Nhật Bản chi 3,2 tỷ USD triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore
Theo Tạp chí quân sự Jane's Defence Weekly, Nhật Bản sẽ chi ra ít nhất 3,21 tỷ USD để triển khai 2 hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore.
Thông tin này được công bố sau khi đại diện Bộ Quốc phòng Nhật Bản và công ty Mỹ Lockheed Martin Rotary and Mission Systems ký một hợp đồng phụ trị giá hơn 25 triệu USD liên quan tới việc triển khai các hệ thống Aegis Ashore ở Đảo quốc mặt trời mọc.
Liên quan tới việc triển khai Aegis Ashore, cuối năm 2019, Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã thông qua dự thảo ngân sách quốc phòng năm 2020 ước khoảng 5.310 tỷ Yên, tương đương 48,6 tỷ USD. Trong năm tài khóa 2020, Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ chi ra khoảng 12,9 tỷ Yên cho việc triển khai các thành phần của tổ hợp Aegis Ashore. Cụ thể, 11,5 tỷ Yên sẽ được chi ra để xây dựng 6 bệ phóng thẳng đứng Mk-41 và 1,4 tỷ Yên cho các thành phần hạ tầng khác.
Dự kiến, 2 hệ thống Aegis Ashore của Nhật Bản sẽ hoàn thành vào năm 2023. Tuy nhiên, địa điểm triển khai lá chắn tên lửa này không được tiết lộ. Tới thời điểm hiện tại, hãng chế tạo Mỹ Lockheed Martin 1,38 tỷ USD cho chương trình phòng thủ đầy tham vọng này.
Tokyo mong muốn, các hệ thống Aegis Ashore sẽ giúp Nhật Bản nâng cao khả năng phòng thủ trước mối nguy cơ bị tấn công tên lửa từ Triều Tiên.
Aegis Ashore thực chất là một biến thể phòng không trên mặt đất được phát triển từ hệ thống phòng thủ tên lửa của Hải quân Mỹ trang bị trên các khu trục hạm lớp Arleigh Burke và tuần dương hạm lớp Ticonderoga. Hệ thống Aegis Ashore là sự kết hợp giữa hệ thống radar cảnh giới, dẫn bắn đa nhiệm AN/SPY-1 và 24 bệ phóng thẳng đứng đa dụng Mk-41. Theo lời giới chức quân sự Mỹ và NATO, các bệ phóng trên trang bị tên lửa đánh chặn siêu thanh SM-3 Block IB. Toàn bộ tổ hợp được tối ưu cho khả năng phòng thủ tên lửa với bản nâng cấp hệ thống chuẩn Baseline 9.C1. Aegis Ashore có nhiều nét tương đồng với hệ thống điều phối hỏa lực Aegis đang trang bị trên các chiến hạm của Hải quân Nhật Bản.
Đánh giá về động thái trên của Nhật Bản, giới chuyên gia quân sự nhận định, quyết định tăng cường lá chắn tên lửa của Tokyo có thể là con dao hai lưỡi gia tăng căng thẳng trong khu vực. Mặt khác, với năng lực phòng thủ tên lửa hiện tại, lá chắn tên lửa của Nhật Bản dù được nâng cấp cũng chỉ đảm bảo được khả năng bắn chặn các vụ phóng tên lửa đơn lẻ. Với những cuộc tập kích tên lửa trang bị đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân quy mô, hệ thống sẽ bị vô hiệu và các tổ hợp Aegis Ashore cố định cũng là “mồi ngon” cho các cuộc tập kích bằng tên lửa hành trình.