Nhân viên y tế 'chạy sô' vắt kiệt sức chống dịch
Rời xa gia đình, nhân viên y tế đang lao mình vào cuộc chiến chống dịch COVID-19. Hết nhiệm vụ ở cơ sở này họ lại tiếp tục chi viện cho đơn vị khác, có lúc sức đã kiệt, nước mắt đã rơi nhưng vì sinh mạng của người bệnh mà họ kiên cường vượt qua mọi khó khăn.
Sẵn sàng xung trận
Sau tấm kính che giọt bắn, ánh mắt rạng ngời niềm tin, điều dưỡng Kiều Em (khoa Nội tổng quát 10B1 Bệnh viện Chợ Rẫy) chia sẻ: “Tôi và nhiều đồng nghiệp vừa hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ Bệnh viện dã chiến Củ Chi. Hôm nay, chúng tôi tiếp tục lên đường đến Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP Thủ Đức để tiếp sức cho các đồng nghiệp của mình. Chúng tôi mong muốn và tin tưởng những công sức của nhân viên y tế sẽ đưa các bệnh nhân sớm bình phục quay lại cuộc sống, đưa thành phố trở về giai đoạn bình thường như trước đây”.
Chị Kiều Em là một trong số 15 điều dưỡng vừa trở về sau thời gian hỗ trợ cho Bệnh viện Dã chiến Củ Chi. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca bệnh nặng tăng nhanh, thành phố đang cần thêm nhân lực để nhanh chóng tăng công suất đáp ứng của Bệnh viện Điều trị COVID-19 lên 1.000 giường, lực lượng bác sĩ, điều dưỡng tiếp tục được huy động với số lượng lớn.
Tham gia cùng những người đã “lì đòn” trong cuộc chiến chống dịch lần này còn có 8 tình nguyện viên của lớp thực hành điều dưỡng Bệnh viện Chợ Rẫy. Thế hệ trẻ đã sẵn sàng khoác ba lô đồng hành cùng các bậc tiền bối để vừa học nghề vừa có cơ hội được cống hiến sức mình giúp người bệnh vượt qua cơn nguy nan.
Phạm Hồng Linh, lớp trưởng lớp thực hành điều dưỡng cho biết sau khi tốt nghiệp, Linh cùng các bạn trải qua 9 tháng thực tập tại các khoa Hồi sức – Ngoại thần kinh, Bệnh Nhiệt đới và Ngoại Gan Mật Tụy Bệnh viện Chợ Rẫy. Trước giờ lên đường, Linh và các bạn đã được ThS. Điều dưỡng Nguyễn Thị Oanh, Trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện Chợ Rẫy dặn dò rất kỹ về việc tuân thủ quy trình phòng hộ, chăm sóc bệnh nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn…
“Đây là cơ hội để chúng em có thể góp chút sức lực của mình vào cuộc chiến chống dịch của cả nước. Cả nhóm tình nguyện lên đường với quyết tâm sẽ làm tốt nhất nhiệm vụ được giao để đồng hành cùng các bác sĩ cứu chữa bệnh nhân. Chúng em hy vọng, sự tham gia của mỗi thành viên sẽ tăng cường thêm lực lượng chống dịch trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp” – Hồng Linh nói.
Làm việc bằng ý chí
Lực lượng nhân sự của bệnh viện liên tục phải chi viện cho các tuyến thu dung, điều trị và phòng chống dịch COVID-19 nên đội ngũ “gác cổng sự sống” tại bệnh viện Chợ Rẫy cũng đang vắt kiệt sức cứu chữa cho người bệnh.
Điều dưỡng Trần Thị Thúy, phụ trách điều dưỡng tại khoa Bệnh Nhiệt Đới nghẹn ngào chia sẻ: “Có những hôm các em điều dưỡng bước ra khỏi khu cách ly thì ngồi khóc nức nở vì quá mệt. Nhưng chỉ ngồi nghỉ khoảng 15 phút đã lập tức trở lại phòng điều trị. Cứ như thế, suốt 3 tháng qua, chúng tôi đã nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ với cố gắng cho dịch kết thúc để quay lại cuộc sống bình thường. Ai cũng đuối sức nhưng chúng tôi đang cố gắng hết sức và động viên nhau vượt qua khó khăn”.
Để không bị kẹt lại trong các điểm phong tỏa ngoài cộng đồng dẫn tới thiếu nhân lực điều trị cho người bệnh, đa số y bác sĩ đã phải rời xa gia đình, dọn vào ở luôn trong khu nhà nghỉ dành cho thân nhân trong bệnh viện. Nhiều người con mới được 6 đến 7 tháng đã phải gửi về quê nhờ gia đình chăm sóc để chuyên tâm điều trị cho bệnh nhân.
TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ, bình thường mỗi tháng lực lượng tham gia điều trị đã xoay tua, thay đổi nhân sự để cùng nhau chăm sóc người bệnh. Tuy nhiên hiện nay, tất cả các anh chị em y bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy đều đã tản ra khắp các bệnh viện điều trị COVID-19 để làm nhiệm vụ nên không thể đủ nhận sự thay thế.
Ông nói: “Chúng tôi phải cố gắng thôi, mặc dù là rất mệt nhưng nhân viên trong khu Hồi sức Cấp cứu cho bệnh nhân COVID-19 vẫn đang làm việc rất cần mẫn. Chúng tôi đang làm việc bằng ý chí chứ không phải bằng sức lực thông thường để ráng chữa được càng nhiều người bệnh càng tốt”.