Nhanh chóng ứng dụng công nghệ kiểm soát tải trọng xe - Bài 2: Xe chở quá tải phá đường gấp 20 lần
Các chuyên gia và nhà khoa học nghiên cứu và rút ra kết luận: Nếu tải trọng trục của xe lưu hành trên đường bộ chỉ 8 tấn mà tăng lên 16 tấn thì mức độ làm hư hỏng mặt đường tăng lên 20 lần.
"Giặc" quá tải phá hạ tầng giao thông
Tình trạng mặt đường bộ nước ta bị xuống cấp, hư hỏng thời gian qua (bao gồm cả một số đoạn tuyến cao tốc đã đưa vào khai thác) có nguyên nhân do tình trạng xe chở hàng quá tải lưu thông. Đặc biệt, loại xe tải thân liền từ 3 trục trở lên và tổ hợp xe 6 trục luôn tiềm ẩn nguy cơ khối lượng toàn bộ của xe vượt quá quy định (qua theo dõi loại xe này có thể vượt ≥100%, nhiều trường hợp vượt 250%). Hậu quả là mặt đường bị hằn lún, có những đoạn sâu tới 10 cm, kết cấu đường bị gãy, mặt đường bị phá tạo hố sâu, tốc độ lưu thông bị giảm trên 50%, gây ùn tắc giao thông, dẫn tới việc đảm bảo giao thông rất khó khăn, chi phí cho sửa chữa đường rất lớn, đặc biệt là TNGT gia tăng do cầu đường hư hỏng từ sức ép của xe quá tải, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ngân sách nhà nước.
Theo TS. Khương Kim Tạo, chuyên gia giao thông, tình trạng xe quá tải lưu thông trên đường bộ dù đã giảm nhưng vẫn còn diễn ra, nhất là ở các đoạn tuyến không có tuần tra, kiểm soát của cơ quan chức năng, không bố trí trạm kiểm tra tải trọng xe. Đáng lo ngại hơn, hiện tượng này ngày càng biến tướng phức tạp với nhiều thủ đoạn trốn tránh, đối phó tinh vi, gây hư hỏng và xuống cấp các công trình đường bộ, gia tăng TNGT, nhiều tuyến đường mới xây dựng và đưa vào khai thác ít năm đã phát sinh hư hỏng.
Trong bối cảnh hàng năm ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng được khoảng 40 - 60% nguồn kinh phí cần thiết cho bảo trì công trình đường bộ thì sự phá hoại của xe quá tải làm tăng thêm khó khăn cho công tác quản lý, bảo trì của ngành GTVT, thậm chí có lúc không kịp thời đáp ứng được yêu cầu đảm bảo chất lượng của hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các chuyên gia và nhà khoa học đã nghiên cứu và rút ra kết luận: Nếu tải trọng trục của xe lưu hành qua đường bộ tăng từ 8 tấn lên 16 tấn thì mức độ làm hư hỏng mặt đường tăng lên 20 lần. Tức là, nếu tải trọng trục 16 tấn chạy 1 lần trên đường sẽ gây hư hỏng cho mặt đường bằng 20 lần của xe có tải trọng trục 8 tấn. Hay nói cách khác, mặt đường được thiết kế cho xe có tải trọng chuẩn 8 tấn tuổi thọ khai thác trong 20 năm, nếu khai thác với tải trọng trục là 16 tấn thì tuổi thọ của mặt đường sẽ chỉ còn khoảng 1 năm.
Do đó, trong những năm qua, các cấp, các ngành, đặc biệt là Bộ GTVT và Bộ Công an đã tích cực vào cuộc để xóa xe quá tải, tuy nhiên chưa thể giải quyết được triệt để.
Kiểm soát chặt bằng cân tự động
Theo ông Đặng Văn Chung, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nay là Cục Đường bộ Việt Nam), để kiểm soát tải trọng xe quá tải cần áp dụng lắp đặt các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động trên các trục đường chính, nơi có nhiều xe tải lớn chở vật liệu xây dựng. Hơn nữa, việc đầu tư trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động có tổng mức đầu tư thấp hơn nhiều so với trạm cân cố định như trước đây. Hệ thống cân tự động giảm cả chi phí và giảm người vận hành, bởi tất cả các hoạt động sẽ theo nguyên lý tự động, chỉ cần sử dụng vài nhân viên hàng ngày kiểm tra hoặc 3 - 4 người trông nom trạm cân.
Cũng theo ông Chung, với việc lắp cân tự động sẽ kiểm soát được 100% xe lưu thông qua đoạn đường. Đặc biệt, khi đặt trạm cân tự động sẽ không cần người vận hành, từ đó giảm được tiêu cực khi lái xe không thể nhờ vả, xin xỏ lực lược chức năng để bỏ qua hoặc giảm nhẹ lỗi vi phạm. Hơn nữa, hệ thống cân tự động sẽ lưu lại những thông tin nằm trong hệ thống bảo mật nên không thể xóa được, kể cả phần mềm báo cáo cũng không ai dám can thiệp vào. Bên cạnh đó, nhiều thiết bị, hệ thống camera cùng ghi lại hình ảnh biển số của xe nên thông tin đưa ra sẽ đảm bảo tính minh bạch.
Một giải pháp nữa là để công tác kiểm soát tải trọng xe trên hệ thống đường bộ đạt hiệu quả cần tiếp tục duy trì, xử lý triệt để việc cắt, cơi nới thành thùng xe trái phép. Theo đó, ông Chung đánh giá cao vai trò, sự phối hợp của Bộ Công an trong thời gian triển khai đồng loạt các biện pháp xử lý nghiêm xe chở quá tải trên địa bàn cả nước, mang lại hiệu quả rõ rệt. Đặc biệt, các chủ xe, lái xe tải chở vật liệu xây dựng đã cơ bản chấp hành quy định của pháp luật.
Ông Hoàng Xuân Dư, Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông đường bộ, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho rằng phải yêu cầu tất cả các điểm bốc xếp hàng hóa lắp đặt hệ thống cân để thanh tra, kiểm soát hàng hóa. "Chúng ta phải kiểm soát ngay tại đầu nguồn cửa bốc xếp hàng hóa, bến bãi", ông Dư nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Thiếu tá Lê Anh Tuấn, Đội trưởng Đội CSGT Đường bộ số 1 (Phòng CSGT Công an tỉnh Yên Bái) cho rằng, ngoài việc quản lý chặt hoạt động tại đầu nguồn cần lắp đặt hệ thống cân tự động trên các tuyến đường xe chạy qua để kiểm tra tải trọng, nâng cao hiệu quả công tác.
Nói về tình trạng chở hàng vượt quá tải trọng, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho rằng, vi phạm tải trọng xe là câu chuyện của nhiều năm nay. "Thực tế hiện nay, xử lý một xe quá tải trung bình mất 3 - 4 tiếng để liên hệ với chủ xe hoặc hạ tải. Vì vậy, muốn xử lý dứt điểm xe quá tải cần phải làm tận gốc", Thiếu tướng Lê Xuân Đức khẳng định và cho rằng cần có sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ của các sở, ngành, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng. Đặc biệt, cần kiểm soát chặt chẽ các vi phạm tại đầu nguồn, bến bãi, không để các phương tiện vi phạm được phép lưu thông trên đường bởi theo quy định pháp luật thì các xe ra khỏi các mỏ, kho hàng, bến cảng đều phải cân tải trọng.