Nhật Bản: Nhu cầu chocolate dự kiến tăng bất chấp lạm phát
Tại Nhật Bản, giá cả các mặt hàng đang gia tăng có thể làm giảm nhu cầu tiêu dùng trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng tiền lương trì trệ.Tuy nhiên, chocolate có thể là một ngoại lệ khi ngày Lễ tình nhân (Valentine) đang đến gần.
Giống như nhiều mặt hàng thực phẩm khác, giá chocolate năm nay cao hơn, với các nguyên liệu sản xuất chocolate như ca cao và đường đắt hơn do xu hướng lạm phát toàn cầu.
Theo kết quả khảo sát, một thanh chocolate có giá cao hơn khoảng 7% so với một năm trước đó. Đối với những người ưa chuộng chocolate của các thương hiệu lớn ở nước ngoài, đồng yen Nhật yếu hơn đang khiến các sản phẩm nhập khẩu này trở nên đắt đỏ hơn.
Nhu cầu chocolate thường tăng vào tháng Hai ở Nhật Bản, khi nhiều phụ nữ mua chocolate để làm quà tặng cho người họ yêu hoặc bạn bè trong ngày Valentine. Theo dữ liệu của chính phủ, chi tiêu trung bình của hộ gia đình cho chocolate trong tháng này thường cao hơn, đạt khoảng 1.200 yen (khoảng 9 USD) trong hai năm gần đây ngay cả trong bối cảnh đại dịch COVID-19, cao gần gấp đôi con số trong các tháng khác.
Ngày càng có nhiều công ty đang tăng giá sản phẩm để bù đắp chi phí sản xuất ngày càng tăng. Giá tiêu dùng của Nhật Bản đã tăng 4% trong tháng 12/2022, tốc độ nhanh nhất trong bốn thập kỷ, gây áp lực lên Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ).
Cho đến nay, ngân hàng trung ương dường như không vội vàng hành động, vì họ cho rằng tình trạng tăng giá gần đây chủ yếu là do giá năng lượng, nguyên liệu thô và hàng hóa nhập khẩu cao hơn, một xu hướng mà ngân hàng tin rằng sẽ không kéo dài.
Cuối năm 2022, đồng yen đã giảm mạnh so với đồng USD, đẩy giá nhập khẩu cao hơn. Theo công ty nghiên cứu Teikoku Databank, có lo ngại rằng giá cả cao hơn có thể khiến người tiêu dùng lo lắng và cản trở chi tiêu của họ, trong khi tiêu dùng vốn là động lực chính của sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện tại, mọi người dường như vẫn đang háo hức thực hiện những dự định mà họ đã bỏ lỡ trong những năm đại dịch, như đi du lịch, ra ngoài ăn tối với bạn bè và tận hưởng các dịch vụ giải trí. Do đó, xu hướng tăng chi tiêu vào những "dịp đặc biệt" như ngày Valentine cũng là điều hiển nhiên.
Một nhân viên một siêu thị cho biết, số ca mắc COVID-19 đang giảm và mọi người đang ra ngoài nhiều hơn, và “chúng tôi đang bận rộn đáp ứng với nhu cầu rất cao đối với các mặt hàng liên quan đến ngày Valentine''.
Các nhà kinh tế tại công ty chứng khoán Daiwa Securities phân tích, theo một cuộc khảo sát gần đây của chính phủ đối với những người có công việc nhạy cảm với xu hướng kinh tế hiện tại ở Nhật Bản, nhiều doanh nghiệp liên quan đến ngày Valentine có hoạt động kinh doanh gia tăng mạnh, trong khi các chỉ số kinh tế tổng thể cho thấy tình hình kinh tế đang xấu đi.
Kota Suzuki, một nhà kinh tế tại Daiwa, cho biết nhu cầu dịch vụ dự kiến sẽ kéo dài trong một thời gian và mọi người dường như sẵn sàng chi tiêu vào những "dịp đặc biệt". Tuy vậy, thu nhập thực tế không tăng lên, nghĩa là với số tiền hạn chế, người dân sẽ tiếp tục lựa chọn những mặt hàng rẻ hơn và hạn chế mua những vật dụng lâu bền.
Tuy nhiên, hiện tượng mà các nhà kinh tế học gọi là "chi tiêu dịp đặc biệt" sẽ diễn ra như thế nào vẫn là một câu hỏi mở. Truyền thống độc đáo của hầu hết phụ nữ là tặng chocolate cho nam giới cũng có thể đang thay đổi.
Trong một cuộc khảo sát gần đây, chưa đến 10% phụ nữ cho biết họ nhất định sẽ chuẩn bị chocolate cho đồng nghiệp và những người khác, trong khi khoảng 70% phụ nữ được hỏi trong độ tuổi từ 15 đến 19 dự định tặng chocolate cho bạn bè. Tỷ lệ phụ nữ dự định chi nhiều tiền hơn cho chocolate và tỷ lệ phụ nữ nói rằng họ không mua chocolate là như nhau trong cuộc khảo sát, do giá tăng.
Các nhà kinh tế đồng ý rằng tăng trưởng tiền lương mạnh mẽ hơn là điều bắt buộc đối với Nhật Bản để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng. Theo Chính phủ Nhật Bản, khoản tiết kiệm được gọi là "dư thừa" tích lũy trong thời kỳ đại dịch đã lên tới khoảng 64.000 tỷ yen, nhưng điều này chẳng giúp ích gì nhiều trong việc nâng cao chi tiêu của người tiêu dùng. Chuyên gia Suzuki lý giải, do lo lắng về tương lai, người dân có mong muốn tiết kiệm nhiều hơn.