Nhật Bản kiểm soát chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực bán dẫn
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản sẽ thắt chặt các điều kiện nhận trợ cấp doanh nghiệp, kiểm soát hoạt động chuyển giao trong lĩnh vực công nghệ và bán dẫn.
Theo tờ Nikkei Shimbun (Nhật Bản) ngày 30/5, để tăng cường đảm bảo an ninh kinh tế, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) dự kiến sẽ thắt chặt các điều kiện nhận trợ cấp đối với các doanh nghiệp có giải pháp ngăn chặn rò rỉ công nghệ ra nước ngoài trong 5 lĩnh vực, trong đó có chất bán dẫn và máy công cụ công nghiệp.
Các doanh nghiệp nhận trợ cấp sẽ được yêu cầu hạn chế số lượng người tham gia vào nghiên cứu, ứng dụng công nghệ quan trọng và bắt buộc phải tham vấn cơ quan quản lý trước khi đẩy mạnh sản xuất ở một quốc gia khác. Điều này cho thấy Nhật Bản đang nỗ lực duy trì năng lực cạnh tranh quốc tế trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến bằng cách yêu cầu các đối tác kinh doanh thực hiện các biện pháp chống rò rỉ công nghệ.
Trong số 12 lĩnh vực thuộc “vật tư quan trọng được chỉ định” được quy định bởi Luật thúc đẩy an ninh kinh tế ban hành năm 2022, METI sẽ áp dụng những thay đổi đối với thông báo về trợ cấp trong 5 lĩnh vực. Đó là chất bán dẫn, linh kiện điện tử tiên tiến, pin lưu trữ, máy công cụ và robot công nghiệp cũng như các bộ phận máy bay. Từ nay các công ty nhận trợ cấp sẽ được yêu cầu phải có biện pháp ngăn chặn việc rò rỉ công nghệ sang các nước khác.
Các khoản trợ cấp sẽ đến từ nguồn kinh phí được rót cho METI trong ngân sách bổ sung của tài khóa 2022, 2023 và ngân sách ban đầu của tài khóa 2024 thông qua Quỹ An ninh Kinh tế. Các công ty nhận được trợ cấp trước tiên sẽ nộp đơn lên METI về những “công nghệ cốt lõi” cần được ngăn chặn rò rỉ ra nước ngoài. Dự kiến, các công nghệ quan trọng sẽ tập trung vào vật liệu bán dẫn, lĩnh vực mà Nhật Bản có thế mạnh, và phương pháp sản xuất sợi carbon cho máy bay.“Điều khoản hành lang” nhằm hạn chế rò rỉ công nghệ là yêu cầu các doanh nghiệp giảm số lượng nhân sự liên quan đến công nghệ quan trọng và yêu cầu họ ký cam kết không mang theo công nghệ khi nghỉ hưu. Khi các công ty chia sẻ công nghệ với các đối tác kinh doanh, họ buộc phải ký các thỏa thuận không tiết lộ thông tin, đồng thời siết chặt quản lý nguồn nhân lực nội bộ bằng cách hạn chế số người tham gia vào công nghệ quan trọng.Theo đánh giá của Bộ An ninh kinh tế Nhật Bản, hiện có nhiều công ty chưa thực hiện đầy đủ quy trình này, ngay cả khi họ đang xử lý các công việc liên quan đến công nghệ quan trọng. Các tài liệu đặc biệt quan trọng bao gồm tài liệu liên quan đến các công nghệ mà các nước khác dễ dàng nhắm đến. Bằng cách này, METI sẽ không chỉ nâng cao nhận thức của các công ty về quản lý bằng cách nêu rõ điều này trong các điều kiện trợ cấp mà còn tăng cường giám sát để ngăn chặn rò rỉ công nghệ.Các công ty cũng sẽ được yêu cầu tham khảo ý kiến của METI trước khi bắt đầu sản xuất các công nghệ quan trọng hoặc tăng cường sản xuất ở một quốc gia khác. Ngoài việc ngăn chặn việc chuyển giao công nghệ, điều sẽ giúp Nhật Bản không bị phụ thuộc vào nhập khẩu do sản xuất ở các nước khác tăng lên.
Ví dụ, về nguyên tắc, trong chất bán dẫn, cần phải có sự tham vấn của METI trước khi tăng sản lượng ở một quốc gia khác lên hơn 5% đối với các sản phẩm tiên tiến có chiều rộng đường mạch dưới 30 nanomet (nm) và hơn 10% đối với chất bán dẫn truyền thống. Nếu vi phạm "các quy định hành lang" này, khoản trợ cấp có thể được yêu cầu hoàn lại.
Nhà nghiên cứu Yoshiaki Takayama tại Viện Quan hệ Quốc tế Nhật Bản và là chuyên gia về kiểm soát xuất khẩu, chỉ rõ: “Ngăn chặn rò rỉ công nghệ trong các vật liệu được sản xuất bằng nguồn vốn quốc gia là xu hướng tất yếu nhìn từ góc độ an ninh toàn cầu”.Giải pháp này vốn đang được các doanh nghiệp công nghệ lớn của Mỹ triển khai từ lâu. Dựa trên Đạo luật CHIPS và Khoa học, Mỹ đã trợ cấp cho việc xây dựng nhà máy của Công ty Sản xuất Chất bán dẫn TSMC của Đài Loan (Trung Quốc), một doanh nghiệp sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới. Các công ty nhận trợ cấp sẽ bị cấm mở rộng năng lực sản xuất ở các quốc gia có quan hệ căng thẳng với Mỹ như Trung Quốc và Nga, trong vòng 10 năm. Nếu vi phạm, chính phủ sẽ yêu cầu họ hoàn lại khoản trợ cấp này.
METI dự kiến sẽ tăng cường các biện pháp chống chuyển giao công nghệ không chỉ thông qua trợ cấp mà còn thông qua kiểm soát xuất khẩu. Nhật Bản đã đưa ra danh sách hạn chế xuất khẩu đối với những vật liệu, công nghệ có nguy cơ cao sử dụng cho mục đích quân sự và kiểm soát chặt chẽ việc sự dụng chúng.
Chính phủ có kế hoạch sửa đổi Pháp lệnh cấp Bộ theo Đạo luật Ngoại hối vào mùa Thu này để kiểm soát một số công nghệ tiên tiến mà Nhật Bản đang chiếm thị phần lớn. Theo đó, những công nghệ này ngay cả khi không có trong danh sách “vật tư quan trọng được chỉ định” cũng phải báo cáo trước khi chuyển ra nước ngoài.Ngày càng có nhiều quốc gia trên khắp thế giới thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ công nghệ trong nước và thậm chí ở nước ngoài còn có những quy định chặt chẽ hơn. Tại Hàn Quốc, các công ty được phép áp dụng các biện pháp hạn chế khả năng những người sở hữu công nghệ quan trọng như chất bán dẫn chuyển giao cho các công ty khác theo quyết định của chính phủ.