Nhật Bản chạy đua với thời gian trước nguy cơ siêu động đất cướp đi 300.000 sinh mạng

Trước nguy cơ xảy ra một trận siêu động đất tại rãnh Nankai với khả năng cướp đi sinh mạng của gần 300.000 người, Nhật Bản đang ráo riết chuẩn bị các phương án ứng phó ở cấp độ cao nhất. Các chuyên gia cảnh báo, trận địa chấn này có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trong 30 năm tới, kéo theo sóng thần khổng lồ và hậu quả thảm khốc chưa từng có.

Nhật Bản đang chuẩn bị cho trận siêu động đất tiếp theo. Một hội đồng chính phủ cảnh báo, gần 300.000 người có thể thiệt mạng nếu trận động đất lớn xảy ra ở rãnh Nankai.

Rãnh Nankai chạy dọc theo bờ biển Thái Bình Dương của Nhật Bản, từ đảo Kyushu đến tỉnh Shizuoka. Nếu xảy ra, nó sẽ làm rung chuyển các thành phố lớn như Osaka. Các chuyên gia ước tính có 80% khả năng trận động đất này sẽ xảy ra trong 30 năm tới.

Báo cáo cho biết, rung chấn sẽ vượt mức cao nhất trong thang đo địa chấn của Nhật tại 10 tỉnh thành.Đồng thời, nó cũng sẽ gây ra sóng thần trên diện rộng, với nhiều khu vực có thể ghi nhận sóng cao trên 30m.

Hội đồng cho biết đa số nạn nhân thiệt mạng sẽ do sóng thần, nhưng khoảng 52.000 người khác có thể tử vong vì các nguyên nhân gián tiếp như thiếu điều trị y tế hoặc gặp các vấn đề về tâm lý.

Ông Shimakawa Eisuke, Chuyên gia về Động đất, Đài NHK, Nhật Bản cho biết, theo hồ sơ lịch sử, khu vực này hứng chịu siêu động đất khoảng 150 năm một lần, và hiện nay, chúng ta đã đến kỳ hạn.

“Ngoài ra, còn một lý do khác: Trận động đất lớn miền Đông Nhật Bản năm 2011 có quy mô vượt xa mọi dự đoán, khiến chính phủ lo ngại rằng chúng ta đang đánh giá thấp nguy cơ từ rãnh Nankai. Vì vậy, hiện nay chính phủ đang lên kế hoạch dựa trên kịch bản xấu nhất có thể xảy ra - một trận động đất có cường độ lớn nhất trong khả năng có thể dự đoán.

Vậy Nhật Bản đã thực sự sẵn sàng cho siêu động đất này chưa? Câu trả lời là có và không. Hơn 10 năm trước, chính phủ đã đề ra kế hoạch giảm 80% thiệt hại trong vòng 10 năm. Ví dụ, Nhật Bản đã bắt đầu xây dựng các tòa nhà tránh trú sóng thần, nhằm hỗ trợ người dân ở nơi không có địa hình cao để di tản. Chính quyền địa phương cũng tổ chức nhiều buổi diễn tập hơn.”, ông Shimakawa Eisuke nói.

Một phần nguyên nhân là do báo cáo chưa xét đến yếu tố hành vi con người, ví dụ như việc người dân không lập tức sơ tán sau trận động đất. Nhưng thực tế hiện nay, người dân sống ven biển có vẻ đã ý thức hơn nhiều so với 10 năm trước.

Ngoài ra, phạm vi được xem là vùng ảnh hưởng bởi sóng thần đã được mở rộng thêm khoảng 30%, khiến cho bức tranh hiện tại có vẻ như đang chậm tiến triển.

Người nước ngoài và khách du lịch là nhóm thiệt thòi nhất. Báo cáo chỉ ra rằng họ ít có thông tin, khó tiếp cận cứu trợ nhân đạo và dễ bị mắc kẹt do phương tiện giao thông bị tê liệt.

Vì nguyên nhân tử vong lớn nhất vẫn là sóng thần, điều cốt yếu là đảm bảo ai cũng biết đường di tản lên cao, bao gồm cả người không nói được tiếng Nhật. Nếu tất cả mọi người di tản ngay lập tức sau trận động đất, theo dữ liệu số người chết vì sóng thần có thể giảm tới 70%.

"Nhưng đó không phải là điều duy nhất Nhật Bản có thể làm, mỗi người dân cũng cần tự mình gia cố nhà cửa, cố định đồ đạc nặng, vì không chỉ các hành động lớn mới cứu được mạng sống.

Chỉ khi cả cộng đồng cùng hành động, Nhật Bản mới có thể trở lên thực sự vững vàng trước thảm họa siêu động đất”, chuyên gia Shimakawa Eisuke khẳng định.

Việt Vũ (tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nhat-ban-chay-dua-voi-thoi-gian-truoc-nguy-co-sieu-dong-dat-cuop-di-300000-sinh-mang-post547299.html