Nhập khẩu, chăn nuôi bò có còn hấp dẫn?
Thị trường thịt bò Việt Nam đang thu hút nhiều nhà đầu tư mới giữa lúc một số tên tuổi kỳ cựu trong ngành có dấu hiệu hụt hơi
Số liệu của Tổ chức Hợp tác - Phát triển kinh tế (OECD) và Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) trong báo cáo triển vọng phát triển ngành nông nghiệp 2020-2029 cho thấy giai đoạn 2017-2019, Việt Nam tiêu thụ 1,27 triệu tấn thịt bò/năm nhưng sản lượng sản xuất chỉ được 372.000 tấn (gần 30%), còn lại là nhập khẩu. Cơ hội phát triển nguồn cung trong nước để thay thế hàng nhập đã rõ nhưng thực hiện không hề dễ dàng.
Không dễ kiếm lợi nhuận
Năm 2020, nguồn cung thịt heo thiếu hụt do dịch tả heo châu Phi. Giá thịt heo bị đẩy lên quá cao, người tiêu dùng phải tìm nguồn đạm động vật khác thay thế nhưng thịt bò không được chọn vì thuộc phân khúc giá cao hơn. Nhiều đơn vị nhập khẩu, phân phối thịt bò đã bị giảm sản lượng. Hiệp hội Thịt đỏ của Mỹ (U.S Meat) cho biết dù thịt bò Mỹ được thị trường Việt Nam ưa chuộng nhưng sản lượng xuất khẩu sang nước ta năm 2020 lại giảm do nhu cầu giảm bởi dịch Covid-19.
Trong nước, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) dù là thương hiệu phân phối, bán lẻ thịt bò có tiếng nhưng năm qua chỉ đạt sản lượng 1.077 tấn, giảm 35% so với cùng kỳ năm 2019. Năm 2021, Vissan đề ra kế hoạch tiêu thụ bằng năm 2020, tức chỉ bằng 65% so với năm 2019.
Ông Võ Xuân Hòa, Giám đốc Công ty CP Đầu tư - Sản xuất - Thương mại dịch vụ Kết Phát Thịnh, một doanh nghiệp (DN) nhập khẩu bò lớn tại khu vực phía Nam thuộc gia đình nông dân nổi tiếng Út Huy Long An - Võ Quan Huy với thương hiệu Fohla (các sản phẩm bò, chuối, trái cây), cho biết thời gian qua, giá thịt bò bị đẩy lên cao nên tiêu thụ chậm lại. "Thời điểm này năm 2020 dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, giá bò hơi Úc nhập về chỉ 2,8-2,9 USD/kg nhưng nay đã đội lên 3,9 USD/kg. Giá đầu vào tăng hơn 30% nhưng giá thịt bò bán lẻ chỉ tăng 20% và rất khó bán, sản lượng giảm" - ông Hòa phân tích.
Ngoài công ty nhập khẩu bò Úc, ông Võ Xuân Hòa còn phụ trách dự án chăn nuôi bò Wagyu Nhật Bản theo quy trình Nhật Bản tại Việt Nam được công bố cuối năm 2018. Dự án này đang bị thu hẹp.
"Chúng tôi đã thống nhất với đối tác Nhật không nhập thêm bò mà phát triển dần dựa trên lô bò đầu tiên. Cửa hàng giới thiệu sản phẩm Wagyu Fohla trên đường 3 Tháng 2 (quận 10, TP HCM) cũng tạm ngưng, hiện DN chỉ còn kho thịt bò các loại ở quận 7 phục vụ bán online" - ông Hòa thông tin.
Dù có lợi thế là DN nhập khẩu, chăn nuôi trực tiếp cũng như chủ động khâu giết mổ nhưng sau 3 năm triển khai bán thịt bò (gồm bò Nhật và Úc tươi sống, thịt bò nhập khẩu) với doanh thu 4-5 tỉ đồng/tháng, hiệu quả kinh doanh của Fohla chỉ ở mức đủ chi phí vận hành, chưa có lãi. Điều này cho thấy việc tìm kiếm lợi nhuận trong mảng này không hề dễ.
Nhập thịt trước, nuôi bò sau
Từ kinh nghiệm dự án bò Nhật, ông Võ Xuân Hòa cho rằng quy mô thị trường cho phân khúc thịt bò cao cấp còn nhỏ.
"Thịt bò Nhật nhập khẩu về Việt Nam giá bình quân là 2 triệu đồng/kg. Chúng tôi hợp tác với người Nhật nuôi bò tại Việt Nam giá chỉ 1 triệu đồng/kg, chất lượng tương đương nhưng số lượng bán ra không nhiều. Thực tế bán hàng cũng cho thấy ở phân khúc thịt bò cao cấp, vấn đề không chỉ là chất lượng mà còn liên quan thương hiệu, xuất xứ. Khi thị trường còn nhỏ thì nhập khẩu về phân phối có hiệu quả hơn so với vận hành 1 dự án chăn nuôi trong nước" - ông Hòa nêu quan điểm.
Giữa tháng 4 vừa qua, tại lễ hội Nhật - Việt diễn ra tại TP HCM, gian hàng bò tuyết Hokkaido (Nhật Bản) của Tập đoàn Sojitz thu hút rất đông khách hàng đến tham quan và dùng thử. Nhân viên người Việt của Tập đoàn Sojitz cho hay sản phẩm đã được nhập khẩu dạng thương mại thông thường về Việt Nam nhưng chưa phân phối chính thức vì đang trong giai đoạn thăm dò thị trường.
"Dự kiến tháng 5 hoặc tháng 6, sản phẩm sẽ có mặt trên kệ các siêu thị lớn tại TP HCM. Về giá bán, hiện chưa chốt giá chính thức nhưng chắc chắn sẽ rẻ hơn bò Wagyu để số đông người tiêu dùng Việt có thể tiếp cận được" - nhân viên này nói.
Đối tác liên doanh với Tập đoàn Sojitz là Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico - thành viên Vinamilk). Tại đại hội cổ đông thường niên Vinamilk năm 2021 diễn ra cuối tháng 4 vừa qua, khi cổ đông hỏi về mảng bò thịt, lãnh đạo Vinamilk cho biết đang làm thủ tục thành lập liên doanh. Về kế hoạch phát triển, giai đoạn đầu dự án sẽ nhập sản phẩm từ Nhật Bản và thử nghiệm nuôi bò thịt theo công nghệ Nhật để giới thiệu đến người tiêu dùng. Giai đoạn tiếp theo sẽ đầu tư trang trại bò thịt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc với quy mô tổng vốn đầu tư khoảng 1.700 tỉ đồng, công suất khai thác 20.000 con/năm. Theo nhận xét của người trong ngành, dự án của Vinamilk có nhiều lợi thế khi dựa vào nền tảng từ chăn nuôi bò sữa và hệ thống phân phối rộng khắp.
Không chỉ Vinamilk, Tập đoàn Asanzo cũng vừa công bố đầu tư 2.000 tỉ đồng nuôi bò Úc với quy mô đàn 25.000 con. Công ty CP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) cũng tuyên bố sẽ phát triển lại đàn bò trong năm 2021. Cụ thể, theo báo cáo thường niên vừa công bố, HAGL Agrico định hướng đầu tư chăn nuôi bò ở Lào và Campuchia trên diện tích 7.000 ha kết hợp trong vườn cây cao su. Tổng đàn dự kiến là 112.500 con (năm 2018 chỉ có 13.000 con) gồm bò sinh sản, bò thịt theo mô hình bán chăn thả và bò vỗ béo tập trung. Không chỉ bán bò hơi, HAGL Agrico còn dự kiến hợp tác các đại lý phân phối thịt bò và đầu tư nhà máy chế biến thịt để cung cấp thịt bò sạch, chất lượng phù hợp thị hiếu người tiêu dùng trong nước.
Bài toán khó
Theo ông Nguyễn Thanh Khuê, người có nhiều năm nhập khẩu thịt bò lẫn bò sống về vỗ béo, giết mổ, Việt Nam phụ thuộc vào nguồn cung ngoại do không có lợi thế về chăn nuôi đại gia súc. Việt Nam không sản xuất được con giống đại trà, nguy cơ dịch bệnh trên bò rình rập.
"Để thích ứng với điều kiện đất đai hạn chế, nhiều DN chọn cách nhập khẩu bò để vỗ béo, có ưu điểm là thịt bò tươi sống, chất lượng cao hơn thịt đông lạnh nhưng giá lại cao hơn khoảng 40%. Việc hạ giá thành bò chăn nuôi trong nước đang gặp nhiều khó khăn do phụ thuộc nguồn nhập từ con giống đến thức ăn, thuốc thú y..." - ông Khuê phân tích.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/nhap-khau-chan-nuoi-bo-co-con-hap-dan-20210509211406812.htm