Nhật Bản - Hàn Quốc: Nỗ lực 'làm ấm' mối quan hệ
Thủ tướng Nhật Bản thăm Trung Đông: Củng cố lợi ích chiến lược
(HNM) - Những tín hiệu gần đây cho thấy, Nhật Bản và Hàn Quốc đang nỗ lực sưởi ấm mối quan hệ đã xấu đi trong thời gian qua. Sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước được tổ chức cách đây một tháng với nhiều kết quả khả quan, ngày 20-1, trong bài diễn văn tại Quốc hội, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tuyên bố, Hàn Quốc là nước láng giềng quan trọng nhất và hai nước chia sẻ những giá trị chiến lược. Điều này cho thấy, Tokyo đã sẵn sàng cùng Seoul gạt bỏ những bất đồng để hướng tới một giai đoạn mới trong quan hệ song phương.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang tích cực gạt bỏ bất đồng để hướng tới một giai đoạn mới trong quan hệ song phương.
Gần 2 năm qua, quan hệ giữa hai đồng minh lớn của Mỹ ở châu Á đã xuống mức thấp nhất sau khi Tòa án Tối cao Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho một số lao động nước này bị cưỡng bức trong thời chiến. Căng thẳng lên tới đỉnh điểm vào tháng 7-2019 khi Nhật Bản hạn chế xuất khẩu 3 hóa chất quan trọng trong sản xuất linh kiện bán dẫn và màn hình sang Hàn Quốc. Hai quốc gia cũng đã loại nhau khỏi danh sách ưu đãi thương mại và Seoul đe dọa hủy hiệp ước chia sẻ tình báo quân sự với Tokyo.
Do tranh cãi thương mại nên hoạt động của các nhà máy ở cả Hàn Quốc và Nhật Bản liên tục giảm trong những tháng gần đây và triển vọng của cả hai nền kinh tế không mấy sáng sủa. Tại xứ sở Mặt trời mọc, tình trạng xuất khẩu và nhu cầu tiêu thụ nội địa giảm sút. Đây là thực tế trái với mong đợi khi Chính phủ của Thủ tướng S.Abe đã công bố nhiều biện pháp kích thích tăng trưởng. Nhà kinh tế cấp cao của Viện Nghiên cứu Mizuho, Kentaro Arita nhận định, kinh tế Nhật Bản chưa đủ vững mạnh để duy trì đà phục hồi. Nền kinh tế Hàn Quốc cũng không khả dĩ hơn, chuyên gia kinh tế cao cấp châu Á, ông Goohoon Kwon cho rằng hầu hết các chỉ số ở Hàn Quốc đang chạm đáy. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc chỉ đạt mức 2% trong năm nay, thấp hơn đáng kể so với dự báo 2,6% đưa ra trước đó.
Ngoài ra, mâu thuẫn trong quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn ở châu Á sẽ tác động tiêu cực tới triển vọng tăng trưởng của khu vực và thế giới. Trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0, sản xuất linh kiện bán dẫn đang là mũi nhọn phát triển hàng đầu. Hàn Quốc và Nhật Bản là hai nhà cung cấp nguyên liệu và thành phẩm lớn cho ngành công nghiệp này. Do đó, căng thẳng giữa hai nước không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến mỗi quốc gia mà còn tác động xấu tới sự ổn định của kinh tế toàn cầu.
Trong bối cảnh như vậy, việc gia tăng các hành động trả đũa lẫn nhau chắc chắn sẽ để lại nhiều hệ lụy. Vì thế, cuộc gặp thượng đỉnh Hàn Quốc - Nhật Bản diễn ra giữa tháng 12 năm ngoái được nhìn nhận là kịp thời và cần thiết. Các quan chức hai nước đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến hệ thống kiểm soát xuất khẩu của mỗi nước, bao gồm quy định về các công nghệ nhạy cảm. Đây cũng là cơ sở quan trọng để thắt chặt và khẳng định sức mạnh của liên minh Nhật Bản - Hàn Quốc trong việc đối phó với các thách thức an ninh của khu vực, đồng thời tạo nên mối liên kết có khả năng đối trọng tại châu Á - Thái Bình Dương, khu vực năng động nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Nói một cách khác, việc Nhật Bản và Hàn Quốc nỗ lực "làm ấm" mối quan hệ trên nhiều phương diện có ý nghĩa quan trọng. Bất chấp nhiều quan điểm khác nhau về các sự kiện lịch sử, chính sách kinh tế và thương mại, nhưng trong điều kiện môi trường an ninh ngày càng xuất hiện nhiều nguy cơ ở Đông Bắc Á, sự phối hợp giữa hai nước nhằm xây dựng mối quan hệ hướng tới tương lai sẽ tạo nên nền tảng vững chắc cho sự phát triển ổn định của mỗi nước cũng như đóng góp vào hòa bình và thịnh vượng của khu vực.