Nhật Bản phát triển hệ thống AI hỗ trợ chẩn đoán các bệnh khó chữa và hiếm gặp

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, nhóm nghiên cứu chung từ Đại học Kyoto, IBM Nhật Bản và một số công ty khác đã phát triển thành công một hệ thống sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để đưa ra các đề xuất về tên bệnh dựa trên các triệu chứng của bệnh nhân, đồng thời hỗ trợ bác sỹ chẩn đoán các bệnh hiếm gặp.

Hệ thống sử dụng AI để chẩn đoán các bệnh hiếm gặp dựa trên các triệu chứng của bệnh nhân. Ảnh: NHK

Hệ thống sử dụng AI để chẩn đoán các bệnh hiếm gặp dựa trên các triệu chứng của bệnh nhân. Ảnh: NHK

“Công cụ tìm bệnh hiếm gặp” (Rare Disease-Finder) sử dụng AI để học hỏi từ cơ sở dữ liệu quy mô lớn và các tài liệu y tế về các bệnh khó chữa và hiếm gặp, đồng thời dựa trên thông tin đầu vào về triệu chứng của bệnh nhân để đưa ra các gợi ý về khoảng 10.000 bệnh hiếm gặp và khó chữa.

Các bệnh khó chữa và hiếm gặp thường rất khó chẩn đoán do số ca mắc ít và có thể mất nhiều thời gian để bệnh nhân được điều trị thích hợp.

Nhóm nghiên cứu cũng cung cấp một hệ thống cho phép các chuyên gia y tế thực hiện tìm kiếm có độ chính xác cao bằng thuật ngữ y tế chuyên ngành và khuyến khích sử dụng thuật ngữ này.

Bên cạnh đó, nhóm cũng có một trang web miễn phí dành cho bệnh nhân và gia đình họ, để có thể tìm kiếm thông tin bằng cách nhập các triệu chứng bằng những thuật ngữ đơn giản, chẳng hạn như “buồn ngủ ban ngày” hoặc “khó nuốt”.

Giáo sư Fumihiko Matsuda của Trường Y khoa Đại học Kyoto cho biết: “Bằng cách hỗ trợ chẩn đoán, chúng tôi mong muốn kết nối những bệnh nhân có triệu chứng với phương pháp điều trị chuyên khoa càng sớm càng tốt”.

* Trong một ứng dụng khác của AI, các chính quyền địa phương hy vọng sẽ giúp đảo ngược xu hướng ngày càng nhiều người ở Nhật Bản kết hôn muộn hoặc không kết hôn.

Chính quyền nhiều địa phương ở Nhật Bản đang tổ chức các sự kiện mai mối truyền thống, được gọi là "konkatsu", với sự hỗ trợ của AI nhằm chọn lựa các cặp đôi tiềm năng.

Chính quyền trung ương cũng đang hỗ trợ các biện pháp như vậy, khi tình trạng giảm dân số diễn ra trên khắp đất nước. Trợ cấp cho các sự kiện mai mối sử dụng AI đã tăng lên kể từ tài khóa 2021.

Theo Cơ quan Trẻ em và Gia đình của Nhật Bản, tính đến cuối tháng 3/2023, có 31 trong số 47 tỉnh tại nước này đã cung cấp dịch vụ mai mối sử dụng AI. Chính quyền thành phố Tokyo đã tham gia vào hoạt động này vào tháng 12 năm ngoái.

Lo lắng về tỉ lệ sinh giảm và dân số già hóa, tỉnh Ehime ở miền Tây Nhật Bản đã sử dụng dữ liệu lớn để kết nối người độc thân với những bạn đời tiềm năng.

Hệ thống của tỉnh đề xuất các đối tượng "xem mắt" dựa trên thông tin cá nhân đã đăng ký với trung tâm hỗ trợ kết hôn và lịch sử duyệt web của những người đang tìm kiếm bạn đời.

Mục đích của chương trình này là mở rộng diện lựa chọn, thay vì giới hạn tiêu chí ở học vấn và tuổi tác. Mỗi năm có khoảng 90 cặp vợ chồng đã kết hôn với sự hỗ trợ của trung tâm này.

Tỉnh Tochigi ở phía Bắc Thủ đô Tokyo cũng sử dụng hệ thống trên. Ngoài ra, trong một hệ thống khác, người dùng sẽ trả lời hơn 100 câu hỏi.

Dựa vào thông tin này, AI sẽ phân tích những phẩm chất mà một người đang tìm kiếm ở một bạn đời tiềm năng và ngược lại trước khi kết nối họ.

Ở tỉnh Saitama, gần Tokyo, nơi hệ thống được giới thiệu vào năm 2018, có 139 cặp đôi đã kết hôn tính đến cuối tháng 11 năm ngoái.

Tỉnh Shiga đã ra mắt trung tâm hỗ trợ kết hôn trực tuyến vào năm 2022, sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Tính đến cuối tháng Một, có 13 các cặp đôi đã quyết định kết hôn thông qua trung tâm hỗ trợ. Trong số này, sáu cặp đôi do AI giới thiệu.

Giáo sư Takeaki Uno của Viện Tin học Quốc gia, người tham gia phát triển hệ thống AI nói trên của tỉnh Ehime, nhận định việc sử dụng AI trong dịch vụ mai mối sẽ giúp tăng phạm vi đối tượng hẹn hò tiềm năng, mang lại lợi ích cho nhiều người.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/92/313525/nhat-ban-phat-trien-he-thong-ai-ho-tro-chan-doan-cac-benh-kho-chua-va-hiem-gap.html