm non, tiểu học, THCS, tiểu học & THCS trên địa bàn.

“Dù muộn nhưng còn hơn không, khi có văn bản này của sở GD&ĐT và thị xã, chúng tôi rất mừng được quan tâm và giải quyết chế độ phụ cấp cho đội ngũ nhân viên thư viện trường học. Hy vọng trong thời gian sớm nhất hoặc trước thềm năm học mới, chúng tôi sẽ nhận được khoản phụ cấp dù ít nhưng đáng quý này”, cô Nguyễn Thị Ngọc Hường - nhân viên thư viện trường học tại thị xã Duy Tiên (Hà Nam) bày tỏ.

Trước đó, UBND thành phố Phủ Lý (Hà Nam) cũng có Văn bản số 860/UBND-NV ngày 16/5/2024 về việc thực hiện chế độ phụ cấp đối với đội ngũ nhân viên trường học. Theo đó, nhân viên kế toán được hưởng phụ cấp trách nhiệm; nhân viên thư viện được hưởng phụ cấp độc hại, nguy hiểm kể từ ngày 1/1/2024.

Chia sẻ vấn đề này, một nhân viên thư viện trường học tại huyện Lý Nhân (Hà Nam) cho hay, dù tỉnh có văn bản chỉ đạo nhưng hiện địa phương này mới chỉ đạo rà soát vị trí việc làm của nhân viên các trường chứ chưa có động thái về hỗ trợ phụ cấp cho nhân viên trường học. Vào nghề từ năm 2009, kiêm nhiệm cả văn thư, thủ quỹ, thiết bị, phổ cập nhưng không có phụ cấp, lương của cô chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng nên gặp nhiều khó khăn.

Tại tỉnh Thái Bình, ngày 4/5/2024, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thị Bích Vân ký Văn bản số 433 gửi phòng GD&ĐT các huyện/thành phố và trường THPT trên địa bàn tỉnh về báo cáo việc thực hiện chế độ chính sách đối với đội ngũ nhân viên thư viện trường học.

Theo văn bản này, các đơn vị có trách nhiệm thống kê rõ số lượng nhân viên thư viện trường học chuyên trách hay kiêm nhiệm kèm trình độ chuyên môn; đánh giá việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhân viên thư viện trường học như lương, phụ cấp, chế độ phúc lợi khác (nếu có), công tác đào tạo, bồi dưỡng… cho đội ngũ này sau đó gửi về Phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT Thái Bình.

 Nhân viên thư viện tại Trường THCS Giao Yến, Giao Thủy (Nam Định). Ảnh: TG

Nhân viên thư viện tại Trường THCS Giao Yến, Giao Thủy (Nam Định). Ảnh: TG

Nhân viên trường học cần có cơ hội thăng tiến

Trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại, PGS.TS Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) nhấn mạnh, Thông tư 02/2022/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định rõ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành thư viện.

Nếu để nhân viên thư viện cũng là “giáo viên” và điều chỉnh theo Luật Nhà giáo như đề xuất của nhiều người sẽ tạo bất cập trong xác định phạm vi nghề nghiệp nhà giáo, mâu thuẫn với Thông tư 02/2022/TT-BVHTTDL.

Theo Điều 8 Dự thảo Luật Nhà giáo, hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo là hoạt động đặc biệt, có sản phẩm là nhân cách người học; có tính chuyên nghiệp trong việc dạy học, tổ chức, hướng dẫn, tư vấn việc tìm kiếm tri thức, sản sinh tri thức, rèn luyện phẩm chất và năng lực người học; đòi hỏi tính gương mẫu, tự giác, linh hoạt và sáng tạo cao.

Hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo thực hiện theo năm học hoặc khóa học bao gồm các hoạt động trước, trong và sau thời gian lên lớp; hoạt động học tập, bồi dưỡng bắt buộc; nghiên cứu khoa học; hoạt động chuyên môn, hành chính; phục vụ cộng đồng và các hoạt động khác.

“Nhân viên thư viện trường học có thực sự và thường xuyên thực hiện các chức năng trên hay không? Nhiệm vụ của nhà giáo không chỉ giảng dạy, giáo dục, mà còn nghiên cứu khoa học và được hưởng quyền lợi nghỉ hè hưởng nguyên lương. Nếu tất cả nhân viên trường học là giáo viên thì sẽ khó trong việc phân hạng, ngạch. Khi đó phải phân thành giáo viên thư viện, giáo viên thư viện chính, giáo viên thư viện cao cấp liệu có phù hợp với thực tế?

Nhìn chung, nhiệm vụ của nhà giáo phải tập trung và dành hầu hết thời gian cho việc giảng dạy, giáo dục; kỹ năng sư phạm cần cập nhật, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; có kỹ năng nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; kỹ năng hoạt động phát triển cộng đồng, phối hợp xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh ở trong và ngoài cơ sở giáo dục. Các bộ phận có nhiệm vụ phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện, đồng thực hiện thì không nên coi như nhà giáo”, ông Nam nêu quan điểm.

Cũng theo vị chuyên gia, với những nhân viên khác trong nhà trường sẽ bị điều chỉnh bởi Luật Viên chức hoặc Bộ luật Lao động (như tất cả đội ngũ giáo viên hiện nay). Tuy nhiên, dù ở vị trí nào cũng cần chế độ lương phù hợp và cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp. Do vậy, nên tính đến hệ số phụ cấp làm việc trong lĩnh vực giáo dục gắn với trách nhiệm về phẩm chất đạo đức.

Đặc biệt, mới đây, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 05/2024/TT-BNV quy định về tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng với viên chức hành chính, văn thư, lưu trữ; xếp lương đối với người được tuyển dụng, tiếp nhận vào viên chức theo quy định tại Nghị định số 85/2023/NĐ-CP của Chính phủ. PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, văn bản này đáp ứng phần nào nguyện vọng của đội ngũ nhân viên hành chính văn thư, lưu trữ.

Nhà nước nên có thêm ưu đãi cho những người làm trong ngành Giáo dục, đồng thời đặt ra những yêu cầu trách nhiệm về phong cách ứng xử sư phạm và phẩm chất đạo đức. Cụ thể nên có thêm các văn bản giống như thông tư trên dành cho nhân viên thư viện và nhân viên thiết bị làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập, những trường hợp ký hợp đồng trả lương sẽ đóng Bảo hiểm xã hội để tạo động lực cho đội ngũ này yên tâm cống hiến.

“Trong thời đại công nghệ đang bùng nổ hiện nay, thư viện trường học dần được công nghệ hóa và tự động hóa. Khi làm chính sách cũng phải tính đến xu hướng của tương lai. Thư viện bắt đầu có mô hình thư viện không sách (bookless library) và trở thành thư viện số, được AI hướng dẫn tìm tài liệu và học tập trải nghiệm. Nước ta chưa thể số hóa tất cả hệ thống nhưng cũng cần hướng tới chuyên nghiệp hóa và xu hướng ứng dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI) sâu rộng vào đời sống”, PGS.TS Trần Thành Nam trao đổi thêm.

Nhằm giúp đội ngũ nhân viên trường học tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống và yên tâm công tác, trong Công văn số 7066/BGDĐT-NGCBQLGD, Bộ GD&ĐT đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, xem xét lương của nhân viên trường học khi thực hiện chính sách tiền lương mới.

Cụ thể, nhân viên trường học được hưởng mức phụ cấp ưu đãi bằng 25%. Lý do: Mức 25% là mức phụ cấp ưu đãi nghề thấp nhất mà cán bộ quản lý, giáo viên đang được hưởng và đây cũng là mức phụ cấp công vụ đối với công chức đang được hưởng.

Thứ hai, khi được tuyển dụng mới, sau khi hoàn thành tập sự, nhân viên trường học được bổ nhiệm và xếp lương ở bậc 2 trong thang bảng lương của ngạch viên chức tương ứng. Lý do: Đội ngũ nhân viên trường học hiện đang hưởng ở bảng lương viên chức loại B và A0; ngoài ra, viên chức giáo vụ, thiết bị thí nghiệm không phân hạng chức danh nghề nghiệp và chỉ hưởng lương ở bảng lương viên chức loại A0.

Bài 2:

Bài 3:

Bài 4:

Đình Tuệ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhan-vien-thu-vien-mon-moi-cho-che-do-bai-cuoi-co-hoi-nao-cho-doi-ngu-post691076.html