Nhật Bản đồng ý gia hạn thời gian giải ngân vốn dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành
Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản đồng ý gia hạn thời gian giải ngân khoản vay nhiều ngàn tỉ đồng cho dự án Bến Lức - Long Thành.
Bộ Tài chính vừa có văn bản đề nghị Chính phủ phê duyệt sửa đổi Công hàm trao đổi giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản ký ngày 31-3-2015 cho dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, theo hướng gia hạn thời hạn giải ngân của khoản vay đã được cam kết đến ngày 31-12-2025.
Theo Bộ Tài chính, dự án Bến Lức – Long Thành có hai khoản vay Nhật Bản, trong đó, khoản vay thứ nhất là 14.093 triệu Yên, hiện đã giải ngân hết; khoản vay thứ hai trị giá 31.328 triệu Yên được ký vào 31-3-2015, với thời hạn giải ngân đến hết ngày 17-7-2024.
Tuy nhiên, tiến độ giải ngân khoản vay thứ hai đến nay mới được gần 20.603 triệu Yên, tương đương 65,78% so với số vốn vay cam kết.
Thêm vào đó, thời gian qua, dự án Bến Lức – Long Thành triển khai chậm và Chính phủ phải điều chỉnh lùi thời gian hoàn thành đến ngày 30-9-2025. Như vậy cũng phải điều chỉnh thời gian giải ngân vốn vay của Nhật Bản.
Về phía bạn, qua các trao đổi tháng 1 và tháng 10-2023, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã đồng thuận với Bộ GTVT việc gia hạn thời gian giải ngân của khoản vay thứ hai. Tuy nhiên thủ tục pháp lý đòi hỏi phải sửa đổi công hàm trước đây.
Là cơ quan quản lý nhà nước về các khoản vay nước ngoài, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ phê duyệt sửa đổi công hàm, đồng thời yêu cầu Bộ GTVT chịu trách nhiệm hoàn thành dự án đúng với thời hạn giải ngân mới, đảm bảo tiến độ và hiệu quả tổng thể của dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành dài gần 58 km được khởi công tháng 7-2014. Công trình có điểm đầu ở nút giao cao tốc Trung Lương và Vành đai 3 TP HCM (địa phận Long An); điểm cuối giao quốc lộ 51 (Đồng Nai).
Tổng mức đầu tư dự án là 31.320 tỉ đồng, sử dụng ba nguồn vốn: vốn vay ADB (13.654,6 tỉ đồng), vốn vay JICA (11.975,7 tỉ đồng) và vốn đối ứng (5.689,7 tỉ đồng). Nguồn vốn vay ở thời điểm khác nhau nên thời điểm triển khai các đoạn của dự án khác nhau.
Tuyến đường này dự kiến hoàn thành sau 5 năm, tạo trục huyết mạch nối hai vùng Đông - Tây Nam Bộ, giảm ùn tắc cho TP HCM, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.