Nhật Bản sẽ chi 265 tỉ USD để vực dậy nền kinh tế trước đại dịch

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tại thủ đô Tokyo. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính phủ Nhật Bản đang lên kế hoạch chi hơn 30.000 tỉ yen (khoảng 265 tỉ USD) để thực hiện hàng loạt các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tới nền kinh tế.

Gói biện pháp kích thích kinh tế này bao gồm chương trình trợ cấp trực tiếp 100.000 yen bằng tiền mặt cho tất cả các trẻ từ 18 tuổi trở xuống và tái khởi động chương trình kích cầu du lịch "Go To Travel".

Trước đó, trong chiến dịch tranh cử của cuộc bầu cử Hạ viện vào cuối tháng 10, Thủ tướng Fumio Kishida cho biết, quy mô của gói kích thích kinh tế này sẽ lên tới “vài chục ngàn tỉ yen”.

Hãng tin Kyodo dẫn các nguồn tin liên quan cho biết Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ sử dụng số tiền còn lại trong ngân sách của tài khóa 2020 và phát hành trái phiếu để tài trợ cho gói biện pháp này.

Để cụ thể hóa gói biện pháp này, Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ xây dựng dự thảo ngân sách bổ sung cho tài khóa 2021 và đệ trình lên Quốc hội để thông qua vào cuối tháng 12.

Trong một diễn biến liên quan khác, đài truyền hình NHK cho biết Chính phủ Nhật Bản đang soạn thảo đề cương các biện pháp kinh tế mới trong thời gian từ nay tới giữa tháng 11, với mục tiêu đưa nền kinh tế vào quỹ đạo tăng trưởng ổn định và tái phân phối của cải.

Đề cương này có bốn trụ cột gồm: Ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nối lại các hoạt động kinh tế - xã hội trong khi vẫn đảm bảo quản lý dịch bệnh, xây dựng chủ nghĩa tư bản mới cho xã hội tương lai, và đảm bảo an toàn và an ninh của người dân.

Để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, Chính phủ đặt mục tiêu củng cố hệ thống y tế để không bị quá tải ngay cả khi số ca lây nhiễm cao gấp đôi so với mùa hè năm nay, đồng thời triển khai tiêm mũi vắc xin COVID-19 thứ ba miễn phí cho người dân.

Đối với việc xây dựng chủ nghĩa tư bản mới, Chính phủ Nhật Bản kêu gọi áp dụng rộng rãi các loại phương tiện chạy điện mới thông qua việc đầu tư cho năng lượng sạch, đồng thời trợ cấp cho các chính quyền địa phương để hỗ trợ cho các hoạt động sử dụng công nghệ kỹ thuật số.

Các đề xuất khác bao gồm tăng cường hỗ trợ thông qua các biện pháp về thuế cho các doanh nghiệp tăng lương cho nhân viên và mở rộng sự hỗ trợ nhằm tăng lương tối thiểu.

* Về tình hình dịch COVID-19, Nhật Bản ngày 7/11 ghi nhận thêm 162 ca mắc COVID-19 mới trên toàn quốc, nhưng không có thêm bất cứ ca tử vong nào. Đây là ngày thứ 14 liên tiếp số ca mắc mới theo ngày tại Nhật Bản ở dưới ngưỡng 300 ca/ngày và là lần đầu tiên kể từ ngày 2/8/2020, nước này không có ca tử vong nào vì dịch bệnh này.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) cho biết nước này ghi nhận trường hợp đầu tiên tử vong vì dịch COVID-19 là vào tháng 2/2020. Tổng số ca tử vong vì đại dịch ở nước này đã lần đầu vượt ngưỡng 10.000 người vào tháng 4 năm nay và hiện đã tăng lên 18.321 người.

Trong giai đoạn cao điểm vào giữa tháng 5 năm nay, số người tử vong vì dịch COVID-19 ở Nhật Bản vượt ngưỡng 200 ca/ngày, trong đó ngày 14/5 ghi nhận số ca tử vong cao nhất lên tới 216 người, trong đó có 121 người ở TP Kobe (tỉnh Hyogo) đã tử vong trước đó nhưng báo cáo chậm.

Trước đó, số ca tử vong cao nhất trong một ngày là 148 ca được ghi nhận vào ngày 7/5/2021. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, số lượng người tử vong theo ngày vì dịch COVID-19 ở Nhật Bản đã giảm xuống còn một chữ số.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến số ca tử vong ở Nhật Bản giảm mạnh chủ yếu là nhờ những tiến bộ trong chương trình tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Chính phủ Nhật Bản cho biết tính tới ngày 4/11, gần 98,5 triệu người ở nước này đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin, trong đó có hơn 92,5 triệu người đã được tiêm đủ 2 mũi, chiếm gần 73,5% dân số.

Nếu không tính trẻ em là những đối tượng thuộc diện tiêm vắc xin, tỉ lệ tiêm chủng ở nước này còn cao hơn nhiều. Chính phủ Nhật Bản đang lên kế hoạch triển khai tiêm mũi tăng cường trong tháng tới.

Ngoài việc đẩy nhanh chương trình tiêm chủng, Nhật Bản cũng đưa vào sử dụng các loại thuốc điều trị COVID-19, trong đó có hỗn hợp kháng thể đơn dòng Ronapreve để chữa trị cho các bệnh nhân COVID-19 ngoại trú tại một số cơ sở y tế giới hạn. Điều này đã góp phần giảm đáng kể rủi ro nhập viện và số ca tử vong.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh có nhiều cải thiện, ngày 8/11, Nhật Bản bắt đầu cấp phép nhập cảnh cho các doanh nhân, du học sinh và thực tập sinh nước ngoài.

Tuy nhiên, điều kiện để các đối tượng trên nhập cảnh là các tổ chức tiếp nhận, trong đó có doanh nghiệp và các trường đại học, phải thực hiện các biện pháp để đảm bảo rằng những người nhập cảnh tuân thủ các quy định về phòng chống dịch COVID-19 của Nhật Bản.

Bên cạnh đó, tổ chức tiếp nhận phải nộp đủ hồ sơ xin cấp phép, trong đó có bản cam kết và kế hoạch hoạt động của người nhập cảnh, lên các bộ, ngành liên quan của Chính phủ Nhật Bản.

Riêng đối với các doanh nhân nước ngoài, Nhật Bản sẽ rút ngắn thời gian cách ly bắt buộc đối với các đối tượng này từ 10 ngày xuống còn 3 ngày với điều kiện họ đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19. Các loại vắc xin được Nhật Bản cấp phép lưu hành là vắc xin của Pfizer, Moderna và AstraZeneca.

Theo Cục Quản lý cư trú và xuất nhập cảnh Nhật Bản, hiện có khoảng 370.000 người, trong đó có 150.000 sinh viên và 110.000 thực tập sinh kỹ thuật, đang chờ để nhập cảnh vào Nhật Bản. Đây là những người đã được cấp thị thực nhưng vẫn chưa được cấp phép nhập cảnh vào nước này.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/267203/nhat-ban-se-chi-265-ti-usd-de-vuc-day-nen-kinh-te-truoc-dai-dich.html