Nhập Tạng (Kỳ 1)

Để chỉ việc bước chân vào vùng đất 13 ngọn núi thiêng Khu tự trị Tây Tạng (Trung Quốc) còn có một cách nói dân dã: 'Nhập Tạng'. Nếu đã từng đọc 'Thiên táng' của Hân Nhiên, hay say sưa với bộ truyện 'Mật mã Tây Tạng' của Hà Mã, hẳn đều ít nhiều tưởng tượng về một vùng đất huyền bí, trập trùng đồi núi, nơi mà bầu trời xanh thẳm và những ngọn núi phủ tuyết vào mùa hè. 'Nhập Tạng' không phải câu chuyện đơn giản với các du khách. Có những quy định riêng, cả về hành chính lẫn sức khỏe. Và thật ra đi Tây Tạng rồi mới thấy, dù đi cả chục lần, thì hành trình của mình mới chỉ dừng lại ở cửa ngõ 'Nhập Tạng' mà thôi.

Mục lục bài viết

Kỳ 1: Từ thành cổ Tùng Phan

Chuyện ở Tùng Phan
“Thiên lộ”

Để chỉ việc bước chân vào vùng đất 13 ngọn núi thiêng Khu tự trị Tây Tạng (Trung Quốc) còn có một cách nói dân dã: “Nhập Tạng”. Nếu đã từng đọc “Thiên táng” của Hân Nhiên, hay say sưa với bộ truyện “Mật mã Tây Tạng” của Hà Mã, hẳn đều ít nhiều tưởng tượng về một vùng đất huyền bí, trập trùng đồi núi, nơi mà bầu trời xanh thẳm và những ngọn núi phủ tuyết vào mùa hè.

“Nhập Tạng” không phải câu chuyện đơn giản với các du khách. Có những quy định riêng, cả về hành chính lẫn sức khỏe. Và thật ra đi Tây Tạng rồi mới thấy, dù đi cả chục lần, thì hành trình của mình mới chỉ dừng lại ở cửa ngõ “Nhập Tạng” mà thôi.

Nguồn: Báo điện tử Nhân dân

Để chỉ việc bước chân vào vùng đất 13 ngọn núi thiêng Khu tự trị Tây Tạng (Trung Quốc) còn có một cách nói dân dã: “Nhập Tạng”. Nếu đã từng đọc “Thiên táng” của Hân Nhiên, hay say sưa với bộ truyện “Mật mã Tây Tạng” của Hà Mã, hẳn đều ít nhiều tưởng tượng về một vùng đất huyền bí, trập trùng đồi núi, nơi mà bầu trời xanh thẳm và những ngọn núi phủ tuyết vào mùa hè.

Nhập Tạng” không phải câu chuyện đơn giản với các du khách. Có những quy định riêng, cả về hành chính lẫn sức khỏe. Và thật ra đi Tây Tạng rồi mới thấy, dù đi cả chục lần, thì hành trình của mình mới chỉ dừng lại ở cửa ngõ “Nhập Tạng” mà thôi.

Kỳ 1: Từ thành cổ Tùng Phan

Khu người Tạng nằm trên cao nguyên rộng lớn Thanh Tạng (Thanh Hải – Tây Tạng), nơi cao nhất thế giới với độ cao trung bình 4.500 m so mực nước biển. Ngoài khu tự trị Tây Tạng, cao nguyên Thanh Tạng còn có cả vùng phía đông tỉnh Thanh Hải và một phần tây Tứ Xuyên (Trung Quốc).

Nếu nói về địa lý, đây hẳn là một vùng đất rất đặc biệt. Ngoài vùng biên giới tự nhiên là dãy Himalaya (người Trung Quốc gọi là Chomolungma), Tây Tạng có vùng đông nam giáp với Shangri-La – thiên đường trên mặt đất Vân Nam với mệnh danh tiểu Lhasa, phía bắc giáp Tân Cương, phía đông giáp Tứ Xuyên, Thanh Hải.

Bởi thế, nếu nói về việc “Nhập Tạng”, hay nói về một vùng văn hóa Tạng, không thể chỉ nhắc tới khu tự trị Tây Tạng. Cần phải bắt nguồn từ những cửa ngõ vào vùng cao nguyên này, nơi ghi dấu ấn của không ít cuộc đổi dời lịch sử.

Một góc Lhasa

Chuyện ở Tùng Phan

Trước kia, cửa ngõ duy nhất vào Tây Tạng từ Trung Nguyên là thành cổ Tùng Phan (châu tự trị A Bá, Tứ Xuyên, Trung Quốc). Thế kỷ thứ 7, Tùng Tán Can Bố – vị vua thứ 33 của người Tạng, người thống nhất các bộ tộc Tạng và lập nên nhà nước Thổ Phồn – cầu hòa với Đại Đường và Đường Thái Tông đã gả công chúa Văn Thành sang Tây Tạng, tạo nên mối giao hảo Đại Đường – Thổ Phồn nhiều thế kỷ.

Văn Thành công chúa đã tạm biệt Đại Đường chính tại cửa ngõ Tùng Phan. Ngay trước cổng thành bây giờ, người ta đã cho dựng bức tượng Văn Thành và Tùng Tán Can Bố vẫy tay chào Đông Thổ để từ đó Nhập Tạng. Tùng Phan bây giờ đã là một khu du lịch. Ngoại trừ bức tường thành cổ nghìn năm với kết cấu gạch nung đặc trưng theo kiến trúc thời Đường, thì những gì xuất hiện trên con phố này đều là sản phẩm của công cuộc marketing du lịch tài tình của người Trung Quốc.

Tôi gặp vợ chồng Lun ở đó. Tôi không rõ tên vợ chồng ông theo tiếng Tây Tạng là gì, ông chọn một cái tên để người ta dễ gọi mình thôi. Cả hai ở một vùng đất rất xa, phía bên kia thành cổ Tùng Phan, nghĩa là sâu trong Tây Tạng. Vật đổi sao dời, cơn lốc phát triển với con đường cao tốc và “thiên lộ” đã đem lại bộ mặt mới cho vùng cao nguyên Thanh Tạng. Nhưng có nhiều người như Lun, sau khi nhận đền bù từ các cuộc giải phóng mặt bằng, mất đi không gian du mục vốn có.

Ông bảo trước kia, gia đình ông sống như những người Tây Tạng truyền thống, chỉ biết trên đầu là mây, dưới chân là đất, nuôi cả trăm con cừu, lang thang như những người tự do nhất thế giới. Nhưng đất đai của họ bị thu hẹp dần, Lun hất hàm chỉ ra dãy núi phía sau cổng thành Tùng Phan: “Nó đâu có bé thế kia”.

Lun bán mảnh đất và những con cừu cuối cùng, khăn gói đưa vợ đến Tùng Phan, thuê một cửa hàng bán pháp bảo. Ông bảo 2 đứa con ông vẫn ở lại Tây Tạng, nhưng không chăn cừu nữa. Chúng đi làm thuê trong Lhasa (thủ phủ Tây Tạng).

Cả buổi nói chuyện, vợ của ông Lun chỉ cười. Họ ăn, ngủ ngay trong cửa tiệm đầy các đồ pháp bảo, trên đầu là cả dãy Thangka – 1 dạng tranh thờ. Họ sùng đạo, Lun nói ông không bao giờ bán Thangka mà nói thách: “Đó là đồ thờ, mình chỉ nói một giá thôi”. Cái cách nói chuyện e dè của họ, khiến tôi không tưởng tượng được, khi còn ở trên cao nguyên Thanh Tạng, họ đã tự do và rạng rỡ tới mức nào.

Nhưng đứng ở Tùng Phan, trong tôi bỗng dấy lên một cảm giác khó tả, bởi chỉ bước qua cổng thành đó, là một thế giới khác, có thể là ngàn năm cách biệt như Văn Thành công chúa. Trong vở diễn thực cảnh Văn Thành công chúa, Trương Nghệ Mưu đã kể về hành trình mang ngũ cốc và Phật giáo vào Tây Tạng.

Đó là một hành trình đầy khắc nghiệt, với gió cát, mất mát. Bức tượng Phật Thích ca Mâu Ni mà Văn Thành mang vào Tây Tạng, hiện vẫn đang được thờ tại chùa Đại Chiêu ở Lhasa, được coi là một bảo vật vô giá.

“Thiên lộ”

Từ năm 1996-2016, Trung Quốc hoàn thành con đường cao tốc Bắc Kinh – Tây Tạng, một trong những con đường dài nhất thế giới với chiều dài 3.718 km. Suốt những ngày ở các vùng Tạng, tôi nhớ tới Thư Văn, cô gái đi tìm tình yêu trong Thiên táng. Để tìm chồng mình ở Tây Tạng, cô ấy đã rời Nam Kinh, xuyên qua những con đường gồ ghề cao nguyên Thanh Tạng, lang thang từ Thanh Hải, Tứ Xuyên, rồi Nhập Tạng.

Còn bây giờ, dù là từ Tân Cương hay Thanh Hải, Thành Đô theo quốc lộ G318, những tuyến cao tốc đều thẳng tắp, thênh thang. Tiểu Lữ, anh bạn lái xe cho tôi nói nếu yếu tim, lái xe ở đây hẳn không dễ, ngay cả với đoạn dễ đi nhất là Thanh Hải – Tây Tạng. Độ dốc lớn cộng với việc con đường quá đẹp rất dễ khiến người ta có ảo giác. Lần đầu nhập Tạng, khi xe bắt đầu tới chân núi Hoàng Long (Tứ Xuyên), lái xe thận trọng quay lại: “Bắt đầu vào cao nguyên Thanh Tạng”.

Lữ dừng trước cửa một hiệu thuốc, hỏi tôi có muốn mua thuốc chống độ cao không. Ở khúc cua bắt đầu lên cao nguyên có một loạt cửa hàng thuốc và bình oxy. Bắt đầu từ cung đường này, người ta sẽ phải đối mặt với hội chứng AMS – hội chứng sốc độ cao. Nếu không chuẩn bị tinh thần trước, nhiều người có thể gục.

Đi từ đường cao tốc, có thể thấy “thiên lộ” song song. Đó là một từ riêng, dành chỉ đường sắt Thanh Hải – Tây Tạng, dài 1.956 km từ thủ phủ Tây Ninh (tỉnh Thanh Hải) tới Lhasa, nghe đâu tiêu tốn tới 50 tỷ USD. Không nghi ngờ gì cả, đó là tuyến đường sắt cao nhất thế giới. Bởi thế nó có tên là “thiên lộ” – đường lên trời. Nơi cao nhất, nghe đâu hơn 5.000 m so mực nước biển, và có gần 1.000 km được xây ở độ cao hơn 4.000 m liên tục.

Từ thủ đô Bắc Kinh, bây giờ có thể mua một vé đi thẳng Tây Tạng, kéo dài gần hai ngày (hơn 39 tiếng). Tuyến đường sắt từ lâu đã được các trang web du lịch đánh giá là một trong những tuyến đường đẹp nhất thế giới, từ một nơi hiện đại bậc nhất, xuyên qua dãy Côn Lôn, có thể ngắm nhìn cả vùng Khả Khả Tây Lý bí hiểm, để đến với vùng đất bí ẩn ngàn năm Tây Tạng.

Mà như một bài hát của ca sĩ người Tây Tạng Hàn Hồng: “Đó là một thiên lộ thần kỳ. Để từ đó, núi không còn cao, đường không còn xa ngái”. Bỏ qua những khúc mắc lịch sử, thiên lộ thật sự là một kỳ tích chinh phục thiên nhiên khắc nghiệt.
Năm 1956, đường bay Bắc Kinh tới Lhasa chính thức được khai thông. Năm 2021, Trung Quốc hoàn thành nhà ga số 3, nhà ga sân bay lớn nhất Tây Tạng. Đó là sân bay duy nhất ở Tây Tạng có chuyến bay quốc tế.

Nhiều người vẫn cho rằng, bay đến Tây Tạng là việc dành cho người ưa mạo hiểm. Có nhiều cảnh báo về những chuyến bay không dám bay qua vùng đất lạnh giá này vì những rủi ro về thời tiết, địa hình. Cho tới thời điểm hiện tại, chỉ máy bay thân rộng mới được hạ cánh ở Tây Tạng. Một phần nữa, khi đi máy bay, đa số hành khách sẽ chưa kịp thích ứng với độ cao ở vùng cao nguyên này, việc mà đi ô-tô hay tàu hỏa sẽ dễ dàng hơn nhiều.

Một vài lần đến những vùng người Tạng, và trung tâm Tây Tạng, cũng đã trải qua đủ các cung bậc để Nhập Tạng, tôi vẫn nghĩ, với cách nào, Nhập Tạng cũng có những cảm giác riêng. Hoặc là cảm giác xốn xang khi đứng ở cửa ngõ Tùng Phan, để nghĩ về nàng Văn Thành hơn 1.000 năm trước. Hoặc qua cửa kính xe nhìn những khúc cua dựng đứng của đường cao tốc. Hay nhìn cao nguyên hùng vĩ lướt qua mặt mình trên chuyến thiên lộ. Dù sao thì, mọi ngả đường đều dẫn tới thành Rome, còn ở đây, đã có nhiều ngả đường để Nhập Tạng.

Để vào được Tây Tạng, chúng tôi phải đăng ký với một công ty du lịch để làm giấy thông hành, mặc dù đã có visa Trung Quốc. Tiếp theo, chúng tôi sẽ tới Thành Đô, lấy giấy thông hành và bay tới Lhasa. Hành trình đơn giản hơn Văn Thành công chúa hơn 1.000 năm trước nhiều.

Không khó để nhận thấy, nếu như Thanh Hải là nơi dễ đến Tạng bằng đường bộ nhất thì Thành Đô gần như một điểm trung chuyển lý tưởng cho những người muốn vào Tạng một cách suôn sẻ bằng đường hàng không hoặc đường sắt. Có những khách sạn dường như chuyên để dành cho những vị khách ngủ nằm chờ giấy thông hành. Khách sạn chúng tôi ở nằm tại trung tâm Thành Đô, vừa nghe tên, ông chủ công ty du lịch đã gật đầu: “Tôi biết rồi”. Giấy thông hành được gửi tới ngay trong ngày.

(Còn nữa)

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/nhap-tang-ky-1.html