Nhấp một ngụm. Mỉm cười. Giác ngộ!

Phật giáo dạy ta về vô thường, nhưng đồng thời cũng dạy về lòng tôn kính: ta bọc những báu vật trong lớp áo của sự cẩn trọng, cũng như ta ủ ấm trái tim mình bằng chính niệm và yêu thương.

Tôi uống rất nhiều trà. Thỉnh thoảng, trong lúc viết, tôi chăm chú nhìn vào tách trà như thể nó cất giấu nguồn cảm hứng nào đó. Đôi khi, điều kỳ diệu thực sự xảy ra. Dường như chẳng mấy quan trọng việc tách trà ấy đầy hay cạn.

Chồng tôi, Phurba Namgay, xin nguyện cầu bình an cho anh, luôn ân cần pha trà cho tôi. Anh ấy pha trà rất ngon. Chúng tôi sống ở Bhutan, đất nước nơi những vị thánh Phật giáo cưỡi hổ bay đến các thánh địa, và những bậc giác ngộ từng hàng phục quỷ dữ bằng những phép lạ không thể tưởng tượng nổi. Thế nhưng, phần lớn thời gian, cuộc sống ở Bhutan lại rất đỗi bình thường, dù những khoảnh khắc giác ngộ vẫn hiện diện lặng lẽ trong đời sống hàng ngày.

Tôi không phải người đầu tiên nghĩ đến việc tìm thấy đạo trong những điều giản dị, nhưng con đường tôi đi lại rất riêng. Là một nhà văn người Mỹ, tôi đã sống ở Thimphu - thủ đô Bhutan - gần ba mươi năm. Một vùng đất tuyệt vời để chiêm nghiệm phật pháp, cuộc đời và… trà. Vì thế, đó là những chủ đề tôi thường viết tới, đôi khi thêm vào cà phê, thiền hành, những ẩn dụ, sách vở, những chú chó, cuộc sống ở dãy Himalaya, nền quân chủ Phật giáo cuối cùng trên thế giới, sự hiện đại, cái chết và cả vũ trụ.

Dĩ nhiên, con đường giải thoát của mỗi người đều khác nhau. Với tôi, hành trình tâm linh là tìm ra ý nghĩa trong đời sống thường nhật. Tôi cũng không quá nghiêm trọng hóa mọi chuyện. Có thể những điều tôi xem trọng sẽ khiến bạn thấy lạ lẫm hoặc phù phiếm. Hoặc cũng có thể không. Nhưng tôi thực sự rất nghiêm túc với việc sống có mục đích, nhất là khi tuổi đời ngày một cao hơn. Và ngay trong sự nghiêm túc ấy, tôi vẫn tìm được nụ cười. Cười chính mình vẫn tốt hơn là nổi giận với chúng sinh hay ngoại cảnh.

Có lần, khi về thăm gia đình ở Nashville, Tennessee, mẹ tôi nhẹ nhàng nhắc rằng trên gác mái còn rất nhiều đồ đạc của tôi. Bà gợi ý rằng nếu muốn, tôi có thể thu xếp xử lý chúng. Trong số đó, tôi đặc biệt muốn giữ lại bộ ấm chén sứ vẽ tay từng thuộc về bà ngoại. Nhưng làm sao có thể vận chuyển chúng nửa vòng trái đất mà không làm vỡ?

Chuyện không đơn giản. Bởi trong cuộc hôn nhân của tôi và Namgay, chúng tôi đặt ra nguyên tắc: mỗi khi từ Bhutan sang Mỹ hay ngược lại, chúng tôi không được mang theo những món đồ vốn xuất xứ từ nơi mình sắp đến. Quy định ấy được Namgay đặt ra sau một lần tôi mua rất nhiều hộp trang trí Ấn Độ tại Mỹ rồi mang về Bhutan, để rồi phải trả thêm một khoản phí hành lý quá cước đắt đỏ. Đó cũng là bài học cho việc “chở củi về rừng”. Vậy nên lần này, tôi phải xin phép Namgay. Rất may, anh ấy đồng ý cho tôi gửi bộ sứ cổ - vốn đã được làm ở Hong Kong từ gần 90 năm trước - từ Mỹ về Bhutan.

Tôi nhớ lại thời còn học trung học, từng có một cuộc thi yêu cầu học sinh sáng chế phương pháp đóng gói trứng sao cho không bị vỡ khi thả rơi từ tầng ba xuống sân trường. Cả đài truyền hình địa phương còn đến đưa tin. Tôi nghĩ, nếu có thể huy động lại sự khéo léo và óc sáng tạo năm nào, tôi sẽ thành công lần này.

Thế là tôi tới cửa hàng UPS (nơi chuyên cung cấp dịch vụ vận chuyển và đóng gói hàng hóa tại Mỹ) trong một khu trung tâm thương mại gần nhà bố mẹ. Tôi quyết định bắt đầu khiêm tốn: chỉ chọn bốn chiếc đĩa ăn tối, cùng với bốn bộ đĩa ăn salad và tráng miệng, tám tách trà và đĩa lót, thêm cặp lọ muối tiêu vẽ tay. Đó là bộ đồ sứ mà tôi yêu thích nhất, nền trắng, trang trí hoa hồng, xanh lá, ánh vàng xen kẽ những họa tiết châu Á rất tinh tế. Tôi đã mê mẩn chúng ngay từ lần đầu tiên, khi còn là đứa trẻ nhỏ ghé thăm nhà ông bà ở Arlington, Virginia.

Tôi nhất quyết phải tận mắt chứng kiến chàng trai trẻ đang làm công việc đóng gói tại cửa hàng UPS gói chiếc hộp đầu tiên.

“Anh cần dùng hộp lớn hơn đấy,” tôi nhận xét.

“Chỉ bốn cái đĩa thôi mà?” - cậu ta ngạc nhiên.

“Bốn cái đĩa này phải vượt qua cả dãy Himalaya. Chúng sẽ phải đi lưng yak suốt hai ngày trời đấy!”.

Phần tôi nói về con đường vận chuyển bằng lưng bò Tây Tạng kia, xét cho cùng không hẳn đúng, nhưng cũng chẳng sai. Bhutan cách Nashville đúng 12 múi giờ, tức là nửa vòng trái đất. Mỗi lần di chuyển từ nhà tôi ở Thimphu về nhà ở Nashville, tôi phải bay bốn chặng. Hành trình luôn bắt đầu bằng một chuyến xe đêm gập ghềnh từ Thimphu đến Paro, rồi khi đến Mỹ lại thêm một quãng đường xe hơi nữa. Không ai có thể đoán được những thùng hàng sứ kia sẽ trải qua bao nhiêu xe tải, máy bay, xe đẩy, mái trường cao ba tầng hay băng chuyền.

Mà nhân tiện, bộ bát đĩa đó là loại sứ xương, thứ vật liệu nghe có vẻ mong manh nhưng lại khá bền. Người ta có thể đưa tách trà lên ánh sáng và nhìn xuyên qua, nhưng sứ xương bền hơn ta tưởng.

Bốn chiếc đĩa đầu tiên được gói vào một hộp vuông rộng khoảng 75cm, được bao bọc bằng một lượng bong bóng chống sốc khổng lồ, nguyên cuộn bong bóng, cộng với rất nhiều lớp giấy. Gửi như thế tốn một khoản không nhỏ.

Vài tuần sau, Namgay gọi báo rằng kiện hàng đã về đến Thimphu. Tôi hỏi: “Đĩa có bị sao không?”.

Anh đáp: “Vâng, vâng, ổn cả”.

Yên tâm phần nào, tôi tiếp tục gửi nốt 40 món còn lại trong bộ sứ (kèm lọ muối tiêu) chia vào tám thùng hàng lớn.

Tháng sau, tôi trở về nhà. Vừa bước vào phòng ăn, tôi thấy tám thùng hàng to tướng còn nguyên niêm phong.

Tôi ngạc nhiên: “Anh nói là chúng ổn cơ mà? Anh chưa mở ra à?”.

Namgay trả lời: “Thì… hộp vẫn nguyên vẹn mà”.

Những kiểu hiểu lầm ngôn ngữ như vậy xảy ra khá thường xuyên trong cuộc hôn nhân của chúng tôi.

Ngay lập tức, tôi tưởng tượng ra cảnh cả bộ đồ sứ quý báu của bà ngoại đã vỡ tan bên trong mớ thùng đó. Tôi vội xé băng dính, mở tung tất cả.

Không một mảnh nào bị vỡ. Mỗi món đều nguyên vẹn như mới.

Duy có điều: phòng ăn của chúng tôi giờ ngập tới ngực trong bong bóng, giấy gói và thùng carton. Con gái tôi, bé Kinlay phấn khích đến mức chui vào trong đống vật liệu, cười rúc rích. Thỉnh thoảng, đầu bé lại ngoi lên: “Con là giun cát đây!” - bé hét lên. Trẻ con luôn mê mẩn trong những cảnh hỗn độn đáng yêu như vậy.

Thật tuyệt khi có được bộ bát đĩa ấy trong căn nhà nhỏ ở Thimphu, nhưng thú thực tôi cũng thấy hơi tiếc, cả về khoản tiền, sự lãng phí vật liệu và một chút… ngốc nghếch. Chúng tôi đâu dư dả gì. Cả việc này có vẻ đúng là trò dở hơi. Hoặc là tôi nghĩ thế.

Vài tháng trước, Namgay đang hợp tác với các nghệ nhân để tạo nên sáu bức tượng Phật lớn cho một ngôi chùa ở Wangdue Goempa, tu viện truyền thống của gia đình anh tại Wangduephodrang. Tượng Bhutan được làm bằng đất chưa nung trộn vỏ cây Daphne, nặn lên khung sắt. Chúng rất mong manh, vô cùng khó vận chuyển. Chỉ khi đưa về chùa, các tượng mới được sơn son thếp vàng để gia cố.

Những bức tượng thô ấy cần vượt qua đoạn đường núi dài bốn tiếng từ Thimphu tới Nekachu bằng chiếc xe tải nhỏ DCM lắc lư liên tục. Và lúc đó, chúng tôi nhận ra: chính cách đóng gói kỳ công dành cho bộ đồ sứ của tôi lại là giải pháp hoàn hảo cho những bức tượng Phật.

Chúng tôi dùng rơm khô lót quanh các chi tiết mảnh như ngón tay, vành tai, vương miện, thân tượng, sau đó cuộn nhiều lớp bong bóng chống sốc và cố định chặt. Nhờ đó, tất cả các bức tượng đều đến chùa an toàn, không trầy xước, không sứt mẻ.

Nhưng suy cho cùng, bài viết này không phải nói về đĩa sứ hay tượng Phật. Mà là về cách ta tìm thấy ý nghĩa trong những điều bình thường. Giác ngộ không chỉ đến từ những trải nghiệm vĩ đại, xa xôi mà nằm ngay trong những nghi thức giản dị, tĩnh lặng của đời sống hằng ngày. Như khi ta thưởng trà, trong một tách đã vượt qua nửa vòng trái đất. Hoặc như lớp bao bọc dư thừa từng bảo vệ một bức tượng Phật trên đường về chùa.

Đó là bài học về sức mạnh và sự mong manh. Từ tách trà bằng sứ đến pho tượng thiêng liêng, những điều ta yêu quý nhất thường rất dễ vỡ, nhưng nếu được nâng niu đúng cách, chúng sẽ trường tồn. Phật giáo dạy ta về vô thường, nhưng đồng thời cũng dạy về lòng tôn kính: ta bọc những báu vật trong lớp áo của sự cẩn trọng, cũng như ta ủ ấm trái tim mình bằng chính niệm và yêu thương.

Chúng ta cần biết trân quý những gì mình đang có, dù là một bộ đồ sứ, một niềm tin, một khoảnh khắc thoáng qua… hay chỉ đơn giản là một tách trà.

Tác giả: Linda Leaming/Chuyển ngữ và biên tập: Dũng Nguyễn/Nguồn: buddhistdoor.net

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/nhap-mot-ngum-mim-cuoi-giac-ngo.html