Nhật Bản: Hồi sinh nông nghiệp bằng đạo luật cải cách đất nông nghiệp

Tháng 4.2023, Chính phủ Nhật Bản đã nhất trí dự thảo Luật sửa đổi Các đặc khu đặc biệt cho cải cách cơ cấu; việc sửa đổi cho phép các tập đoàn sở hữu đất nông nghiệp trên toàn quốc, dựa trên yêu cầu từ các thành phố, và có thể là bước đầu tiên để tăng năng suất nông nghiệp ở đất nước mặt trời mọc.

Cho phép các tập đoàn sở hữu đất nông nghiệp

Theo EAF, trước khi sửa đổi được thực hiện, các tập đoàn chỉ có thể sở hữu đất nông nghiệp trong các Đặc khu chiến lược quốc gia do Chính phủ chỉ định. Việc sửa đổi chủ yếu nhằm mục đích mở rộng quy mô canh tác và tăng năng suất nông nghiệp ở Nhật Bản. Tổng điều tra nông nghiệp và lâm nghiệp năm 2020 cho thấy, diện tích đất nông nghiệp trung bình trên mỗi thực thể trang trại là 3,1ha, chưa bằng 1/5 quy mô trang trại điển hình ở Liên minh châu Âu (EU) và chưa đến 1/60 ở Mỹ. Chính phủ Nhật Bản cũng kỳ vọng các tập đoàn sẽ sử dụng hiệu quả các vùng đất nông nghiệp bị bỏ hoang của đất nước, hiện có tổng diện tích hơn 0,4 triệu héc ta.

Nhật Bản kỳ vọng hồi sinh nông nghiệp nhờ tăng cường cải cách. Nguồn: BBC

Nhật Bản kỳ vọng hồi sinh nông nghiệp nhờ tăng cường cải cách. Nguồn: BBC

Việc cho phép các tập đoàn sở hữu đất nông nghiệp sẽ khuyến khích người ngành ngoài tham gia vào ngành nông nghiệp; Chính phủ hy vọng thay đổi trên sẽ giúp gia tăng số lượng lao động trong lĩnh vực này, nơi phần lớn các cơ sở nông nghiệp vẫn thuộc sở hữu gia đình. Theo giới chức Nhật Bản, các tập đoàn có thể là điểm khởi đầu tốt cho những nông dân trẻ có triển vọng. Điều này đặc biệt quan trọng khi dân số làm nông nghiệp của Nhật Bản đang già và giảm đi nhanh chóng. Bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp với tư cách là một nông dân làm thuê đã trở nên phổ biến.

Tuy nhiên, sửa đổi sẽ không thúc đẩy nguồn cung lao động trong lĩnh vực nông nghiệp ngay lập tức. Việc này sẽ mất nhiều thời gian. Bất chấp sửa đổi, trước tiên mỗi đô thị phải gửi yêu cầu lên Chính phủ và có những vùng đất được phê duyệt là đặc khu trước khi các tập đoàn có thể sở hữu đất nông nghiệp trong phạm vi quyền hạn của họ. Điều này là do Luật Đất trồng trọt của Nhật Bản, văn bản pháp lý quan trọng bảo vệ các hộ sản xuất nhỏ và điều chỉnh việc sử dụng đất canh tác, vẫn còn nguyên vẹn giá trị.

Luật Đất trồng trọt dựa trên ý tưởng rằng, từng nông dân nên sở hữu đất canh tác của mình. Nó hạn chế mạnh quyền sở hữu đất nông nghiệp của những người không phải là nông dân. Nhưng nhiều người kêu gọi cập nhật luật này vì môi trường kinh tế xung quanh nông nghiệp ở Nhật Bản đã thay đổi đáng kể. Mặc dù luật được sửa đổi vào năm 2009 để cho phép các tập đoàn thuê đất nông nghiệp, nhưng nó lại không cho phép họ sở hữu đất và không khuyến khích những người mới tham gia vào ngành nông nghiệp.

Cải cách qua nhiều thời kỳ

Thực tế, Luật Đất trồng trọt gắn liền với lịch sử của hệ thống sở hữu đất đai và nông nghiệp của Nhật Bản. Chính phủ là bên sở hữu đất đai lâu dài ở xứ sở Phù Tang; chỉ từ năm 1873 - đầu thời kỳ Minh Trị - hệ thống sở hữu đất đai tư nhân mới được đưa ra cùng với việc thực hiện cải cách thuế đất gọi là chisokaisei. Cải cách áp đặt thuế nặng hơn đối với tá điền và mở rộng khoảng cách kinh tế giữa nông dân và địa chủ.

Sau Thế chiến II, Chính phủ Nhật Bản tiến hành đại tu hệ thống địa chủ để hình thành các xã hội nông thôn dân chủ thông qua việc chính thức hóa các nông dân có ruộng đất. Năm 1946, Chính phủ tiến hành cải cách ruộng đất nông nghiệp và tịch thu đất nông nghiệp của địa chủ. Đất đai được chia lại cho nông dân quy mô nhỏ với giá rất rẻ.

Năm 1952, Luật Đất trồng trọt được ban hành với mục đích “ổn định địa vị của người trồng trọt và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong nước”. Nó quy định chặt chẽ các giao dịch đất nông nghiệp để những người không làm nông nghiệp không thể sở hữu những vùng đất nông nghiệp rộng lớn. Chính phủ cũng thành lập một số tổ chức quan trọng, vốn được tiếp tục cho đến ngày nay để duy trì hệ thống này.

Các ủy ban nông nghiệp được bầu tại địa phương được thành lập ở hầu hết các đô thị. Họ cấp phép cho các giao dịch đất nông nghiệp và đưa ra ý kiến về việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang các mục đích sử dụng khác. Năm 1947, Luật Hợp tác xã nông nghiệp được ban hành và nhiều hợp tác xã nông nghiệp được thành lập để hỗ trợ sự độc lập về kinh tế cho nông dân quy mô nhỏ bằng cách cung cấp hướng dẫn canh tác và hỗ trợ tiếp thị các sản phẩm nông nghiệp.

Bất chấp sự thành công của Nhật Bản trong việc thiết lập hệ thống ruộng đất cho nông dân, những cải cách chưa thực sự mang lại phát triển bền vững cho nền nông nghiệp ở đất nước mặt trời mọc. Theo các nhà quan sát, điều này là trái với mục đích của nó, Luật Đất trồng trọt không bắt buộc nông dân phải sử dụng đất của họ làm đất canh tác. Đất canh tác trở thành tài sản riêng an toàn cho nông dân ở Nhật Bản. Nhiều người bắt đầu chọn bỏ mặc đất canh tác của mình, cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, Nhật Bản sau chiến tranh đã trải qua đợt tăng giá đất, khuyến khích chuyển đổi đất nông nghiệp. Từ năm 1969 đến năm 1974, hơn 50.000ha đất nông nghiệp đã được chuyển đổi sang mục đích phi nông nghiệp hàng năm. Giá đất cao khiến nông dân không thể mở rộng.

Đồng thời, Nhật Bản chứng kiến sự gia tăng đáng kể về số lượng nông dân có công việc phụ; họ chiếm 78% số nông dân vào năm 1965 và đạt 86% vào năm 1980. Nhiều người trong số này chỉ làm nông vào cuối tuần và không thể kiếm sống bằng chỉ mỗi nghề nông. Năm 1961, Luật Cơ bản về nông nghiệp được ban hành để cải thiện tình trạng này bằng cách mở rộng quy mô các hoạt động canh tác. Tuy nhiên, các cải cách nhằm tăng tính thanh khoản của tài sản đất nông nghiệp vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các hợp tác xã nông nghiệp và các đảng đối lập, cho rằng chúng sẽ đe dọa sinh kế của nông dân.

Tầm nhìn của Luật Đất trồng trọt, với mục đích bảo vệ từng nông dân để ổn định sản xuất lương thực trong nước, cũng chưa thực sự thành công; nhiều người cho rằng nguyên nhân là bởi luật cho phép nông dân giữ đất canh tác mà không sử dụng nó và hạn chế sự gia nhập của những người mới đến, chẳng hạn như các tập đoàn.

Theo các nhà phân tích, chỉ riêng nông nghiệp do gia đình sở hữu không thể duy trì ngành nông nghiệp đang suy giảm của Nhật Bản được nữa. Vì vậy, họ cho rằng, việc xem xét lại Luật Đất trồng trọt sẽ cải thiện khả năng tiếp cận thương mại đối với lĩnh vực này, đồng thời giúp hồi sinh nền nông nghiệp Nhật Bản.

Ngọc Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/nhat-ban-hoi-sinh-nong-nghiep-bang-dao-luat-cai-cach-dat-nong-nghiep-i335528/