Nhanh chóng đào tạo và giáo dục về trí tuệ nhân tạo

Theo các chuyên gia, Việt Nam cần đào tạo và giáo dục về trí tuệ nhân tạo (AI) một cách nhanh chóng, đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nơi AI có thể tạo ra tác động đáng kể. Muốn vậy, cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các trường đại học, doanh nghiệp và Chính phủ để xây dựng một hệ sinh thái AI mạnh mẽ.

AI mang đến những cơ hội lớn chưa từng có

Tại hội nghị "Trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI Summit) 2024" với chủ đề “Chân trời mới”, do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp tổ chức mới đây, TS. Jeff Dean - Giám đốc Khoa học của Google, đồng sáng lập của Google Brain, Google Translate, Gemini, đã chia sẻ về những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực AI tạo sinh.

Nguồn: ITN

Nguồn: ITN

TS. Jeff Dean dẫn chứng mô hình Gemini 1.5 Pro của Google, một "siêu AI" có khả năng xử lý lượng dữ liệu khổng lồ và tạo ra nội dung đa phương tiện chất lượng cao. Gemini là điển hình về khả năng vô tận của mô hình ngôn ngữ lớn trong việc dịch ngôn ngữ Kalamang - một ngôn ngữ chỉ có 130 người sử dụng tại Indonesia và hầu như không có sự hiện diện trên internet. Theo đó, Gemini Pro 1.5 cho chất lượng bản dịch tương đương người địa phương. Như vậy, mô hình ngôn ngữ lớn AI sở hữu khả năng mạnh mẽ trong việc tiếp cận kho văn hóa, ngôn ngữ hiếm, đóng vai trò bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, là chìa khóa cho các nhà nghiên cứu.

Không những thế, tiến bộ của AI hỗ trợ con người giải quyết các vấn đề cấp bách như dự đoán nguy cơ cháy rừng, giám sát sức khỏe của đàn gia súc, hỗ trợ chẩn đoán bệnh ung thư… Rõ ràng, AI không chỉ là một công nghệ tiên tiến, thay đổi cách con người xử lý dữ liệu và ra quyết định, mà sẽ là công cụ mang lại lợi ích to lớn, tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn khi được phát triển đúng cách; AI mang đến những cơ hội lớn chưa từng có cho thế giới loài người, TS. Jeff Dean nhấn mạnh.

Còn theo ThS. Wendy Uyên Nguyễn, đồng sáng lập và Chủ tịch của Rethink Healthcare Foundation, AI đang đóng góp quan trọng trong lĩnh vực y tế, giúp cách mạng hóa lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là trong việc phát triển thuốc mới và dịch thuật y khoa. AI có thể giúp giảm chi phí, tăng tốc độ nghiên cứu và cải thiện kết quả điều trị cho bệnh nhân, mang đến nhiều cơ hội chữa trị hơn cho người dân ở nông thôn. Ông Steven Truong, VinBrain, bổ sung, AI còn đóng vai trò trong việc phân tích dữ liệu lớn để xác định các nhóm bệnh nhân phù hợp với các phương pháp điều trị cụ thể, từ đó nâng cao hiệu quả điều trị và giảm thiểu rủi ro…

Ngoài ra, theo các chuyên gia, AI có thể giúp thu hẹp khoảng cách năng suất, nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. AI cũng có thể giúp đào tạo kỹ năng xã hội cho con người thông qua mô phỏng các tình huống giao tiếp thực tế, giúp người dùng luyện tập các kỹ năng xã hội hay cung cấp phản hồi chi tiết để người học cải thiện kỹ năng…

Hợp tác chặt chẽ để đào tạo nhân lực AI

Tại Việt Nam, việc nghiên cứu và ứng dụng AI đã được Nhà nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp hết sức quan tâm. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc thông tin, theonghiên cứu của Thundermark Capital, Việt Nam và Singapore là hai đại diện của Đông Nam Á góp mặt trong Top 30 thế giới về nghiên cứu AI.

Nhìn nhận về những lợi thế của Việt Nam trong lĩnh vực AI, Giám đốc Quốc gia Google Cloud Nguyễn Đức Toàn cho rằng, “Việt Nam đang ở một vị trí đặc biệt để dẫn đầu sự đổi mới AI trong khu vực Đông Nam Á và hơn thế nữa”.

Những lợi thế mà Việt Nam có được là từ thị trường, nguồn nhân lực, hệ sinh thái khởi nghiệp, các chuyên gia nêu rõ. Cụ thể, thị trường Việt Nam đang đón nhận sự trợ lực rất lớn từ Chính phủ, các tập đoàn trong nước như Viettel, Vingroup… để có thể đón sóng AI. Chính phủ đã và đang đưa ra nhiều chính sách khuyến khích khởi nghiệp và đầu tư vào công nghệ. Đây là cơ sở quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp AI phát triển và cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, hiện, Việt Nam đã thu hút được hơn 1 tỷ USD đầu tư vào các startup công nghệ trong năm 2023. Sự tăng trưởng nhanh chóng của hệ sinh thái khởi nghiệp đã ở mức trưởng thành tương đương Singapore và Malaysia, cho thấy tiềm năng đổi mới và khả năng tạo ra các giải pháp AI đột phá.

Không những thế, Việt Nam cũng có sự hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn như Google, với cam kết dành 40.000 học bổng Google Career Certificates hay đào tạo 200 công ty khởi nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực liên quan đến AI thông qua chương trình Google AI Startups Masterclass, thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp AI…

Mặc dù vậy, các chuyên gia chỉ ra, Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức trong xây dựng cơ sở hạ tầng AI, thu hút nhân tài, đặc biệt trong lĩnh vực toán học và khoa học. Do đó, cần thiết phải đào tạo và giáo dục về AI một cách nhanh chóng, đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nơi AI có thể tạo ra tác động đáng kể. Muốn vậy, cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các trường đại học, doanh nghiệp và Chính phủ để xây dựng một hệ sinh thái AI mạnh mẽ.

TS. Jeff Dean nhấn mạnh, AI có tiềm năng chuyển đổi các ngành và cải thiện cuộc sống, nhưng điều thiết yếu là phải phát triển nó một cách có trách nhiệm và đạo đức.Để AI thực sự phát huy tiềm năng, cần đầu tư vào giáo dục và tạo điều kiện cho những tài năng trẻ tiếp cận với công nghệ này. Đây không chỉ là trách nhiệm của các công ty công nghệ mà còn của toàn xã hội, ông nói.

Thiên An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/nhanh-chong-dao-tao-va-giao-duc-ve-tri-tue-nhan-tao-i384705/