Nhật Bản lo ngại sự hồi sinh của giáo phái tử thần Aum Shinrikyo

Sau nhiều năm im ắng, các nhóm hậu thân của giáo phái Aum Shinrikyo bắt đầu hoạt động trở lại, khiến giới chức Nhật Bản thắt chặt giám sát an ninh tôn giáo.

 Những người theo giáo phái Aum Shinrikyo hô vang khẩu hiệu ngày tận thế trước bức chân dung của thủ lĩnh giáo phái Shoko Asahara tại Tokyo, (Nhật Bản) năm 1999. Ảnh: Reuters.

Những người theo giáo phái Aum Shinrikyo hô vang khẩu hiệu ngày tận thế trước bức chân dung của thủ lĩnh giáo phái Shoko Asahara tại Tokyo, (Nhật Bản) năm 1999. Ảnh: Reuters.

Kể từ sau vụ khủng bố bằng khí độc sarin năm 1995 tại hệ thống tàu điện ngầm Tokyo khiến 14 người thiệt mạng và hơn 6.000 người bị thương, cái tên Aum Shinrikyo đã trở thành biểu tượng của tà giáo cực đoan và nỗi ám ảnh an ninh quốc gia Nhật Bản.

Dù giáo chủ Shoko Asahara cùng nhiều thành viên chủ chốt đã bị xử tử vào năm 2018, các mối liên hệ rời rạc của tổ chức này vẫn âm thầm tồn tại dưới nhiều hình thức mới.

SCMP dẫn nguồn Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản (NPA) cho biết, trong báo cáo công bố đầu tháng 7, hai nhóm được cho là hậu thân của Aum - Aleph và Hikari no Wa (Vòng sáng) - vẫn duy trì hoạt động và tiếp tục thu hút tín đồ.

Dù các tổ chức này tuyên bố đã đoạn tuyệt với tư tưởng cực đoan trước đây, nhà chức trách vẫn đặc biệt quan ngại về tính chất bí mật, nguồn tài chính không minh bạch và khả năng truyền bá tư tưởng cực đoan thông qua mạng xã hội.

Một trong những dấu hiệu khiến giới chức báo động là việc Aleph đang gia tăng số lượng tín đồ trẻ tuổi, nhiều người trong số đó sinh ra sau thảm kịch năm 1995 và không ý thức đầy đủ về mức độ tàn bạo của tổ chức tiền thân.

Lực lượng chức năng cho rằng Aleph vẫn duy trì lòng tôn sùng với Asahara - giáo chủ đã gieo rắc nỗi kinh hoàng bằng tuyên ngôn tận thế và bạo lực.

Từ năm 2000, chính phủ Nhật Bản đã đặt Aleph và các tổ chức liên quan trong diện giám sát đặc biệt theo Luật Kiểm soát Tổ chức bạo lực. Tuy nhiên, do không đủ căn cứ pháp lý để buộc tội khủng bố hiện tại, những nhóm này vẫn được phép tồn tại hợp pháp nếu không trực tiếp vi phạm luật.

Năm 2023, Aleph bị phạt hơn 100 triệu yen vì che giấu địa điểm hoạt động và số lượng thành viên. Tuy nhiên, hình phạt này vẫn chưa đủ sức răn đe để triệt tiêu hoàn toàn hoạt động của nhóm.

Theo các chuyên gia về an ninh và tôn giáo tại Nhật Bản, chính quyền đang phải đối mặt với bài toán nan giải giữa quyền tự do tôn giáo và nghĩa vụ bảo vệ an toàn công cộng.

"Không thể bắt người ta vì niềm tin của họ nếu họ không phạm pháp, nhưng nếu để các nhóm cực đoan âm thầm phát triển, cái giá phải trả có thể rất lớn", một chuyên gia nhận định.

Dư luận Nhật Bản vẫn chưa quên ký ức đau thương của vụ khủng bố năm 1995 - vụ tấn công hóa học nghiêm trọng nhất từng xảy ra tại đất nước vốn nổi tiếng an toàn.

Nỗi sợ hãi Aum Shinrikyo không chỉ đến từ tội ác mà còn từ cách tổ chức này lợi dụng tinh thần khủng hoảng, sự cô lập và nhu cầu tâm linh của giới trẻ để gieo rắc mê tín, cực đoan.

Các nhà xã hội học cảnh báo rằng trong bối cảnh hiện đại, với áp lực tinh thần ngày càng lớn và sự lan truyền thông tin trên nền tảng số, những giáo phái cực đoan có thể tìm được “đất sống” mới dưới lớp vỏ hào nhoáng hoặc học thuyết “tự chữa lành”.

Chính phủ Nhật Bản vì thế đang tăng cường hợp tác giữa cảnh sát, cơ quan tình báo và các tổ chức dân sự để phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường trong cộng đồng, đặc biệt tại các trung tâm đào tạo, nơi nhóm tín đồ Aleph thường xuyên lui tới.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhat-ban-lo-ngai-su-hoi-sinh-cua-giao-phai-tu-than-aum-shinrikyo-post1571548.html