Nhập nhèm tài chính ở Trường THPT Phú Thái
Báo Hải Dương nhận được phản ánh của ông Hoàng Văn Toản (45 tuổi, ở thị trấn Phú Thái, Kim Thành) về thu, chi tài chính tại Trường THPT Phú Thái có những khuất tất.
Theo trình bày của ông Toản, năm 2006, ông góp 300 triệu đồng để thành lập Trường THPT dân lập Kim Thành (nay là Trường THPT Phú Thái). Thời điểm đó, trong các cổ đông có ông Toản và vợ chồng ông Nguyễn Xuân Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị của trường.
Số tiền ông Toản góp vốn lúc đó tương đương 17% số cổ phần. Đến năm 2008, các cổ đông khác rút vốn và chuyển nhượng lại cổ phần cho vợ chồng ông Hương. Từ đó đến nay, Trường THPT Phú Thái chỉ có 3 cổ đông là ông Hương, ông Toản và bà Hường (vợ ông Hương và cũng là kế toán của trường).
Vì tin tưởng nên từ khi góp vốn, ông Toản chủ yếu để vợ chồng ông Hương quản lý, điều hành hoạt động của trường. Đến tháng 10.2019, giữa ông Toản và vợ chồng ông Hương phát sinh mâu thuẫn trong việc xác định tỷ lệ cổ phần của ông Toản. Theo tính toán của vợ chồng ông Hương, số tiền 300 triệu đồng góp vốn của ông Toản hiện tương đương với 7,61% cổ phần.
Ông Hương có 63,24% cổ phần. Bà Hường có 29,15% cổ phần. Không đồng tình với tỷ lệ trên, ông Toản đã yêu cầu vợ chồng ông Hương làm rõ việc mua lại cổ phần của các cổ đông trước đây và quá trình tăng cổ phần của vợ chồng ông trong thời gian qua. Ngoài ra, ông Toản cũng cho rằng việc thu, chi của Trường THPT Phú Thái nhiều năm nay không minh bạch.
Theo các bảng tổng hợp mà vợ chồng ông Hương cung cấp, ông Toản thấy một số khoản chi ở mức cao, không hợp lý. Điển hình là chi tiền “thăm hỏi, quà Tết”: Năm học 2018-2019 chi 173,7 triệu đồng; năm học 2017-2018 chi 168,7 triệu đồng; năm học 2016-2017 chi 170,3 triệu đồng và năm học 2015-2016 là 148,8triệu đồng.
“Vợ chồng ông Hương chỉ đưa cho tôi các bảng tổng hợp thu, chi hằng năm mà không có hóa đơn, chứng từ chứng minh cụ thể. Tôi đã nhiều lần đề nghị họ giải thích, làm rõ các khoản chi nhưng họ đều từ chối cung cấp”, ông Toản cho biết.
Theo tài liệu vợ chồng ông Hương cung cấp cho ông Toản, từ khi thành lập đến nay, Trường THPT Phú Thái luôn trong tình trạng thu không đủ chi. Chính vì vậy, dù góp vốn nhưng các cổ đông chưa có lợi ích gì từ việc đầu tư.
Làm việc với phóng viên, vợ chồng ông Hương đã cung cấp một số bảng tổng hợp thể hiện tình hình tài chính của Trường THPT Phú Thái. Theo ông Hương, từ khi thành lập đến nay, trường luôn trong tình trạng khó khăn. Đến tháng 5.2019, trường còn nợ trên 1,1 tỷ đồng, trong đó nợ tiền lương của ông Hương trên 267 triệu đồng và nợ vợ chồng ông này 2 lô đất.
Về 2 lô đất, bà Hường giải thích đó là đất của ông bà cho nhà trường vay, sau đó họ đã bán đất được gần 1 tỷ đồng để đầu tư vào trường. Theo bà Hường, khi nào nhà trường thanh toán thì sẽ căn cứ vào giá trị 2 lô đất tại thời điểm trả nợ để tính ra số tiền phải trả.
Giải thích về việc tăng tỷ lệ cổ phần của 2 vợ chồng trong thời gian qua, bà Hường cho biết có thời điểm nhà trường nợ nần nhiều, ông bà đã bán tài sản, đất đai của gia đình để trả các khoản nợ của trường sau đó quy ra cổ phần.
Về phản ánh của ông Toản liên quan đến khoản chi “thăm hỏi, quà Tết” cao, bà Hường cung cấp một số bảng ghi việc chi tiền nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 cho các giáo viên.
Ví dụ, năm học 2018-2019, nhà trường chi từ 1,5-2 triệu đồng cho mỗi giáo viên. Ngoài ra, còn các khoản chi “thăm hỏi, quà Tết” vào dịp Tết Nguyên đán... Tuy nhiên, những bảng chi này không có chữ ký của các giáo viên. Ông Hương giải thích nhà trường có chi nhưng không yêu cầu giáo viên ký nhận. Ông này cho biết thêm một số khoản vay cá nhân, “vay nóng” cũng không có đầy đủ giấy tờ, biên nhận.
Ông Toản không nhất trí với những giải thích của vợ chồng ông Hương. “Có rất nhiều khoản vay của nhà trường do vợ chồng ông Hương vay mượn các cá nhân nên rất khó xác thực. Và khi chi để đầu tư vào trường cũng không rõ ràng, minh bạch từ đầu dẫn đến tình hình tài chính khó kiểm soát. Đến nay, tôi cũng không được tham gia bất cứ công việc gì của trường. Dù tôi chỉ còn 1% số cổ phần thì cũng đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện vào cuộc, làm rõ tình hình tài chính của trường một cách trung thực, khách quan”, ông Toản kiến nghị.
Theo một luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh, việc phát sinh tranh chấp trên là do công tác quản lý, điều hành hoạt động tại Trường THPT Phú Thái không chặt chẽ, bài bản trong thời gian dài. Để giải quyết những tranh chấp, mâu thuẫn, ông Toản có thể làm thủ tục khởi kiện ra tòa án dân sự theo quy định của pháp luật.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/dieu-tra/nhap-nhem-tai-chinh-o-truong-thpt-phu-thai-123047