Nhật Bản phạt Amazon vì không xử lý hàng giả

Ngày 25-4, một tòa án Nhật Bản đã phạt gã khổng lồ bán lẻ trực tuyến Amazon (Mỹ) 35 triệu yên tiền bồi thường thiệt hại vì không ngăn chặn hành vi cung cấp sản phẩm giả mạo trên nền tảng của mình.

Phán xử lần này tạo ra án lệ quan trọng để Nhật Bản xử lý các nền tảng thương mại điện tử vi phạm tương tự trong tương lai. Ảnh: Asahi.

Phán xử lần này tạo ra án lệ quan trọng để Nhật Bản xử lý các nền tảng thương mại điện tử vi phạm tương tự trong tương lai. Ảnh: Asahi.

Đây là hệ quả của việc nhà sản xuất thiết bị y tế Try and E và nhà phân phối thiết bị y tế Excel Plan (đều có trụ sở tại Kobe) đệ đơn kiện về việc máy đo oxy xung để đo nồng độ oxy trong máu của họ bị ảnh hưởng doanh số do hàng giả bán tràn lan trên Amazon.

Đơn kiện nêu rõ, Excel Plan đã niêm yết bán một máy đo oxy xung trên Amazon vào năm 2021, tuy nhiên một người bán khác liệt kê mặt hàng giả ngay trên cùng một trang, với giá chỉ bằng 10% giá của sản phẩm chính hãng.

Hai doanh nghiệp này yêu cầu khoản bồi thường lên tới 280 triệu yên.

Tiếp nhận đơn kiện, phiên tòa tại Tòa án quận Tokyo đã xác định nghĩa vụ của Amazon Japan G.K. (công ty con tại Nhật Bản của Amazon) đối với việc kiểm soát danh mục sản phẩm bán trên nền tảng của mình, cũng như mức độ nỗ lực trong xác định và loại bỏ hàng giả.

Chủ tọa phiên tòa Shintani Yuko cho biết, Amazon có nghĩa vụ triển khai các biện pháp hiệu quả chống lại hàng giả trên nền tảng của mình, tuy nhiên hãng đã không làm điều đó dù biết rằng có các sản phẩm giả mạo. Vì hệ thống Amazon ưu tiên quảng bá hàng hóa với giá thấp nhất, do đó các sản phẩm giả mạo được hiển thị nhiều hơn cả hàng chính hãng.

Trong khi đó, Excel Plan đã phản ánh tình hình và đề nghị Amazon có hành động thích hợp. Tuy nhiên, nền tảng thương mại điện tử hàng đầu thế giới đã không loại bỏ hàng giả, gây ảnh hưởng tới doanh số hàng chính hãng.

Kết quả, tòa án phán quyết Excel Plan được bồi thường 35 triệu yên – tương đương 244.000 USD.

"Phán quyết là một bước ngoặt về mặt thừa nhận nghĩa vụ xây dựng một hệ thống xác thực nguồn gốc hàng hóa, vì hiện nay các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến không có lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng các nền tảng như của Amazon", một luật sư đại diện cho các nguyên đơn cho biết.

Giới quan sát đánh giá, kết quả vụ kiện lần này sẽ là án lệ quan trọng cho những vụ kiện tương tự trong tương lai, trong bối cảnh không chỉ Amazon mà nhiều nền tảng sàn thương mại điện tử đa quốc gia khác cũng có xu hướng lỏng lẻo trong việc kiểm soát sản phẩm giả mạo.

(theo Kyodo, Asahi)

Hoàng Linh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nhat-ban-phat-amazon-vi-khong-xu-ly-hang-gia-700366.html