Nhật Bản muốn mượn gấu trúc để hâm nóng quan hệ với Trung Quốc

Trong bối cảnh khu vực chịu nhiều ảnh hưởng từ chính sách thuế quan mới của Mỹ, Nhật Bản được cho là đang cân nhắc sử dụng gấu trúc, biểu tượng ngoại giao mềm, như một cách để tạo nhịp cầu nối lại quan hệ với Trung Quốc.

 Gấu trúc Shin Shin tại Sở thú Ueno ở Tokyo (Nhật Bản) trước khi được trả về Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Gấu trúc Shin Shin tại Sở thú Ueno ở Tokyo (Nhật Bản) trước khi được trả về Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Theo South China Morning Post, khi Phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong chuẩn bị thăm Nhật Bản, Tokyo đang tích cực thúc đẩy đề xuất mượn một hoặc hai con gấu trúc từ Bắc Kinh như một cử chỉ thiện chí, đồng thời gửi đi tín hiệu tích cực trong quan hệ song phương.

Quân bài gấu trúc và kỳ vọng hàn gắn

Dự kiến ông Hạ tham dự Triển lãm Thế giới tại Osaka vào ngày 11/7. Nhật báo Yomiuri cho biết ông Hiroshi Moriyama, Tổng Thư ký Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền và Chủ tịch Liên minh Nghị viện Hữu nghị Nhật - Trung, sẽ có cuộc gặp với Phó thủ tướng và nêu đề xuất mượn gấu trúc cho một sở thú tại Nhật.

“Ngoại giao gấu trúc” là hình thức Trung Quốc cho các nước mượn gấu trúc như biểu tượng cho sự hữu hảo trong quan hệ quốc tế. Chủ tịch Tập Cận Bình từng gọi những con gấu trúc này là “sứ giả của tình bạn”.

Trước năm 1985, Trung Quốc từng tặng gấu trúc như món quà ngoại giao. Sau đó, do lo ngại về bảo tồn, các hoạt động này chuyển sang hình thức cho mượn có thời hạn. Theo quy định, gấu trúc và cả những cá thể sinh ra ở nước ngoài cũng sẽ được đưa trở lại Trung Quốc khi đến độ tuổi nhất định.

Tháng 6 vừa qua, 4 cá thể gấu trúc từ công viên động vật hoang dã ở tỉnh Wakayama đã được đưa về Trung Quốc, khiến không ít người dân Nhật Bản tiếc nuối. Hiện tại, chỉ còn hai con gấu tại Sở thú Ueno (Tokyo), dự kiến cũng về nước vào tháng 2/2026.

“Gấu trúc không chỉ được yêu mến mà còn mang tính biểu tượng sâu sắc tại Nhật Bản. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, ý nghĩa của chúng còn vượt xa giá trị cảm xúc”, giáo sư Hiromi Murakami, Đại học Temple, Tokyo, chia sẻ.

 Khách tham quan ôm gấu bông hình gấu trúc ở Sở thú Ueno. Ảnh: Reuters

Khách tham quan ôm gấu bông hình gấu trúc ở Sở thú Ueno. Ảnh: Reuters

Thông điệp của hợp tác và hữu nghị

Trả lời SCMP, giáo sư Murakami nhận định rằng chính sách thuế quan nghiêm ngặt từ Washington, áp dụng cho cả Trung Quốc và Nhật Bản, đang thúc đẩy hai nền kinh tế lớn ở châu Á tìm cách tăng cường hợp tác trong khu vực.

“Trong hoàn cảnh này, việc cho mượn gấu trúc có thể là cách mềm mại để làm sâu sắc thêm quan hệ hai nước. Với Trung Quốc, đây cũng là dịp thể hiện thiện chí hợp tác và vai trò tích cực trong các kết nối khu vực”, bà nói.

Về phía Nhật Bản, đây có thể là cơ hội để thúc đẩy quan hệ với Bắc Kinh, giữa lúc căng thẳng thương mại với Mỹ gia tăng. Tổng thống Donald Trump gần đây tuyên bố sẽ áp thuế 25% lên hàng hóa Nhật và Hàn Quốc từ ngày 1/8.

“Không chỉ để phản ứng với chính sách hiện tại của Mỹ, Nhật Bản cũng cần đa dạng hóa đối tác kinh tế và xây dựng chuỗi cung ứng có sức đề kháng cao hơn trong tương lai”, bà Murakami nhấn mạnh.

Ông Jeff Kingston, Giám đốc Nghiên cứu Châu Á tại Đại học Temple, cho rằng đàm phán về gấu trúc là một biểu hiện khác của chính sách ngoại giao mềm mà Bắc Kinh đang triển khai.

Theo ông, Tokyo và Bắc Kinh đều đang có những bước đi nhằm tìm kiếm điểm chung. Trung Quốc gần đây đã nới lỏng quy định nhập khẩu thủy sản Nhật Bản, trong khi Bộ Giáo dục Nhật cũng công bố hỗ trợ giảm chi phí sinh hoạt cho sinh viên quốc tế.

“Sinh viên Trung Quốc hiện chiếm hơn một phần ba tổng số du học sinh tại Nhật. Việc hỗ trợ nhóm này không chỉ mang ý nghĩa thực tiễn mà còn tạo dựng hình ảnh tích cực trong hợp tác song phương”, ông Kingston nhận định.

Phương Đình

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhat-ban-muon-muon-gau-truc-de-ham-nong-quan-he-voi-trung-quoc-post1567082.html