Nhập khẩu đường từ 5 nước ASEAN tăng tới 209% khiến đường nội lao đao

Trong quý I/2022, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đánh giá đã có hiện tượng bất thường khi nhập khẩu đường từ 5 nước ASEAN có trình độ sản xuất đường tương đương hoặc thấp hơn vào Việt Nam tăng đột biến.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nhu cầu đường trong giai đoạn sau dịch COVID-19 đã phục hồi nhưng giá đường vẫn chưa cải thiện là bao khi các nguồn cung vẫn dồi dào.

Đường nhập lậu và đường nhập khẩu từ các nước ASEAN tràn ngập và hoàn toàn chiếm lĩnh thị trường

Đường nhập lậu và đường nhập khẩu từ các nước ASEAN tràn ngập và hoàn toàn chiếm lĩnh thị trường

Dưới ảnh hưởng giá đường tăng trên thị trường quốc tế và cước vận chuyển tăng do tăng giá nhiên liệu, đường nhập khẩu chính ngạch từ các nước ASEAN và đường nhập lậu từ các tỉnh biên giới với Campuchia và Lào dù đã phải điều chỉnh tăng nhưng vẫn thấp hơn giá thành sản xuất đường từ mía nên vẫn chiếm ưu thế thị trường.

Nửa cuối tháng 4/2022, đường nhập lậu và đường nhập khẩu từ các nước ASEAN tràn ngập và hoàn toàn chiếm lĩnh thị trường, với ưu thế giá rẻ hơn giá thành đường từ mía, khiến cho đường sản xuất từ mía không thể tiêu thụ.

"Sự bế tắc đầu ra đang đe dọa nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng mía đường và cùng với tình trạng các vật tư nông nghiệp tăng giá đã khiến cho nỗ lực phục hồi vùng nguyên liệu mía của ngành đường Việt Nam gặp nhiều trở ngại", ông Nguyễn Văn Lộc, quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam chia sẻ.

Cụ thể, Hiệp hội Mía đường Việt Nam dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong quý I/2022 đã ghi nhận đường nhập khẩu từ các nước ASEAN (Campuchia, Lào, Malaysia, Indonesia, Myanmar) vào Việt Nam đã tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý I/2022 đã có hiện tượng bất thường khi nhập khẩu đường tăng đột biến (mức tăng từ 187.251 tấn năm 2021 lên 391.468 tấn năm 2022, tức tăng 209%), từ các nước ASEAN có trình độ sản xuất đường tương đương hoặc thấp hơn vào Việt Nam. Số lượng nhập khẩu kể trên đều đang sử dụng Hiệp định ATIGA để được hưởng thuế suất ưu đãi 5%.

Ông Lộc cho biết, đường gian lận thương mại qua biên giới Tây Nam tràn ngập thị trường do các biện pháp quản lý chưa hiệu quả và đường sản xuất từ mía trong nước vụ ép 2021/2022. Trong khi sức cầu kém trong giai đoạn phục hồi sau dịch bệnh COVID-19 đã khiến thị trường tiếp tục thừa cung và đẩy giá đường dưới mức giá thành sản xuất của đường từ mía. Từ đó, khiến đường các nhà máy không bán được phải tồn kho.

Như vậy, các nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu tiêu thụ đường chưa tăng nên sẽ không có hiện tượng thiếu hụt đường trong tháng 5/2022 và các tháng kế tiếp. Ưu thế thị trường vẫn thuộc về các loại đường và chất ngọt có nguồn gốc nhập khẩu và giá đường trong nước sẽ có diễn biến gắn với giá đường thế giới.

Do vậy, giá đường tại thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục ở mức thấp hơn so với giá đường của các quốc gia trồng mía lân cận (Trung Quốc, Indonesia, Philippines).

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/nhap-khau-duong-tu-5-nuoc-asean-tang-toi-209-khien-duong-noi-lao-dao-1085414.html