Nhập hơn 1.000 vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài vào cơ sở dữ liệu quốc gia
Thanh tra Chính phủ phối hợp với các bộ ngành, địa phương đã lập danh sách 1.003 vụ việc khiếu nại phức tạp, tồn đọng, kéo dài, nhập dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo…
Chiều nay, 11-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023.
Trình bày Báo cáo của Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, trong năm 2023, tình hình công dân đến cơ quan nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh tăng so với năm 2022.
Về kết quả tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, các cơ quan hành chính tiếp nhận 446.805 đơn các loại; đã xử lý 422.801 đơn; qua xử lý có 50.533 đơn khiếu nại, 21.767 đơn tố cáo; có 28.892 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước.
So với năm 2022, số đơn các loại tăng 29,6%, đơn khiếu nại tăng 20,5%, đơn tố cáo tăng 23,5%.
Về kết quả giải quyết tố cáo, theo Tổng Thanh tra Chính phủ, tổng số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính các cấp là 7.592 vụ việc, giảm 7,6%; đã giải quyết 6.547 vụ việc, đạt 86,2%. Tòa án nhân dân các cấp đã tiếp nhận 313 đơn tố cáo, trong đó, thuộc thẩm quyền 312 vụ việc, đủ điều kiện thụ lý 110 đơn của 109 vụ việc; đã giải quyết 100 đơn.
Về kết quả kiểm tra, rà soát và việc giải quyết các vụ việc khiếu nại phức tạp, tồn đọng, kéo dài, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương lập danh sách 1.003 vụ việc. Thanh tra Chính phủ đã hoàn thành việc nhập dữ liệu 1.003 vụ việc này vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo để các bộ, ngành, địa phương cập nhật, khai thác, sử dụng.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tiến hành 1.531 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm (tăng 20,7%) thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo tại 2.408 cơ quan, tổ chức, đơn vị; đã ban hành 1.283 kết luận thanh tra. Qua thanh tra kiến nghị xử lý hành chính đối với 233 tổ chức, 520 cá nhân; đã xử lý 190 tổ chức, 460 cá nhân.
Thẩm tra báo cáo này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo năm 2023 tiếp tục có sự đổi mới, đạt kết quả tích cực, giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật đối với 81,8% các vụ việc khiếu nại, 86,2% các vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền.
Về công tác tiếp công dân, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ bổ sung làm rõ lý do của việc Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ “tiếp ít, ủy quyền nhiều”.
Cũng theo ông Tùng, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, tình trạng các cơ quan hành chính nhà nước chậm xem xét, giải quyết hoặc trả lời không đầy đủ, đúng hạn đối với đơn thư của công dân do các cơ quan Quốc hội chuyển đến là vấn đề tồn tại vẫn chưa khắc phục được triệt để.
Qua thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cũng quan tâm đến thông tin trong báo cáo của Ủy ban Pháp luật về việc mới chỉ có 45% Chủ tịch UBND cấp tỉnh, các Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp tiếp công dân; còn 55% chưa trực tiếp tiếp công dân.
Bà Nga đề nghị cần làm rõ, công khai thông tin những đơn vị đứng đầu trực tiếp tiếp công dân, công khai trước Quốc hội để các đại biểu nắm rõ. Đồng thời công khai những đơn vị mà người đứng đầu không trực tiếp tiếp công dân, kể cả cấp tỉnh, thủ trưởng, bộ trưởng các bộ ngành.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, nếu công khai như vậy thì tình hình tiếp công dân vào năm sau sẽ chuyển biến tích cực.