Nhật Bản: Lãnh đạo đảng đối lập kêu gọi miễn thuế tiêu dùng đối với thực phẩm
Chủ tịch đảng CDPJ cho biết sẽ theo đuổi phương án giảm thuế tiêu dùng với mặt hàng thực phẩm xuống mức 0% trong 1 năm tới và giải pháp này sẽ được đưa vào cương lĩnh tranh cử bầu Thượng viện.

Người dân mua thực phẩm tại siêu thị ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Ngày 25/4, Chủ tịch đảng Dân chủ Lập hiến (CDPJ - đảng đối lập lớn nhất tại Nhật Bản) Yoshihiko Noda đã đưa ra đề xuất miễn thuế tiêu dùng đối với thực phẩm, coi đây là một trong những cam kết mạnh mẽ nhằm thu hút sự ủng hộ của cử tri trước thềm bầu cử Thượng viện vào mùa Hè này.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ông Yoshihiko Noda cho biết ý định sẽ theo đuổi phương án giảm thuế tiêu dùng đối với mặt hàng thực phẩm xuống mức 0% trong vòng 1 năm tới và giải pháp này sẽ được đưa vào cương lĩnh tranh cử của CDPJ trong cuộc bầu cử Thượng viện vào mùa Hè tới.
Đây được xem là biện pháp tạm thời trước khi áp dụng hệ thống “khấu trừ thuế kèm trợ cấp” nhằm giảm gánh nặng thuế tiêu dùng cho người có thu nhập thấp và trung bình.
Cũng theo ông Noda, ông đã chỉ thị cho Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu chính sách của CDPJ, ông Kazuhiko Shigetoku nghiên cứu phương án đảm bảo nguồn tài chính liên quan.

Chủ tịch đảng Dân chủ Lập hiến (CDPJ) tại Nhật Bản Yoshihiko Noda phát biểu tại thủ đô Tokyo. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Quyết định này được đưa ra tại cuộc họp Ban điều hành CDPJ bên lề Phiên họp Quốc hội thường kỳ ngày 25/4. Theo đó, các phương án được cân nhắc gồm giảm thuế tiêu dùng xuống mức 5% áp dụng cho tất cả các mặt hàng; tạm thời giảm thuế tiêu dùng đối với thực phẩm xuống 0% và sau đó chuyển sang hệ thống “khấu trừ thuế kèm trợ cấp;” áp dụng ngay hệ thống “khấu trừ thuế kèm trợ cấp” từ đầu. Trong số đó, phương án thứ hai nhận được sự thống nhất cao trong nội bộ CDPJ.
Hệ thống “khấu trừ thuế kèm trợ cấp” là một cơ chế thuế nhằm giảm gánh nặng tiêu dùng cho người có thu nhập thấp và trung bình, bằng cách khấu trừ một phần thuế tiêu dùng và phần không thể khấu trừ sẽ được chi trả dưới hình thức trợ cấp.
Đây là cách mà một số quốc gia như Canada từng áp dụng.
Việc cắt giảm thuế tiêu dùng nói chung có thể kích thích tiêu dùng và tạo đà cho tăng trưởng kinh tế nhưng lại đi kèm nguy cơ làm giảm quỹ an sinh xã hội.
Theo ông Takahide Kiuchi thuộc Viện Nghiên cứu tổng hợp Nomura, nếu giảm 2% thuế tiêu dùng sẽ thúc đẩy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Nhật Bản tăng 0,4%, còn nếu giảm xuống đến mức 0% sẽ giúp GDP tăng tới 2%.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính Nhật Bản ước tính nếu thuế tiêu dùng được giảm xuống mức 5% thì quỹ an sinh xã hội sẽ thiếu hụt khoảng 15.000 tỷ yen (khoảng 105 tỷ USD), trong khi tác động tích cực đến các hành vi chi tiêu của hộ gia đình là chưa rõ ràng.
Đây là một động thái đáng chú ý của ông Noda, người luôn thận trọng với việc giảm thuế tiêu dùng. Thời điểm còn giữ chức Thủ tướng Nhật Bản khi đảng của ông chiếm đa số tại Hạ viện vào năm 2012, ông Noda đã đạt được thỏa thuận với đảng Dân chủ Tự do và đảng Công minh về việc tăng thuế tiêu dùng lên 10% trong khuôn khổ cải cách toàn diện thuế và an sinh xã hội.
Chính sách này đã dẫn đến việc một nhóm nghị sỹ của đảng này quyết định rời khỏi đảng để phản đối kế hoạch tăng thuế.
Hiện nay, các đảng đối lập khác như đảng Duy Tân Nhật Bản (Nippon Ishin no Kai) và đảng Dân chủ vì nhân dân cũng đang kêu gọi giảm thuế tiêu dùng trước thềm bầu cử Thượng viện sắp tới./.