Nhật Bản loay hoay với bài toán hệ thống tên lửa đánh chặn

Các tính toán và giải pháp về hệ thống tên lửa đánh chặn của Nhật Bản rất khó đoán định, đang bị chi phối bởi nhiều yếu tố, bao gồm chủ trương, nhân sự, kinh phí…

Vỡ kế hoạch Aegis Ashore

Nhằm bổ sung khả năng tự vệ trước nguy cơ tên lửa và vũ khí hạt nhân từ Triều Tiên sau khi đã có các tên lửa Aegis bố trí trên tàu và Patriot bố trí trên đất liền, năm 2017, chính phủ Nhật Bản thông qua kế hoạch triển khai 2 hệ thống phòng thủ tên lửa trên mặt đất Aegis Ashore thay vì Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) do giá rẻ hơn và linh hoạt hơn, và dự định bố trí tại căn cứ Yamaguchi (miền Nam) và Akita (miền Bắc).

Nhật Bản đang cân nhắc giải pháp thay thế 2 hệ thống Aegis Ashore. Nguồn: Thedrive.com.

Nhật Bản đang cân nhắc giải pháp thay thế 2 hệ thống Aegis Ashore. Nguồn: Thedrive.com.

Tuy nhiên, kế hoạch này vấp phải hàng loạt trở ngại, trong đó có sự phản đối từ người dân địa phương, chi phí ước tính tăng liên tục và lên tới 450 tỷ yen (4,1 tỷ USD) cho 30 năm hoạt động và bảo dưỡng, với khoảng 1,86 tỉ USD để xử lý các trục trặc kỹ thuật liên quan đến hệ thống của Mỹ. Phe chỉ trích cũng cho rằng, Aegis được thiết kế để đánh chặn các tên lửa tầm xa của Triều Tiên tấn công đảo Guam và Hawaii chứ không phục vụ mục đích phòng vệ Nhật Bản - việc có thể vi phạm điều khoản cấm tham gia chiến tranh trong Hiến pháp của nước này.

Phương án thay thế

Ngày 24/9, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã đề xuất 3 phương án triển khai hệ thống radar và bệ phóng tên lửa trên biển để thay thế cho hệ thống đánh chặn nói trên, gồm dùng tàu chuyên dụng đánh chặn tên lửa đạn đạo; trang bị tàu theo kiểu dân dụng, hoặc xây dựng giàn phóng tương tự giàn khoan dầu trên biển, vốn được đánh giá là rẻ hơn so với việc mua sắm nhiều “siêu khu trục hạm”. 3 phương án này đều thể hiện tính cơ động và sẽ được trang bị bệ phóng tên lửa, hệ thống radar Aegis mặt đất "SPY-7".

Ngoài phương án phòng thủ tập trung trên biển, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đề cập giải pháp tách hệ thống tên lửa bố trí trên biển, trong khi hệ thống radar được bố trí tên mặt đất. Tuy nhiên, bộ này cho biết sẽ không lựa chọn phương án này do vấn đề an ninh thông tin và chi phí. Trong thời gian tới, các phương án do Bộ Quốc phòng Nhật Bản đề xuất sẽ tiếp tục được thảo luận và quyết định cuối cùng có thể được đưa ra vào cuối năm nay.

“Siêu khu trục hạm” tích hợp Aegis…

Mới đây, theo trang The Drive dẫn tin truyền thông Nhật Bản, Tokyo hiện đang xem xét tính khả thi của việc mua sắm hai “siêu khu trục hạm” (“super-destroyers”) - những chiếc tàu sân bay đã được sửa đổi - dường như trái với Hiến pháp năm 1947 của nước này, vốn từ bỏ chiến tranh, nhưng cũng được coi là với mục đích tự vệ - thay thế cho hai hệ thống Aegis Ashore trên đất liền.

Các siêu khu trục hạm sẽ tập trung vào việc phòng thủ tên lửa - chủ yếu từ Triều Tiên - và sẽ được tích hợp phiên bản hệ thống Aegis được trang bị Radar phân biệt tầm xa (Long Range Discrimination Radar - LRDR) AN/SPY-7 của Lockheed Martin. Yếu tố cân nhắc khác là trong khi tên lửa của Triều Tiên được coi là mối đe dọa chính, Nhật Bản vẫn có những ưu tiên khác bao gồm tuần tra Biển Hoa Đông do sự gia tăng gây hấn của Trung Quốc, và các tàu khu trục trang bị Aegis mới có thể là sự bổ sung thiết thực cho hạm đội do khả năng cơ động và khả năng phòng thủ của chúng.

Mặc dù phương án tàu khu trục có chi phí thấp hơn nhưng nó có thể dễ bị tấn công hơn rất nhiều bởi tàu ngầm và đường không. Ngoài các câu hỏi về thiết kế và vũ khí của con tàu, phương án này đặt ra các câu hỏi khác, đặc biệt là xung quanh vấn đề nhân sự. Tokyo đã lựa chọn hệ thống Aegis Ashore để giải quyết tình trạng thiếu nhân sự, nhưng giờ đây, JMSDF có thể cần được mở rộng hơn nữa với việc bổ sung các tàu chiến như vậy.

Trong một cuộc trình diễn mang tính bước ngoặt, Lockheed Martin đã kết nối các thành phần chính của công nghệ radar trên bờ và radar LRDR của Aegis, xác nhận khả năng tăng đáng kể hoạt động, hiệu quả và độ tin cậy của Aegis Ashore. Việc kết nối hai hệ thống hoàn chỉnh đã 'làm mới công nghệ' của ăng-ten SPY-1 cũ có rủi ro thấp, giúp phát hiện mục tiêu ở khoảng cách xa hơn; chống lại đồng thời số lượng mục tiêu lớn hơn; cơ hội tấn công mục tiêu bổ sung; hiệu suất cao hơn trong môi trường đất liền phức tạp; giảm thiểu nhiễu đối với thiết bị phát và thu vô tuyến điện dân dụng hoặc quân sự; tăng cường sử dụng tính năng của tên lửa SM-3 Block IIA mới.

Các hệ thống đánh chặn tên lửa trên biển của Nhật Bản sẽ sử dụng tên lửa SM-3 MkIIA. Nguồn: thedrive.com

Các hệ thống đánh chặn tên lửa trên biển của Nhật Bản sẽ sử dụng tên lửa SM-3 MkIIA. Nguồn: thedrive.com

Nikkei Asia đưa tin, kinh phí cho các sửa đổi hệ thống của AN/SPY-7 để hoạt động trên tàu sẽ được phân bổ trong ngân sách tài khóa 2021. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là Tokyo sẽ chọn đóng một tàu chiến mới hay dùng một phiên bản biến tấu của các tàu hiện có trong hạm đội. The Drive trích dẫn một báo cáo từ hãng Kyodo News của Tokyo cho biết Hải quân Nhật đang xem xét một tàu có lượng choán nước tiêu chuẩn khoảng 9.000 tấn, lớn hơn lượng choán nước của lớp Maya hiện tại là 8.200 tấn.

Lớp Maya là phiên bản sửa đổi của lớp Atago, được phát triển từ lớp Kongō - một phiên bản biến tấu của Nhật Bản từ tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ. Tàu Maya đầu tiên được đưa vào hoạt động ngày 19/3/2020, và tàu thứ hai, Haguro, sẽ đi vào hoạt động vào tháng 3/2021. Các tàu này cũng được thiết kế để tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo của Nhật Bản, nhưng giờ đây dường như Tokyo đang tính lớn hơn và xa hơn.

… hay tàu khu trục cỡ nhỏ?

Không giống như hai phương án tàu chuyên dụng hoặc dàn khoan ngoài khơi chuyên dùng để đánh chặn tên lửa, và phương án Aegis Ashore trên mặt đất, một lớp tàu khu trục cỡ nhỏ mới cũng mang lại mức độ linh hoạt cao hơn, có thể đảm trách một loạt nhiệm vụ ngoài phòng thủ tên lửa. Các tàu này cũng sẽ là một nút quan trọng trong lá chắn phòng thủ tên lửa của Mỹ, khiến việc mua sắm chúng trở thành ưu tiên đối với Mỹ cũng như Nhật Bản. Dù sử dụng tàu nào thì cuối cùng nó cũng sẽ sử dụng tên lửa đánh chặn SM-3 MkIIA. Tên lửa này sẽ có khả năng tác chiến mở rộng chống lại nhiều loại tên lửa hơn so với các biến thể SM-3 hiện đang sử dụng.

Aegis sử dụng SM-3 MkIIA đánh chặn tên lửa đối phương ở giai đoạn tăng tốc, lấy độ cao; Nguồn: dmitryshulgin.com

Aegis sử dụng SM-3 MkIIA đánh chặn tên lửa đối phương ở giai đoạn tăng tốc, lấy độ cao; Nguồn: dmitryshulgin.com

Áp lực sẵn có đối với vấn đề nhân sự đã dẫn đến kế hoạch giới thiệu một lớp tàu khu trục đa nhiệm mới, nhỏ hơn, được gọi là 30DX, hoặc FFM, một kiểu phân loại cho đây thực sự là một tàu chiến kiểu khinh hạm. Với lượng choán nước 3.900 tấn, những con tàu này đã được thiết kế đặc biệt để đối phó với tình trạng thiếu hụt nhân lực của JMSDF và chiếc đầu tiên dự kiến sẽ được hạ thủy sớm. Mặc dù rẻ hơn tàu chiến trang bị Aegis và với thủy thủ đoàn khoảng 1/3 nhưng thiết kế đa nhiệm không thể thực hiện vai trò chống tên lửa đạn đạo.

Giải sử các tàu khu trục trang bị Aegis mới được phê duyệt, chúng có thể cung cấp một phương tiện phòng thủ có giá trị trước các mối đe dọa đến từ Triều Tiên, cũng như thể hiện sức mạnh ở Biển Hoa Đông và các nơi khác. Yêu cầu ngân sách quốc phòng của Nhật Bản cho năm tài chính 2021 là mức lớn nhất được ghi nhận, vào khoảng 55 tỷ USD và phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng được giao cho quân đội nước này, nhằm đối phó với các mối đe dọa từ cả Triều Tiên và Trung Quốc.

Dù hình dạng và kích thước mà các tàu chiến mới được đề xuất có như thế nào, rõ ràng hạm đội tàu khu trục JMSDF đang trong giai đoạn phát triển vượt bậc. Với việc tăng ngân sách, Bộ Quốc phòng có kế hoạch tăng số lượng tàu khu trục tổng thể lên 54 chiếc, so với chỉ dưới 50 chiếc như hiện nay. Tuy nhiên, chi phí vẫn sẽ là một yếu tố chi phối, được thể hiện bởi thực tế là cuối cùng 22 tàu khu trục được Nhật Bản lên kế hoạch trở thành các tàu chiến 30DX/FFM rẻ hơn, thay vì các tàu khu trục quy mô lớn như lớp Maya./.

CTV Lê Ngọc/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/nhat-ban-loay-hoay-voi-bai-toan-he-thong-ten-lua-danh-chan-817041.vov