Nhật Bản cùng IBM phát triển máy tính lượng tử thế hệ mới
Máy tính lượng tử thế hệ mới có 10.000 qubit, có khả năng tính toán các tổ hợp bậc cao mà không gặp lỗi, đồng thời không cần siêu máy tính hỗ trợ. Dự kiến máy tính này sẽ được đưa vào sử dụng rộng rãi vào năm 2029.
Trong thông báo ngày 16/6, Viện Khoa học công nghiệp và công nghệ tiên tiến quốc gia Nhật Bản (AIST) hợp tác với tập đoàn công nghệ máy tính IBM của Mỹ để phát triển máy tính lượng tử thế hệ mới.
Theo biên bản hợp tác, hai bên sẽ phát triển chất bán dẫn và mạch tích hợp siêu dẫn cần thiết trong các máy tính lượng tử thế hệ mới. Viện AIST đặt mục tiêu phát triển máy tính lượng tử với 10.000 bit lượng tử (qubit), cao gấp 75 lần so với các máy tính lượng tử hiện nay.
Với hơn 10.000 qubit, máy tính này có thể tính toán các tổ hợp bậc cao mà không gặp lỗi đồng thời không cần sự hỗ trợ của siêu máy tính. Trong khi đó, những máy tính lượng tử tiên tiến hiện này có 133 qubit vẫn còn tồn tại nhiều lỗi, thường cần đến sự trợ giúp của các siêu máy tính khi được sử dụng trong nghiên cứu.
Dự kiến máy tính lượng tử thế hệ mới có thể đưa vào sử dụng trong năm 2029. Các nhà khoa học tại AIST cho rằng, để máy tính lượng tử có thể được sử dụng thương mại, phần cứng sẽ cần đạt mức 20.000-30.000 qubit.
Theo tờ Nikkei Asia, việc này đánh mốc lần đầu tiên IBM hợp tác với một tổ chức nghiên cứu nước ngoài về điện toán lượng tử ở quy mô lớn như vậy. IBM có kế hoạch bán máy tính lượng tử 1.000 qubit vào năm 2025.
Máy tính lượng tử được mô tả là có sức mạnh không tưởng nếu so với siêu máy tính và máy tính thông thường. Máy tính lượng tử có khả năng giải quyết các vấn đề quá phức tạp đối với máy tính thông thường. Chúng được kỳ vọng sẽ cải thiện hoạt động logistics thông qua các tuyến phân phối hiệu quả hơn cũng như một loạt ứng dụng khác.