Nhật Bản đã làm gì để kiểm soát ô nhiễm?

Tại Nhật Bản, kiểm soát ô nhiễm đã được thực hiện quyết liệt từ cuối những năm 1990 theo các chương trình khác nhau thông qua các sáng kiến của chính quyền Trung ương và địa phương. Để có được những thành tựu về hình ảnh đô thị bền vững ngày hôm nay, Nhật Bản đã phải cố gắng biết bao nỗ lực và cũng phải trả giá từ nhiều nguồn lực để ngày hôm nay các đô thị trên thế giới có được những bài học hữu ích và thiết thực.

Chính sách của Chính phủ

Vào thời kỳ đô thị hóa nhanh chóng, kèm theo tăng trưởng kinh tế mạnh từ cuối những năm 1950, mối quan tâm lớn nhất của Chính phủ là nhu cầu lớn về cơ sở hạ tầng. Các bộ, ngành của Chính phủ tập trung chủ yếu vào phát triển hạ tầng, trách nhiệm được chia theo ngành dọc trong hệ thống hành chính Trung ương. Điều này dẫn đến những trở ngại sau này trong việc xây dựng một quy hoạch đô thị toàn diện và nhất quán.

Quy hoạch đô thị lúc này không xem xét nhiều đến điều kiện của từng địa phương và ít có sự kết hợp ý kiến công chúng. Khi vấn đề đô thị và môi trường trở nên đa dạng và phức tạp hơn, quản lý đô thị lúc này lại cần thiết phải linh hoạt trong phản ứng với điều kiện của địa phương. Do đó Chính phủ đã phải ứng dụng nhiều sáng kiến phát triển đô thị và bảo vệ môi trường. Trong bối cảnh này, chính quyền Trung ương và các bộ, ngành đã tiến hành nhiều chương trình môi trường dựa trên phương pháp tiếp cận sáng tạo để thúc đẩy phát triển đô thị bền vững, bao gồm cả các chương trình sinh thái, các dự án hành động vì môi trường, kế hoạch thực hiện Nghị định thư Kyoto yêu cầu phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành.

Các sáng kiến của chính quyền địa phương

Chính quyền địa phương, đặc biệt những địa phương phải đối mặt với ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã có những biện pháp thích ứng riêng với điều kiện địa phương và kết hợp với các biện pháp của chính quyền Trung ương. Đó là những biện pháp tăng cường các quy định về kiểm soát ô nhiễm, hỗ trợ tài chính và bổ sung về các biện pháp từ khu vực tư nhân.

Chính quyền địa phương lập kế hoạch triển khai các dự án cải thiện môi trường đô thị. Điều này dẫn đến kết quả là không có một kế hoạch phát triển đô thị toàn diện quốc gia và chính quyền địa phương thiếu chủ động trong quản lý phát triển đô thị do thiếu nguồn lực. Khi các vấn đề đô thị và các vấn đề môi trường trở nên phức tạp, chính quyền địa phương bắt đầu lúng túng khi phải giải quyết vấn đề lớn trong phát triển đô thị và môi trường bền vững. Lúc này, một số TP, đặc biệt là những nơi có môi trường ô nhiễm nghiêm trọng đã đưa ra chính sách đổi mới về phát triển đô thị. Đó là các chiến lược phát triển đô thị nén của TP Toyama. Trong khi đó, chương trình G30 của TP Yokohama cũng đạt hiệu quả trong phát triển đô thị và đã đi đầu trong việc thúc đẩy các chính sách môi trường trên khắp Nhật Bản.

Sự tham gia của cộng đồng và các tổ chức xã hội dân sự

Ý thức của công chúng về bảo vệ môi trường bắt nguồn từ phong trào chống ô nhiễm trong những năm 1950, khi hàng ngàn công dân và nạn nhân ô nhiễm đã biểu tình Chính phủ và yêu cầu phải có biện pháp kiểm soát ô nhiễm. Như vậy phản đối công khai quy mô lớn chống lại các vấn đề đô thị và ô nhiễm là sức mạnh giúp thúc đẩy chính quyền địa phương và Trung ương buộc phải tìm ra giải pháp kiểm soát ô nhiễm. Phong trào chống ô nhiễm môi trường góp phần làm cho toàn dân ý thức hơn về vấn đề đô thị và tăng cường sự tham gia vào quá trình phát triển đô thị, phục hồi đô thị dựa vào cộng đồng và các hoạt động tái chế.

Hoạt động khu vực tư nhân

Trong thời kỳ đầu của tăng trưởng kinh tế tại Nhật Bản, khu vực tư nhân hầu như không tham gia vào các hoạt động chống các vấn đề quản lý ô nhiễm và phát triển đô thị. Tuy nhiên, sau một loạt các vụ việc dính líu đến pháp lý cùng với các chính sách hỗ trợ tài chính cho các giải pháp môi trường đã nhanh chóng thay đổi thái độ của DN đối với vấn đề ô nhiễm và quản lý đô thị.

Kết quả là, tổng số tiền đầu tư của khu vực tư nhân vào các cơ sở kiểm soát ô nhiễm tăng lên đáng kể. Họ cũng nhận ra rằng quản lý ô nhiễm môi trường là trách nhiệm xã hội và thực hiện có hiệu quả có thể nâng cao kinh doanh của họ. Các DN cuối cùng đã phát triển các công nghệ và bí quyết về chống ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng. Kết quả là công nghiệp Nhật Bản đã dẫn đầu những công nghệ môi trường hàng đầu thế giới.

Mô hình TP giảm thiểu phát thải CO2 của Toyama

Toyama là TP trực thuộc Trung ương nằm trên khu vực chính của bờ biển quốc gia này. Vị trí địa lý của Toyama đã góp phần vào vẻ đẹp tự nhiên hạng nhất, trải dài trên 4.000m từ đỉnh núi đến đáy biển. Khu vực núi Tateyama Range là điểm du lịch tham quan nổi tiếng. Những bức tường tuyết được hình thành sau một mùa đông dài. Các bức tường tuyết cao đến 20m, là một cảnh đẹp tuyệt vời được tạo bởi thiên nhiên. Khách du lịch từ bốn phương lần lượt ngưỡng mộ khung cảnh này.

Trước đây, Toyama cũng là một TP phụ thuộc rất nhiều vào giao thông cá nhân. Số lượng ôtô riêng của mỗi hộ gia đình là 1,75 - đó là con số cao thứ hai trong các TP của Nhật Bản (tương đương khoảng 84% người sử dụng ôtô cá nhân). Số lượng người sử dụng xe buýt và giao thông công cộng khác vô cùng ít ỏi. Người dân địa phương lúc đó ngày càng phụ thuộc vào ôtô cá nhân.

Trước tình hình trên, chính quyền đã có những cuộc nghiên cứu, phân tích về bức tranh toàn cảnh của TP bao gồm: Khối lượng phát thải CO2 chiếm số lượng lớn; ngày càng gia tăng chi phí hành chính gây ra bởi sự mở rộng của những con phố; một TP kém hấp dẫn bởi những yếu tố môi trường và sự tiện lợi cho du khách. Qua nhiều năm trăn trở, chính quyền TP đã có bước đột phá trong sáng kiến quy hoạch Toyama trở thành một TP nén. Mục đích là để tập trung các chức năng TP (ví dụ như kinh doanh, nhà ở, tiện nghi thương mại và văn hóa) ở trung tâm TP và dọc theo các tuyến đường sắt bằng cách cải thiện hệ thống giao thông công cộng.

Bước đầu tiên mà chính quyền TP thực hiện là nâng cao chất lượng của vận tải công cộng và góp phần tô điểm cho trung tâm TP là một nơi hấp dẫn hơn. Để đạt được các mục tiêu này, TP phải áp dụng chiến lược chuyển đổi dần dần cơ cấu dân số từ các vùng ngoại ô vào khu vực thuận tiện giao thông công cộng. TP triển khai theo kế hoạch dài hạn (khoảng 20 năm), nhằm tăng 14% số lượng dân cư sống dọc theo các khu vực giao thông vận tải tốt nhất (khu vực nằm trong mục tiêu của TP). Hiện tại số lượng dân cư sống tại các khu vực này là 28%, theo kế hoạch sẽ tăng lên 42%.

Giao thông công cộng ở Toyama đã từng ở rơi vào hoàn cảnh của vòng tròn luẩn quẩn: Càng ít hành khách, càng ít dịch vụ đào tạo và càng ít được nâng cao chất lượng định kỳ. Bởi vậy, khi có quyết định về một quy hoạch đầu tư vào hệ thống giao thông công cộng, chính quyền TP đã có thể phục hồi lưu lượng hành khách bằng hệ thống trung chuyển tốt và chất lượng nhằm cung cấp dịch vụ vận tải tốt

Sau khi có dịch vụ vận tải mới được triển khai, do sự tiện lợi và người dân nhận thấy ngay lợi ích từ việc sử dụng nó, số lượng hành khách đã tăng gấp đôi, từ 2.266 hành khách mỗi ngày lên đến 4.988. Khoảng 25% hành khách đã chuyển từ sử dụng xe hơi cá nhân sang dịch vụ trung chuyển xe điện, kết quả là giúp giảm bớt gánh nặng về môi trường ô nhiễm không khí đáng kể. Sự đầu tư đáng kể về hình thức và chất lượng xe điện, cư dân TP không có lý do gì lại từ chối một dịch vụ như vậy.

Bước tiếp theo là đầu tư một dự án trung chuyển hoàn chỉnh. TP áp dụng hệ thống lắp đặt đường ray và mở rộng các tuyến đường hiện có thành một hệ thống hoàn thiện để làm sống động khu vực trung tâm TP và tăng cường vận chuyển cho người dân. Hệ thống trung chuyển này là dự án đường sắt quy mô hoàn chỉnh đầu tiên ở Nhật Bản. Hệ thống này dựa trên nguyên tắc mô hình hợp tác công - tư.

Dọc theo các tuyến xe điện đường vòng là các công trình công cộng như thư viện và các công trình nhà ở làm cho việc đầu tư được tập trung và hiệu quả hơn. Hệ thống đường sắt hiện có và đường trung chuyển khép kín cũng như hệ thống xe điện và đường sắt mở rộng phía nam được quy hoạch và chuyển đổi thành một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh của TP. Bộ mặt của TP lúc này đã thay đổi với những sắc thái phong phú và hiệu quả hơn nhiều so với trước đây.

Năm 2008, Toyama là TP được chọn là một trong những sinh thái thân thiện điển hình của Nhật Bản và là TP có thành quả tốt trong nỗ lực giảm khí nhà kính. TP nhằm mục tiêu giảm 30% khí thải CO2 vào năm 2030 và 50% năm 2050. Với mục đích đạt được sự đồng ý của công dân, TP đã tổ chức hơn 200 cuộc họp trong 3 năm ở các khu vực không chỉ trung tâm mà ở hầu như tất cả các ngõ hẻm của TP để giải thích ý nghĩa và mục đích của dự án, tạo cho người dân cơ hội hiểu và tranh thủ sự ủng hộ của họ.

Trong các cuộc đàm phán, chính quyền TP đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án đầu tư cho tương lai, hướng tới một xã hội mà người dân không phải phụ thuộc vào ôtô cá nhân - nguồn gây ô nhiễm chính và làm bộ mặt đô thị xấu đi. Bên cạnh đó, nhấn mạnh về niềm tin rằng thành công của dự án là kết quả của nỗ lực của toàn công dân về giao thông công cộng của TP trong tương lai.

Như vậy, chúng ta có thể thấy bài học từ kinh nghiệm của Nhật Bản trong kiểm soát ô nhiễm và phát triển đô thị. Có những thời kỳ, họ cũng phải trả giá cho một quy hoạch không nhất quán và họ cũng phải hao tốn biết bao nguồn lực cho vấn đề kiểm soát ô nhiễm mà trong khuôn khổ bài viết không thể đề cập chi tiết. Tuy nhiên, nhìn chung ngày nay Nhật Bản đã có một mô hình phát triển đô thị khá bền vững và kiểm soát ô nhiễm toàn diện đáng để cho các đô thị Việt Nam và thế giới học tập.

Khánh Phương

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/the-gioi/nhat-ban-da-lam-gi-de-kiem-soat-o-nhiem.html