Nhánh cây gãy khiến 5 người thương vong: Ai chịu trách nhiệm?

Liên quan vụ nhánh cây xanh gãy đổ tại Công viên Tao Đàn khiến 5 người thương vong, dư luận đặt ra câu hỏi: Ai sẽ chịu trách nhiệm?

Khoảng 7h ngày 9/8, tại Công viên Tao Đàn, (quận 1, TPHCM) xảy ra sự cố nhánh cây Dầu bị gãy, rơi từ độ cao khoảng 25m khiến 2 người tử vong tại chỗ, 3 người khác bị thương được đưa đi cấp cứu.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở LĐ,TB&XH, UBND quận 1 tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ cho các nạn nhân bị thương và gia đình các nạn nhân tử vong do sự cố cây xanh gãy đổ. Đồng thời, xác định rõ nguyên nhân xảy ra sự cố và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan.

Hiện trường vụ việc. (Ảnh: Hà Nội Mới)

Hiện trường vụ việc. (Ảnh: Hà Nội Mới)

Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, vụ tai nạn có nguyên nhân từ nhánh cây xanh gãy rơi xuống khiến 2 người tử vong, 3 người bị thương là nghiêm trọng.

Cơ quan chức năng sẽ xác minh nguyên nhân dẫn đến sự cố trên xảy ra, đồng thời xem xét để xác định trách nhiệm pháp lý của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo quy định, cây xanh nơi công cộng sẽ có đơn vị tổ chức, cá nhân quản lý, chăm sóc và bảo vệ. Pháp luật có quy định, trong trường hợp cây xanh gãy đổ gây thiệt hại, đơn vị quản lý cây xanh phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại điều 604 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Theo đó, nếu cây cối gây ra thiệt hại, người quản lý, sở hữu cây cối đó phải bồi thường. Pháp luật cũng quy định, trường hợp người quản lý cây xanh có lỗi, gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của người khác thì phải bồi thường.

Các cơ quan chức năng sẽ làm rõ cây xanh này được trồng, chăm sóc, quản lý như thế nào, trước khi vụ tai nạn xảy ra, cây này có nguy cơ gãy đổ hay không, bằng mắt thường có thể quan sát được hay không. Pháp luật quy định, trong trường hợp có tai nạn liên quan cây xanh, dẫn đến có người tử vong mà có lỗi của người khác thì người có lỗi có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự, trường hợp người này không có lỗi chỉ đặt ra vấn đề bồi thường dân sự.

Vì vậy, trường hợp cây xanh có nguy cơ gãy đổ hoặc cán bộ được phân công, giao nhiệm vụ cắt tỉa để đảm bảo an toàn nhưng lại không thực hiện dù biết rõ có nguy cơ xảy ra hậu quả thiệt hại về người và tài sản, khi đó sẽ quy người này là có lỗi. Trường hợp cây xanh nhánh gãy có khiếm khuyết bên trong không thể hiện bên ngoài, cành tươi và lá xanh bình thường, mắt thường không nhận ra và không ai được giao nhiệm vụ cắt tỉa, trách nhiệm hình sự sẽ không được đặt ra. Tuy nhiên, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự có thể được đặt ra nếu như các bên dân sự có yêu cầu và tòa án giải quyết.

“Do đó cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc do sự biến hay do hành vi. Nếu do sự biến, tai nạn không may xảy ra, không có lỗi của con người thì vấn đề trách nhiệm hình sự sẽ không được đặt ra, tuy nhiên, nếu sự việc xảy ra có lỗi của ai đó, dù vô ý có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Thực tế ở Việt Nam những năm qua, cây xanh đổ ngã làm hư hỏng tài sản, thậm chí khiến người đi đường thiệt mạng xảy ra nhiều, nhưng thực tế, xử lý hình sự đối với việc thiếu sự quản lý về cây xanh chưa từng có vụ nào bị xử lý.”, luật sư Cường nêu ý kiến.

Hải Ninh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/nhanh-cay-gay-khien-5-nguoi-thuong-vong-ai-chiu-trach-nhiem-2019775.html