Cần cơ chế rõ ràng về nhà ở, biên chế, thu nhập cho nhân lực chất lượng cao
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cho rằng, trước hết cần làm rõ khái niệm và phạm vi của 'nguồn nhân lực chất lượng cao' thì mới đi vào được những vấn đề trọng yếu khác và có giải pháp đúng đắn.
Ngày 10-7, trong khuôn khổ phiên họp thứ 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” giai đoạn 2021-2024.
Cho ý kiến về dự thảo báo cáo giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận, việc đoàn giám sát cử các tổ công tác đi nghiên cứu thực tiễn là điều cần phát huy. Dự thảo báo cáo giám sát chuyên đề được chuẩn bị khá công phu, đầy đủ, chi tiết, rõ ràng, khảo sát thực tế 10 địa phương.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VIẾT CHUNG
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị bổ sung, làm rõ hơn kết quả thể chế hóa các chủ trương của Đảng từ năm 2021 và trước đó. Băn khoăn về thông tin 95% cán bộ, công chức, viên chức đạt trình độ đại học, Phó Chủ tịch Quốc hội nói rõ: “Đúng là qua thống kê như thế, nhưng lâu nay ta vẫn nói với nhau rằng trình độ này không phản ánh đúng thực chất trình độ của đội ngũ cán bộ Việt Nam”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VIẾT CHUNG
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, cần bổ sung thêm đánh giá hiệu quả của quỹ khuyến học, khuyến tài ở Trung ương và địa phương. “Phong trào khuyến học, khuyến tài ở địa phương, nông thôn, gia đình làm rất tốt, phải đánh giá được yếu tố này. Cùng với đó chỉ rõ tại sao khối tư nhân, tổ chức, cá nhân có thể làm tốt mà quỹ nhà nước làm chưa tốt”, Phó Chủ tịch Trần Quang Phương nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi phát biểu. Ảnh: VIẾT CHUNG
Quan tâm đến việc phát huy kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi nhìn nhận, đây là cơ sở quan trọng đóng góp vào việc ban hành nghị quyết về giáo dục của Trung ương sắp tới và nghị quyết Đại hội XIV của Đảng.
Người đứng đầu Ủy ban Kinh tế và Tài chính phát biểu: “Chiến lược nguồn nhân lực phải đi theo phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Nền kinh tế này đòi hỏi cái gì chúng ta đào tạo cái đó. Từ báo cáo giám sát này, quá trình xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia phải sát với yêu cầu đổi mới giáo dục, phát triển giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực”.
Về tự chủ và xã hội hóa giáo dục, ông Phan Văn Mãi cho rằng, “không có nghĩa là để các cơ sở giáo dục tự thu, tự xoay sở. Thậm chí quá trình tự chủ, xã hội hóa thì ngân sách phải đầu tư nhiều hơn nữa với quan niệm đầu tư cho giáo dục, y tế, xã hội. Tự chủ đây là tự quyết chứ không phải tự chủ về ngân sách, tài chính. Xã hội hóa không phải thương mại hóa giáo dục đào tạo mà Nhà nước vẫn phải có đầu tư, thậm chí đầu tư nhiều hơn, năm sau nhiều năm trước, nhưng tỷ lệ, tỷ trọng có thể thấp đi”.
Tham gia phát biểu, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng bày tỏ cơ bản nhất trí với kết quả của đoàn giám sát và ý kiến trong báo cáo. Tuy nhiên, quan trọng nhất là làm thế nào để sau đợt giám sát này có được cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ mục tiêu trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng cho rằng, trước hết cần làm rõ khái niệm và phạm vi của “nguồn nhân lực chất lượng cao” thì mới đi vào được những vấn đề trọng yếu khác và có giải pháp đúng đắn.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc bày tỏ cơ bản nhất trí với kết quả giám sát
Về hình thức và nguồn lực, Nhà nước không thể đảm nhiệm hết mà phải huy động nguồn lực của xã hội. Các nước khác huy động doanh nghiệp, nhà tài trợ học bổng cho con em ưu tú đi học ở nước ngoài, sau đó quay trở về phục vụ đất nước.
“Nên chăng chúng ta phải có một quỹ về đào tạo và thu hút nhân tài. Những việc này Chính phủ nghiên cứu trình, nhưng cần có sự đồng thuận của Quốc hội”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Bên cạnh đó, muốn thu hút, sử dụng được thì phải có cơ chế chính sách cho nhân lực chất lượng cao, như nhà ở, biên chế, thu nhập, sử dụng và đề bạt thế nào. Ví dụ thu hút vào cơ quan Nhà nước thì họ được vào biên chế ngay không hay phải hợp đồng…
Theo ông Hồ Đức Phớc, trước mắt đối với cán bộ công nghệ thông tin ở cấp xã, tỉnh, thậm chí cả cấp bộ, trong cơ quan Nhà nước, cần có cơ chế đặc thù, ít nhất như Nghị định 140 về thu hút nhân tài thì mới giữ chân được. Kết luận giám sát có thể giao Chính phủ xây dựng đề án về thu hút và sử dụng nhân tài, kể cả trong và ngoài lĩnh vực công. Sau đó Chính phủ sẽ trình Quốc hội để có cơ chế chính sách.