Nhật Bản lo lắng làn sóng xã hội đen mới
Trong khi băng nhóm Yakuza ở Nhật Bản chưa được triệt xóa, các 'tokuryu' - những người trẻ am hiểu công nghệ được thuê cho những công việc cụ thể - đang trở thành làn sóng xã hội đen mới.
Vào tháng Tư, một thành viên cấp cao của băng đảng Yakuza khét tiếng Nhật Bản đã bị bắt vì ăn trộm thẻ bài Pokemon gần Tokyo. Vụ việc được coi là dấu hiệu các nhóm tội phạm Nhật Bản đang vật lộn với tình trạng số lượng thành viên ngày càng giảm và bắt đầu chuyển sang trộm vặt.
Các cảnh sát từng phải xử lý hàng nghìn thành viên Yakuza cách đây vài năm đã có một phát hiện mới: họ tin rằng các nhóm không có tổ chức và có mối liên kết lỏng lẻo giờ đứng đằng sau hàng loạt tội ác từng thuộc về Yakuza.
Cảnh sát gọi họ là “tokuryu”, những tên xã hội đen vô danh và những người trẻ am hiểu công nghệ được thuê cho những công việc cụ thể. Theo các chuyên gia và chính quyền, họ thường hợp tác với Yakuza, làm mờ ranh giới giữa họ và khiến công việc điều tra trở nên khó khăn hơn.
Cảnh sát Tokyo hiện đang điều tra sáu nghi phạm ở độ tuổi 20 và 30, hầu hết đều không có liên quan với nhau. Họ được cho là đã được thuê trên mạng xã hội để giết, vận chuyển và đốt thi thể của một cặp vợ chồng lớn tuổi ở bờ sông Nasu, cách Tokyo 200 km về phía đông bắc.
“Tội ác được thực hiện giống như một công việc bán thời gian. Các nhiệm vụ được phân chia, khiến cảnh sát khó tìm ra đầu nguồn”, ông Taihei Ogawa, cựu điều tra viên và nhà phân tích tội phạm, cho biết trên một chương trình trò chuyện.
Theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia, số thành viên Yakuza đã giảm xuống còn 20.400 vào năm ngoái, bằng một phần ba so với hai thập kỷ trước. Họ cho rằng sự suy giảm phần lớn là do luật chống tội phạm có tổ chức được thông qua, bao gồm các biện pháp như cấm thành viên của một số nhóm mở tài khoản ngân hàng, thuê căn hộ, mua điện thoại di động hoặc bảo hiểm.
Yakuza từng hoạt động trong những văn phòng được đánh dấu rõ ràng, thường có biển hiệu phía trước và các biểu tượng đặc trưng như đèn lồng và kiếm samurai hiện rõ qua cửa sổ.
Họ thường được miêu tả trong các bộ phim như những kẻ sống ngoài vòng pháp luật với quy tắc danh dự cao quý. Những hoạt động điển hình của họ là tống tiền, cờ bạc, mại dâm, đấu súng và buôn bán ma túy.
Tuy nhiên, bạo lực băng đảng ở một số khu vực, trong đó có vụ ám sát Thị trưởng thành phố Nagasaki Iccho Ito năm 2007, đã khiến chính phủ thắt chặt kiểm soát súng, luật gian lận và các biện pháp chống băng đảng khác.
Người dân và doanh nghiệp địa phương cũng đã đệ trình hàng chục vụ kiện chống lại các nhóm Yakuza để cấm họ tham gia cộng đồng. Vào tháng 12/2022, thành phố Fukuoka đã đệ đơn lên tòa án yêu cầu đóng cửa một văn phòng gần các trường học do nhánh Yakuza Kobe Yamaguchi-gumi đứng đầu và xóa sổ nó khỏi đường phố sáu tháng sau đó.
Các chuyên gia cho biết các thành viên Yakuza đang già đi, và những khó khăn về tài chính cũng khiến tổ chức này gặp khó khăn. Theo cảnh sát, số thành viên Yakuza bị bắt vào năm 2023 giảm xuống còn 9.610, so với 22.495 vào năm 2014. Các cuộc đàn áp Yakuza đã khiến nhiều thành viên phải bỏ cuộc và buộc những người khác chuyển sang hoạt động ngầm.
Tuy nhiên, ông Noboru Suetomi, một nhà tội phạm học và chuyên gia về Yakuza, cho rằng chúng đồng thời cũng thúc đẩy thế hệ trẻ tham gia các nhóm “tokuryu” thay vì các tổ chức tội phạm truyền thống.
Cơ quan Cảnh sát Quốc gia mô tả “tokuryu” là các nhóm “ẩn danh và linh hoạt”, liên tục thành lập và giải tán thông qua mạng xã hội để thực hiện các hoạt động lừa đảo, cá cược bất hợp pháp, mại dâm và các tội khác, thường là từ xa, kể cả từ nước ngoài. Họ tuyển dụng một số người tham gia không có mối liên hệ với nhau, và giao cho họ những vai trò cụ thể.
Mặc dù thường hợp tác với Yakuza, họ lại đầu tư số tiền kiếm được vào các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp. “Họ đã trở thành mối đe dọa đối với an toàn công cộng”, cơ quan cho biết.
Mặc dù khó theo dõi các con số, nhưng các hồ sơ cho thấy hơn 10.000 người đã bị bắt từ năm 2021 đến năm 2023 vì cáo buộc lừa đảo, buôn bán ma túy bất hợp pháp và các tội phạm khác bao gồm giả mạo thẻ căn cước, hành vi thường liên quan đến “tokuryu”.
Vào tháng 4/2022, cảnh sát đã triệt phá một đường dây gồm 19 người được tuyển dụng ẩn danh để điều hành một công ty viễn thông giả ở Campuchia và lừa đảo một người Nhật lớn tuổi.
Vào năm 2023, cảnh sát Tokyo đã bắt giữ sáu người thực hiện một vụ cướp đồng hồ và trang sức trị giá 300 triệu yên (48,7 tỷ VND) tại một cửa hàng ở quận Ginza sang trọng của Tokyo, sau khi quen biết nhau qua mạng xã hội.
Giám đốc Cảnh sát Quốc gia Yasuhiro Tsuyuki, tại cuộc họp hôm thứ Hai (20/5) với các nhà điều tra tội phạm hàng đầu, cho biết “tokuryu” đứng đằng sau ngày càng nhiều các vụ lừa đảo qua mạng xã hội và đã trở thành một “mối lo ngại nghiêm trọng”. Ông kêu gọi cảnh sát trên toàn quốc nỗ lực thống nhất để giải quyết vấn đề và hợp tác với chính quyền nước ngoài.
Ông Tsuyuki cho biết, cảnh sát phải thay đổi các biện pháp chống tội phạm có tổ chức để theo kịp mối đe dọa mới, đồng thời kêu gọi tăng cường tổ chức và hợp tác giữa các cơ quan điều tra, từ trên mạng đến trộm cướp và lừa đảo.
Vào tháng Tư, cảnh sát đã thành lập một đơn vị điều tra chung chuyên về lừa đảo trên mạng xã hội và điện thoại. Cơ quan cũng tăng cường kiểm soát tại các khu vực giải trí cũng như các biện pháp chống lại tội phạm vị thành niên và các băng nhóm mô tô.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhat-ban-lo-lang-lan-song-xa-hoi-den-moi-post1640473.tpo