Nhật Bản sắp hứng 2 cơn bão nối đuôi, 1 cơn là siêu bão?

Cơ quan Khí tượng Nhật Bản ngày 10-9 dự báo tại vùng biển phía Nam Nhật Bản đã xuất hiện hai xoáy thuận nhiệt đới cùng một lúc.

Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho rằng có khả năng 2 xoáy thuận nhiệt đới sẽ phát triển thành bão và một trong hai có thể đạt đến mức siêu bão.

Xoáy thuận nhiệt đới thứ nhất đang ở gần vùng Okinawa, nằm cách TP Miyakojima khoảng 200 km về phía Bắc - Tây Bắc sau 16 giờ ngày 10-9 (giờ địa phương); dự báo sẽ phát triển thành bão trong vòng 12 giờ tới.

Các nhà khí tượng nghĩ xoáy thuận nhiệt đới này ít có khả năng trở thành bão lớn do đang ở gần khu vực đất liền, song hướng đi của nó rất khó lường, có khả năng sẽ gây ảnh hưởng lên khu vực Okinawa và những vùng lân cận, sau đó di chuyển theo hướng Tây Bắc, tiếp cận và đổ bộ vào miền Trung Trung Quốc vào khoảng ngày 11 đến ngày 12-9.

Cơ quan Khí tượng Nhật Bản dự báo từ ngày 11 trở đi, cần đề phòng gió giật, sóng dâng cao, sét đánh, lở đất, lũ lụt ở vùng trũng thấp.

Biển động ở Nhật Bản do ảnh hưởng của bão Shanshan. Ảnh: Reuters

Biển động ở Nhật Bản do ảnh hưởng của bão Shanshan. Ảnh: Reuters

Đáng lo lắng hơn là xoáy thuận nhiệt đới thứ 2 hiện diện tại quần đảo Mariana. Xoáy thuận nhiệt đới này có vị trí xuất hiện rất giống với cơn bão số 10 vừa tấn công Nhật Bản (siêu bão Shanshan).

Theo đài TBS, xoáy thuận nhiệt đới ở quần đảo Mariana hội đủ điều kiện để trở thành siêu bão, khả năng rất cao sẽ đổ bộ trực tiếp vào Nhật Bản. Nó đang di chuyển về phía Tây và dự kiến tiếp cận vùng Okinawa vào khoảng ngày 14 đến ngày 15-9.

Dự báo trong 24 giờ tới, Nhật Bản có thể công bố bão số 13, hoặc tệ hơn là cùng lúc 2 cơn bão số 13 và 14.

Ngày 29-8, siêu bão Shanshan đổ bộ lên đảo Kyushu, phía Tây Nam Nhật Bản, gây gió giật mạnh và mưa lớn trên diện rộng, khiến giao thông bị tê liệt và hàng triệu người phải sơ tán khẩn cấp.

Khi đó, nhà chức trách địa phương phát cảnh báo khẩn cấp cấp độ 5 (mức cao nhất hiếm khi được đưa ra) đối với TP Yufu trên đảo Kyushu do lũ lụt, khi nước sông Miyakawa tràn bờ trong mưa lớn.

Mùa bão vẫn tiếp diễn trong tháng 9. Vào ngày 6-9, bão số 11 hoạt động ở vùng biển phía Đông Nhật Bản. Mặc dù bão số 11 không ảnh hưởng trực tiếp đến Nhật Bản nhưng các quần đảo phía Tây Nam nước này chịu ảnh hưởng từ luồng không khí nóng và ẩm, làm cho thời tiết thay đổi thất thường.

Cơn bão số 12 (Rii-Pii) hình thành vào chiều ngày 5-9 tại vùng biển phía Đông Nhật Bản. Bão di chuyển về phía Đông Bắc, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới vào ngày 7-9.

Huệ Bình

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhat-ban-sap-hung-2-con-bao-noi-duoi-1-con-la-sieu-bao-196240910163804767.htm