Nhanh chóng vận chuyển hàng hóa từ miền Trung, Nam ra Bắc phục vụ dân sinh

Trong bối cảnh nguồn cung lương thực, thực phẩm tại các tỉnh miền Bắc bị thiếu hụt, chia cắt do ảnh hưởng bão lũ đang diễn ra, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cho hay, để ổn định đời sống cho người dân, cần nhanh chóng vận chuyển hàng hóa từ miền Trung, Nam ra Bắc phục vụ dân sinh.

Kết nối cung – cầu, linh hoạt trong lưu thông hàng hóa

Trao đổi với phóng viên TBTCVN chiều ngày 12/9, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cho hay, để ổn định đời sống cho người dân, giải pháp trước mắt hiện nay đó là cần phải có dự báo và thông tin về nhu cầu, nắm được thông tin nguồn hàng và không ngăn sông cấm chợ.

Đồng thời, đảm bảo các chuỗi cung ứng rau, củ, thực phẩm tươi sống thuận lợi giao thương, không gây cản trở lưu thông hàng hóa.

 Tại các siêu thị trung tâm TP. Hà Nội các sạp hàng đầy ắp thực phẩm, giá cả ổn định, đảm bảo phục vụ dân sinh. Ảnh: Hải Anh

Tại các siêu thị trung tâm TP. Hà Nội các sạp hàng đầy ắp thực phẩm, giá cả ổn định, đảm bảo phục vụ dân sinh. Ảnh: Hải Anh

Để bồi đắp nguồn cung, theo các chuyên gia kinh tế, ngoài nguồn rau củ, thực phẩm trong nước, trong thời điểm thiên tai xảy ra, có thể xem xét linh động việc tăng lượng hàng thực phẩm nhập khẩu qua biên giới. Vấn đề quan trọng là cần kiểm soát tốt chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo sức khỏe người dân.

Cần nhanh chóng vận chuyển hàng hóa từ miền Trung, Nam ra Bắc phục vụ dân sinh. Bởi thực tế, hiện nay vùng rau màu tại các tỉnh miền Trung, miền Nam… vẫn phát triển bình thường, không chịu ảnh hưởng mưa bão. Chỉ cần giải quyết tốt bài toán “cung” gặp “cầu” thì sẽ tránh xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá khi bão lũ xảy ra.

Đồng thời với giải pháp nêu trên, ông Vũ Vinh Phú đề xuất, các ngân hàng thương mại cũng cần xắn tay vào hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tạo thuận lợi vay vốn đảm bảo hoạt động thông suốt. Còn các địa phương, vận động nhân dân tập trung thu hoạch những diện tích rau màu có nguy cơ ngập. Đặc biệt, lực lượng quản lý thị trường phải tăng cường vai trò kiểm tra, kiểm soát việc các tiểu thương lợi dụng tăng giá quá cao sản phẩm, từ đó có biện pháp xử lý. Ngành Nông nghiệp cần bắt tay ngày vào sản xuất khi nước rút, trong đó ưu tiên những cây trồng, vật nuôi ngắn ngày.

Về lâu dài, chuyên gia Vũ Vinh Phú lưu ý việc bảo quản, chế biến sâu, dự trữ các loại rau, củ, thực phẩm ở Việt Nam. Thực tế, hiện nay nước ta đang rất thiếu những kho lạnh dữ trữ thực phẩm. Đa phần các doanh nghiệp chỉ mua đứt, bán ngọn. Nên khi có thiên tai xảy ra, mới xảy ra tình trạng lúng túng trong việc nguồn cung thực phẩm.

Không để xảy ra hiện tượng găm hàng, tăng giá

Trong bối cảnh mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét sau bão diễn ra phức tạp, khả năng gây đứt gãy nguồn cung hàng hóa, xuất hiện tình trạng găm hàng tăng giá, ngày 11/9, Bộ Công thương đã ban hành Công điện hỏa tốc số 6929/CĐ-BCT đến các đơn vị thuộc và trực thuộc.

Trong đó, giao Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) chỉ đạo QLTT cấp tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không để tình trạng găm hàng, đẩy giá, đảm bảo ổn định giá các mặt hàng, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi siêu bão, hoàn lưu bão.

 Lực lượng QLTT TP. Hà Nội kiểm tra hàng hóa trong những ngày Hà Nội chịu ảnh hưởng bão số 3. Ảnh: CTV

Lực lượng QLTT TP. Hà Nội kiểm tra hàng hóa trong những ngày Hà Nội chịu ảnh hưởng bão số 3. Ảnh: CTV

Cụ thể hóa chỉ đạo nêu trên, chiều ngày 12/9, Cục QLTT TP. Hà Nội đã có báo cáo nhanh về tình hình lưu thông, cung ứng hàng hóa phục vụ người dân Thủ đô.

Báo cáo nêu, trong ngày 12/9 tình hình thị trường trên địa bàn Hà Nội tương đối ổn định, không xảy ra hiện tượng găm hàng, tăng giá.

Hiện nay, do mực nước ở sông Hồng, sông Nhuệ... đang ở mức cao kèm theo mưa lớn kéo dài làm nhiều điểm trên tuyến phố nội đô của thành phố ngập úng cục bộ, giao thông khó khăn. Dù vậy, hệ thống bán lẻ và các chợ, nguồn cung hàng hóa thiết yếu vẫn cơ bản được đảm bảo để phục vụ người dân.

Tuy nhiên, do tâm lý sợ ngập lụt mất điện cục bộ và nhu cầu mua sắm tích trữ của người dân tăng cao nhưng các cửa hàng siêu thị, trung tâm thương mại... đã kịp thời bổ sung hàng hóa để phục vụ người dân.

Giá các mặt hàng rau, củ, quả có tăng do mưa, ngập khiến rau bị hỏng và khó khăn trong công tác thu hoạch và vận chuyển. Tuy nhiên, các mặt hàng này đã được các siêu thị, tiểu thương ở các chợ chủ động điều chuyển từ nguồn hàng các tỉnh phía Nam để đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân.

Ông Trịnh Quang Đức - Phó Cục trưởng Cục QLTT TP. Hà Nội cho biết, tính từ 12h ngày 11/9 - 12h ngày 12/9, các phòng, đội QLTT đã làm việc và thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Trong những ngày tới lực lượng QLTT TP. Hà Nội tiếp tục tăng cường công tác quản lý, theo dõi lĩnh vực địa bàn, thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin, giám sát phát hiện kịp thời các diễn biến bất thường của hàng hóa lưu thông trên thị trường nhất là đối với các mặt hàng lương thực thực phẩm, xăng dầu, hàng hóa thiết yếu và các mặt hàng, vật tư phục vụ sửa chữa công trình xây dựng, sửa chữa điện, điện tử, máy móc, thiết bị và đồ gia dụng.../.

Lực lượng QLTT TP. Hà Nội tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực giá, đầu cơ hàng hóa, tạo khan hiếm hàng hóa nhằm nâng giá, trục lợi bất hợp pháp.

Song Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nhanh-chong-van-chuyen-hang-hoa-tu-mien-trung-nam-ra-bac-phuc-vu-dan-sinh-159351.html