Nhật Bản cần 2 năm để phục hồi kinh tế sau đại dịch
Khảo sát của Nikkei cho biết các doanh nghiệp chuyển sang cắt giảm không gian văn phòng khi làm việc từ xa bắt đầu trở nên phổ biến.
Theo đó, đại đa số tổng giám đốc điều hành các công ty Nhật Bản nghĩ rằng nền kinh tế sẽ mất ít nhất 2 năm để phục hồi do hậu quả do COVID-19 gây ra. Đây là một dự báo ảm đạm khi đại dịch toàn cầu không có dấu hiệu giảm bớt.
Trong số gần 145 công ty đã chuyển sang phương thức làm việc từ xa tham gia khảo sát, có 40% đang xem xét thu hẹp không gian văn phòng hoặc khai thác các dịch vụ văn phòng chia sẻ. Điều này chứng tỏ rằng họ đang chuẩn bị cho một cuộc chiến kéo dài với virus. 38% cho biết sẽ mất hai năm các thị trường của họ mới trở lại mức trước đại dịch. Tỷ lệ này tăng lên 55,8% khi tính cả những công ty dự đoán khủng hoảng kinh tế kéo dài hơn hoặc kinh tế hoàn toàn không phục hồi.
Tỷ lệ những người dự đoán thời gian suy giảm kinh tế kéo dài ít nhất hai năm đã tăng 12,4 điểm so với cuộc thăm dò mới nhất được thực hiện vào cuối tháng Năm. Tâm lý bi quan này càng nặng nề hơn khi tình trạng lây nhiễm tiếp tục gia tăng trên toàn thế giới.
“Làn sóng dịch thứ hai chắc chắn sẽ tác động tới các nước phương Tây. Đang có những mối lo về sự đổ vỡ trong hệ thống chăm sóc y tế và cung ứng vật tư”, đại diện một công ty thực phẩm cho biết.
“Sẽ mất hai tới ba năm để đại dịch này kết thúc. Nhật Bản sẽ cần cân nhắc phát hành trái phiếu chính phủ siêu dài hạn với kỳ hạn trên 50 năm”, Chủ tịch công ty Toshiba, ông Nobuaki Kurumatani cho hay.
Còn Chủ tịch công ty Marubeni, ông Masumi Kakinoki, cho rằng thế giới cần hợp tác trở lại để chống dịch bệnh.
“Để nền kinh tế có thể phục hồi hoàn toàn, điều quan trọng là dịch bệnh phải được kiềm tỏa trên toàn thế giới”, ông Masumi nhấn mạnh.
Cuộc khảo sát này được thực hiện từ ngày 30/6 đến ngày 15/7, với những người tham gia khảo sát gồm các chủ tịch và CEO của các công ty.
Nếu một làn sóng dịch bệnh thứ hai xảy ra ở Nhật Bản, 61,4% các CEO cho biết tuyên bố tình trạng khẩn cấp khi đó sẽ cần phải nghiêm ngặt như lệnh trước đó. Con số này vượt xa so với tỷ lệ 28,9% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thích các biện pháp hạn chế lỏng lẻo hơn và 5,3% không muốn có thêm tình trạng khẩn cấp lần nữa.
Mặc dù biện pháp hạn chế các hoạt động sẽ ảnh hưởng đến kinh doanh nhưng 83,4% số người được hỏi cho rằng sức khỏe nhân viên là mối quan tâm cấp bách nhất. Họ khẳng định rằng việc kìm hãm dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu của các công ty.
Khi được hỏi họ đang làm gì để chuẩn bị cho làn sóng dịch bệnh thứ hai, 87,6% người đứng đầu công ty cho biết họ đang tạo điều kiện tốt nhất cho nhân viên làm việc từ xa, 42,1% đang cải tổ chuỗi cung ứng và 33,1% đang bổ sung dự trữ tiền mặt.
Về các chính sách mà chính phủ cần tập trung, 71% số người được hỏi cho rằng nên tăng cường hỗ trợ các nhà cung cấp dịch vụ y tế. 65,5% số người được hỏi cho rằng cần hỗ trợ điều trị và phát triển vắc-xin ngừa COVID-19 .
Chính phủ cần cân bằng giữa việc ngăn chặn dịch bùng phát và khôi phục nền kinh tế để người dân yên tâm", CEO của tập đoàn Suntory Takeshi Niinami cho biết.
Làm việc từ xa đã trở nên phổ biến trong cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản, với 95,2% giám đốc công ty nói rằng họ đã áp dụng hình thức làm việc này. Ngoài ra, 37,9% số người được hỏi cho biết họ đang xem xét thu hẹp không gian văn phòng. 34,5% người được hỏi muốn tính tới việc sử dụng các không gian văn phòng chung
Có tới 75,2% người được hỏi cho biết vấn đề lớn nhất liên quan đến làm việc từ xa là thiếu cuộc họp trực tiếp. 70,3% băn khoăn về vấn đề tương tác giữa các nhân viên và 58,6% lo ngại vấn đề đánh giá kết quả công việc.
Theo truyền thống, các doanh nghiệp Nhật Bản đã tránh tuyển nhân viên cho các công việc cụ thể, thay vào đó chọn cách tuyển dụng linh hoạt để dễ dàng điều chuyển nhân viên cho các vị trí khác nhau. Trong khảo sát này , 40,7% số người được hỏi cho biết họ đã có một hệ thống như vậy hoặc đang xem xét triển khai.