Nhật Bản hỗ trợ ngư dân bị ảnh hưởng do lệnh cấm của Trung Quốc

Truyền thông Nhật Bản đưa tin Thủ tướng Fumio Kishida dự kiến sẽ công bố các biện pháp mới để hỗ trợ ngành ngư nghiệp nước này vào ngày 31/8, trong chuyến thăm chợ cá Toyosu ở Tokyo.

Cá ngừ được bày bán đấu giá trong phiên đầu năm tại chợ cá Toyosu ở Tokyo (Nhật Bản), ngày 4/1/2023. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Cá ngừ được bày bán đấu giá trong phiên đầu năm tại chợ cá Toyosu ở Tokyo (Nhật Bản), ngày 4/1/2023. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Theo hãng tin Reuters, Nhật Bản sẽ huy động ngân sách để hỗ trợ ngành ngư nghiệp trong bối cảnh Trung Quốc cấm nhập khẩu hải sản Nhật Bản để phản đối việc Tokyo xả ra biển nước thải đã qua xử lý từ nhà máy hạt nhân Fukushima.

Để hỗ trợ ngành ngư nghiệp, Tokyo đang thúc đẩy nhiều biện pháp, trong đó có việc thành lập hai quỹ trị giá 80 tỷ yên (547,9 triệu USD) để giúp phát triển các kênh bán hàng mới và đông lạnh số cá dư thừa để chờ cho đến khi có thể bán khi nhu cầu phục hồi.

Truyền thông Nhật Bản đưa tin Thủ tướng Fumio Kishida dự kiến sẽ công bố các biện pháp mới vào ngày 31/8 trong chuyến thăm chợ cá Toyosu ở Tokyo.

Nhật Bản bắt đầu xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima vào Thái Bình Dương từ tuần trước, khiến Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, áp đặt lệnh cấm toàn diện đối với các sản phẩm thủy sản của Nhật Bản.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Nhật Bản, tiếp theo là Hong Kong (Trung Quốc), nơi đã công bố lệnh cấm nhập khẩu thủy sản từ 10 khu vực của Nhật Bản. Trong năm 2022, hơn 700 công ty Nhật Bản đã xuất khẩu lượng thủy sản trị giá khoảng 600 triệu USD sang Trung Quốc.

Bộ trưởng Thủy sản Tetsuro Nomura cho biết chính phủ sẽ thực hiện các bước để đa dạng hóa nguồn tiếp nhận xuất khẩu hủy sản của Nhật Bản, đặc biệt đối với các sản phẩm phụ thuộc vào Trung Quốc như sò điệp. Trung Quốc chiếm hơn một nửa lượng sò điệp xuất khẩu của Nhật Bản vào năm 2022.

Một số quan chức Nhật Bản cũng đã ra tín hiệu về các hành động ngoại giao nhằm thúc giục Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm bao gồm cả việc nộp đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tokyo cho rằng lệnh cấm của Bắc Kinh không dựa trên bằng chứng khoa học.

Hôm 29/8, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cho biết nồng độ chất phóng xạ triti trong nước thải xả ra biển từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản dưới mức dự kiến và không gây nguy hại đối với cư dân. IAEA sẽ tiếp tục giám sát cho đến khi lượng nước thải cuối cùng từ nhà máy Fukushima xả ra biển.

Trước đó, ngày 28/8, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Nga Stepan Kalmykov cho rằng việc xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản không gây nguy hiểm cho sức khỏe của con người, tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào mức độ tin cậy của dữ liệu cung cấp và nhà khoa học này cho rằng cần có giám định chuyên môn quốc tế./.

Ngư dân đánh cá tại cảng ở Soma, tỉnh Fukushima (Nhật Bản), ngày 24/8/2023. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Ngư dân đánh cá tại cảng ở Soma, tỉnh Fukushima (Nhật Bản), ngày 24/8/2023. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nhat-ban-ho-tro-ngu-dan-bi-anh-huong-do-lenh-cam-cua-trung-quoc/891785.vnp