Nhật Bản cảnh báo hành động trước biến động mạnh mẽ của tiền tệ
Hôm thứ Ba (7/5), quan chức Nhật Bản cho biết rằng, nước này có thể phải hành động chống lại bất kỳ động thái vô trật tự và mang tính đầu cơ nào của thị trường ngoại hối, nhằm củng cố sự sẵn sàng can thiệp của chính phủ một lần nữa để hỗ trợ đồng yên đang suy yếu.
Trong một dấu hiệu cảnh báo của chính quyền về sự sụt giảm đồng yên gần đây, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Kazuo Ueda cho biết, các động thái tiền tệ nằm trong số các chủ đề mà ông đã thảo luận trong cuộc gặp với Thủ tướng Fumio Kishida hôm thứ Ba (7/5).
Masato Kanda, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết chính phủ sẽ không cần can thiệp nếu tỷ giá hối đoái biến động đều đặn phản ánh các nguyên tắc cơ bản.
“Tuy nhiên, khi có những biến động quá mức hoặc diễn biến mất trật tự do đầu cơ, thị trường sẽ không hoạt động và chính phủ có thể phải có hành động thích hợp. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện cách tiếp cận kiên quyết như trước đây”, ông cho biết.
Thống đốc Ueda cũng cho biết, ngân hàng trung ương sẽ điều hành chính sách tiền tệ với sự theo dõi chặt chẽ về việc đồng yên suy yếu có thể ảnh hưởng đến lạm phát như thế nào, điều này cho thấy những biến động của đồng yên có thể ảnh hưởng đến tốc độ và thời điểm tăng lãi suất trong tương lai.
“Tôi đã đề cập rằng nhìn chung, các động thái tiền tệ có thể có tác động lớn đến nền kinh tế và giá cả, và do đó BOJ sẽ xem xét kỹ lưỡng sự sụt giảm gần đây của đồng yên trong chính sách hướng dẫn”, ông cho biết.
Trong khi đồng yên suy yếu mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu Nhật Bản, nhưng nó lại trở thành nguyên nhân khiến các nhà hoạch định chính sách đau đầu vì đồng yên suy yếu sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu và gây thêm áp lực lạm phát.
Nhật Bản được cho là đã can thiệp ít nhất hai ngày riêng biệt vào tuần trước để hỗ trợ đồng yên sau khi đồng tiền này giảm xuống mức thấp nhất cách đây hơn ba thập kỷ.
Dữ liệu của BOJ cho thấy các cơ quan chức năng đã chi hơn 9.000 tỷ yên (58,4 tỷ USD) để bảo vệ đồng tiền, giúp nâng đồng yên từ mức thấp nhất trong 34 năm là 160,245 mỗi đô la lên mức cao nhất gần một tháng là 151,86 trong khoảng thời gian một tuần.
Nhật Bản ước tính đã chi khoảng 60 tỷ USD trong lần can thiệp thị trường gần nhất được xác nhận để hỗ trợ đồng yên vào tháng 9 và tháng 10/2022.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Nhật Bản có truyền thống ưa chuộng đồng yên suy yếu do nước này phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Nhưng giờ đây họ đang đặt câu hỏi liệu đồng yên yếu có thực sự là tốt hay không.
Chủ tịch Liên đoàn Kinh doanh Nhật Bản (Keidanren), Masakazu Tokura cho biết: “Dù thế nào đi nữa, đồng yên yếu hơn mức 150 so với đồng đô la Mỹ là quá nhiều…nếu chính quyền tiến hành can thiệp thì thời điểm đó là rất tốt”.
Sự sụt giảm không ngừng của đồng yên đang đẩy BOJ vào tình thế khó khăn. Đồng tiền này đã chịu áp lực bất chấp quyết định mang tính bước ngoặt của BOJ trong việc loại bỏ lãi suất âm vào tháng 3, trong bối cảnh lãi suất của Mỹ duy trì ở mức cao và Nhật Bản vẫn ở mức gần bằng 0.
Động lực đó đã đẩy tiền mặt từ đồng yên sang các tài sản có lợi suất cao hơn, với áp lực ngày càng gia tăng trong những tháng gần đây khi kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm đi.
Tháng trước, Thống đốc Ueda đã đưa ra gợi ý rằng BOJ có thể tăng lãi suất theo nhiều giai đoạn trong những năm tới, với khả năng tăng vào mùa thu năm nay. Nhưng các tín hiệu diều hâu đã bị xem nhẹ bởi các thị trường tập trung vào tín hiệu bán đồng yên.
Việc tăng lãi suất quá vội vàng cũng có thể gây tổn hại cho sự phục hồi kinh tế mong manh của Nhật Bản, một rủi ro mà thống đốc Ueda đã nhấn mạnh ngay cả khi BOJ ngừng các gói kích thích tiền tệ khổng lồ.
Nhiều nhà phân tích kỳ vọng BOJ sẽ tăng lãi suất từ mức hiện tại lên khoảng 0 vào thời điểm nào đó trong năm nay, mặc dù họ có ý kiến khác nhau về việc lãi suất có thể tăng nhanh như thế nào sau đó.