Nhập khẩu gỗ tròn từ châu Phi chiếm 70%

Lượng gỗ tròn từ châu Phi xuất khẩu sang Việt Nam chiếm số lượng lớn nhất, tới 70% và Cameroon là quốc gia xuất khẩu gỗ xẻ lớn nhất cho Việt Nam trong những năm gần đây.

Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp gỗ Việt Nam đòi hỏi ngày càng tăng của nguyên liệu gỗ đầu vào. Nguồn cung gỗ rừng trồng trong nước rất lớn và đang có xu hướng gia tăng, vượt 30 triệu m3/năm.

Tuy nhiên, nguồn cung gỗ trong nước vẫn không đủ cung cấp cho ngành đang mở rộng. Do đó, gỗ nhập khẩu, đặc biệt là gỗ tròn (HS 4403) và gỗ xẻ (HS 4407) đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng của ngành.

Đặc biệt, gỗ nhập khẩu từ châu Phi ngày càng được nhân rộng, bao gồm các nguồn từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó các nước có khối lượng gỗ lớn nhất xuất khẩu sang Việt Nam là Cameroon, Congo, Kenya, Nam Phi, Nigeria và Ghana… Lượng gỗ tròn từ châu Phi xuất khẩu sang Việt Nam chiếm số lượng lớn nhất, tới 70% và Cameroon là quốc gia xuất khẩu gỗ xẻ lớn nhất cho Việt Nam trong những năm gần đây.

VIFOREST cho biết, trong số các loại gỗ tròn được các doanh nghiệp nhập khẩu về, các loại lim, gõ, xoan đào và hương là 4 loài gỗ tròn được nhập khẩu nhiều nhất từ Châu Phi, trong đó gỗ lim tròn nhập khẩu hàng năm lên đến 250 nghìn m3, giá trị hàng trăm triệu USD.

Theo ông Hoài, Chính phủ Việt Nam đã ký Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi Luật lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (VPA FLEGT) với Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2018. Hiệp định nhằm đảm bảo rằng tất cả các sản phẩm gỗ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước đều hợp pháp. Vì vậy, kiểm soát tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu, bao gồm cả gỗ nhập khẩu từ châu Phi, là một yếu tố trọng tâm.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, thông tin liên quan tới các yêu cầu về tính hợp pháp tại các quốc gia khai thác gỗ ở châu Phi còn hạn chế. Hơn nữa, có rất ít thông tin bằng tiếng Việt về các quy tắc và quy định quản lý hoạt động khai thác gỗ, đặc nhượng rừng, thực thi pháp luật và các tác nhân tham gia vào chuỗi cung ứng.

“Thông tin ít ỏi có thể cản trở sự tuân thủ của người tham gia và từ đó tạo ra những rủi ro về tính hợp pháp của các sản phẩm nhập khẩu. Điều này cho thấy nhiều thách thức đối với việc triển khai hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp tại Việt Nam trong tương lai. Hiểu biết về các yêu cầu về tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu từ châu Phi là chìa khóa để thực thi Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam”, ông Hoài lưu ý.

Đức Nguyễn

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//giao-thuong/nhap-khau-go-tron-tu-chau-phi-chiem-70-1089231.html