Nhật Bản tái khởi động thử nghiệm lâm sàng thuốc điều trị COVID-19
huốc điều trị cúm Avigan của Fujifilm - Ảnh: Nikkei
Báo Nikkei ngày 21/2 đưa tin, Tập đoàn Fujifilm của Nhật Bản sẽ tái khởi động thử nghiệm lâm sàng thuốc Avigan trong điều trị COVID-19. 270 bệnh nhân sẽ tham gia cuộc thử nghiệm lần này và Fujifilm đặt mục tiêu cho Avigan sẽ được cấp phép trong tháng 10 năm nay.
Đại diện của Fujifilm hiện chưa đưa ra bình luận gì về thông tin trên. Trước đó, quá trình cấp phép sử dụng thuốc Avigan trong điều trị COVID-19 tại Nhật Bản đã bị trì hoãn sau khi giới chức y tế nước này hồi tháng 12/2020 cho rằng các dữ liệu thử nghiệm không thuyết phục.
Nhật Bản đã phê chuẩn thuốc Avigan, thường được biết dưới cái tên Favipiravir, để sử dụng cho chữa bệnh cúm khẩn cấp. Tuy nhiên vẫn còn những lo ngại khi Avigan gây dị tật bẩm sinh ở các loài vật thí nghiệm và chưa thể hiện được hiệu quả đối với COVID-19. Chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu Fujifilm tăng gấp 3 lượng dự trữ quốc gia thuốc Avigan. Hiện Avigan đã được phê chuẩn để điều trị COVID-19 tại Nga, Ấn Độ và Indonesia.
Trong khi đó, Nhật Bản đã nhận lô vắcxin ngừa COVID-19 thứ hai từ hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) để tiếp tục tiêm chủng cho một số nhân viên y tế trong giai đoạn đầu tiên của chiến dịch.Khoảng 450.000 liều vắcxin đã đến thủ đô Tokyo của Nhật Bản sau khi Liên minh châu Âu (EU) "bật đèn xanh" cho việc xuất khẩu vắcxin.
Malaysia đã quyết định đẩy sớm chiến dịch tiêm phòng bệnh COVID-19 lên 2 ngày, sau khi lô vắcxin đầu tiên của Pfizer/BioNTech với hơn 300.000 liều đã đến nước này trong ngày 21/2.
Phát biểu họp báo trực tuyến, Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết lô vắcxin thứ 2 sẽ đến vào ngày 26/2. Cứ hai tuần một lần, Malaysia sẽ nhận lô vắcxin mới cho đến khi đơn hàng được hoàn tất.
Ông Khairy Jamaluddin cho biết chiến dịch tiêm phòng trên toàn quốc sẽ bắt đầu vào ngày 24/2 tới, sớm hơn so với kế hoạch ban đầu. Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin và lãnh đạo Bộ Y tế Malaysia sẽ nằm trong số những người được tiêm đầu tiên.
Trong khi đó tại Indonesia, Tổng thống Joko Widodo cho biết quốc gia này sẽ tiếp nhận khoảng 4,6 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 tới. Kế hoạch phân phối vắcxin AstraZeneca vẫn đang được thảo luận tại Bộ Y tế.
Theo ông Jokowi, phác đồ tiêm vắcxin AstraZeneca sẽ khác với loại vắcxin của Sinovac mà Indonesia đang sử dụng. Theo đó, khoảng cách giữa hai mũi tiêm đối với vắcxin AstraZeneca là 1-2 tháng, trong khi vắcxin của Sinovac là 2 tuần.
Ngày 21/2, Úc chính thức triển khai chiến dịch tiêm chủng phòng COVID-19 trên cả nước, Thủ tướng Úc Scott Morrison là một trong những người đầu tiên được tiêm phòng tại một trung tâm y tế ở TP Sydney.
Phát biểu với phóng viên sau khi tiêm, Thủ tướng Úc tuyên bố ngày 21/2 là một ngày lịch sử của đất nước, mở màn cho chiến dịch tiêm chủng rộng khắp bắt đầu từ 22/2.
Ông nhấn mạnh, việc ông cùng với Giám đốc y tế liên bang và một số người dân Úc trong nhóm ưu tiên đi tiêm ngày hôm nay là để cho thấy việc tiêm chủng là an toàn, quan trọng và cần được bắt đầu từ những nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhất và làm việc trên tuyến đầu chống dịch.
Giai đoạn một của chiến dịch tiêm vắcxin ngừa COVID-19 miễn phí ở Úc sẽ bắt đầu trên khắp các bang ở Úc với 1,4 triệu liều vắcxin của hãng Pfizer dành cho những người đang sống và các nhân viên tại các viện dưỡng lão và chăm sóc người khuyết tật, lực lương bảo vệ biên giới, nhân viên làm nhiệm vụ cách ly và y tế tuyến đầu.
Dự kiến ngay trong tuần đầu tiên của chiến dịch, sẽ có khoảng 60.000 người dân Úc được tiêm liều vắcxin đầu tiên.
Trước đó, ngày 20/2, Bộ Y tế Israel thông báo các dữ liệu gần đây từ chiến dịch tiêm phòng trên toàn quốc cho thấy việc tiêm đủ 2 liều vắcxin ngừa bệnh COVID-19 của Pfizer/BioNTech có hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm tới 95,8%.
Theo bộ trên, vắcxin cũng hiệu quả tới 98% trong việc ngăn các triệu chứng sốt và các vấn đề hô hấp và 99,2% trong việc ngăn bệnh trở nặng và 98,9% trong việc ngăn ngừa nguy cơ nhập viện hay tử vong.
Các các kết quả này dựa trên số liệu thu thập trên toàn quốc từ ngày 13/2 vừa qua, sau khi so sánh những người Israel đã được tiêm phòng 2 mũi cách đó ít nhất 2 tuần và những người chưa được tiêm phòng.
Theo trang chủ của Bộ Y tế Israel, tính đến ngày 30/1 vừa qua, khoảng 1,7 triệu người Israel đã được tiêm phòng mũi 2, qua đó đủ điều kiện để đưa vào thống kê. Đối với những người được xét nghiệm sau khi tiêm mũi 2 được một tuần, vắcxin của Pfizer/BioNTech hiệu quả khoảng 91,9% trong việc ngăn ngừa lây nhiễm, 96,4% trong việc ngăn bệnh trở nặng và 94,5% trong việc phòng tránh nguy cơ tử vong.
Giới chức y tế Israel khẳng định mục tiêu của chính phủ là tiếp tục tiêm phòng cho toàn bộ người dân từ 16 tuổi trở lên, để có thể cho phép đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường.
Trong diễn biến khác, theo trang The Guardian (Anh), nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports dựa trên 1,27 triệu ca tử vong, cũng như dữ liệu tuổi thọ và dự đoán về tổng số ca tử vong vì COVID-19 ở 81 quốc gia trên thế giới.
Các chuyên gia đã dùng khái niệm "số năm tuổi thọ mất đi" chỉ chênh lệch giữa tuổi thực tế khi tử vong với tuổi thọ ước tính trung bình. Các nhà khoa học ước tính rằng tổng cộng 20.507.518 năm tuổi thọ có thể đã mất đi do dịch COVID-19 ở 81 quốc gia. Trung bình, mỗi trường hợp tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 bị mất đi 16 năm tuổi thọ.
Trong đó, số năm tuổi thọ bị mất của đàn ông cao hơn phụ nữ 44%. Các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng tỉ lệ số năm tuổi thọ bị mất đi ở các nước giàu hơn chủ yếu ở người lớn tuổi. Tuy nhiên ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, số năm tuổi thọ mất đi lớn nhất chủ yếu ở những người tử vong từ 55 đến 75 tuổi.
Trong tổng số năm tuổi thọ mất đi, 44,9% ở người từ 55 đến 75 tuổi, 30,2% ở những người dưới 55 tuổi và 25% ở những người trên 75 tuổi.
Phân tích dữ liệu nghiên cứu của Daily Mail cho thấy, Nepal là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới khi tính số năm sống bị mất do tử vong sớm vì COVID-19. Trung bình, người Nepal mất khoảng 26 năm cuộc đời. Trong số 5 nước và vùng lãnh thổ dẫn đầu còn có Đài Loan (Trung Quốc), Bolivia, El Salvador và Cộng hòa Dominica.
Các quốc gia như Bỉ, Đan Mạch, Luxembourg, Slovenia, Thụy Điển và Thụy Sĩ thì ngược lại, người dân nước này chỉ mất chưa đến 10 năm cuộc đời cho một ca tử vong do COVID-19.
Tại Anh, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng 833.874 năm tuổi thọ đã bị mất vì đại dịch COVID-19. Trung bình, mỗi người bị mất đi 11,4 năm tuổi thọ. Trong đó, nam giới mất 11,5 năm và nữ giới mất 10,8 năm. Tại Tây Ban Nha, 572.567 năm tuổi thọ đã bị mất, trung bình mỗi người mất 11,24 năm. Tại Peru, 764.856 năm tuổi thọ đã bị mất, trung bình mỗi người bị mất 20,2 năm.
Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý rằng, nghiên cứu không tính đến số năm tuổi thọ bị mất do các ca tử vong liên quan đến COVID-19 một cách gián tiếp.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)