Nhật Bản tăng chi quốc phòng ở mức kỷ lục, muốn trang bị tên lửa Tomahawk
Khoản chi quốc phòng năm 2023 của Nhật Bản sẽ tăng 20% so với năm trước, lên mức 6.800 tỉ yên (khoảng 51 tỉ USD).
Nhật Bản lên kế hoạch mua tên lửa hành trình Tomahawk với khoản tiền 211,3 tỉ yên (1,6 tỉ USD). Đây là mục chính trong kế hoạch chi quốc phòng mà chính phủ Thủ tướng Fumio Kishida đã thông qua hôm 23.12. Điều này chứng minh Nhật Bản quyết tâm trang bị năng lực tấn công một cách nhanh chóng.
Ngoài ra, Nhật Bản sẽ trả cho Mỹ số tiền 110 tỉ yên (830 triệu USD) để mua thiết bị và phần mềm cần có để phóng Tomahawk, cùng khoản phí chuyển nhượng công nghệ và huấn luyện nhân sự trong năm tới.
Tên lửa Tomahawk có tầm phóng lên tới khoảng 1.600 km, sẽ được triển khai trong hai năm từ 2026 - 2027 trên các khu trục hạm với hệ thống phóng thẳng đứng để thực hiện các cuộc tấn công hạm đối đất, theo các quan chức quốc phòng Nhật Bản.
Nhật Bản cũng sẽ mua thêm các tên lửa đánh chặn phóng từ máy bay và do nước ngoài chế tạo, như tên lửa Joint Strike Missile của hãng Na Uy Kongsberg, có tầm phóng 500 km để trang bị cho chiến đấu cơ F-35A, và tên lửa không đối đất JASSM của hãng Lockheed Martins, có tầm bay 900 km cho chiến đấu cơ nâng cấp F-15.
Trong năm tới, Nhật Bản sẽ chi 94 tỉ yên (710 triệu USD) để nâng cấp và sản xuất hàng loạt tên lửa đất đối hạm Type 12 của Tập đoàn Công nghiệp Nặng Mitsubishi nhằm có thể triển khai từ năm 2026. Type 12 có thể nâng tầm phóng từ hơn 100 km lên khoảng 1.000 km, cho phép tấn công các mục tiêu của địch, chẳng hạn các khu trục hạm và chiến đấu cơ.
Để tăng năng lực phản công và tầm phóng, Nhật cũng có kế hoạch dành khoản kinh phí 143,5 tỉ yên (1,08 tỉ USD) để trang bị thêm 8 chiến đấu cơ F-35B vốn có khả năng cất - hạ cánh thẳng đứng trên hai tàu sân bay trực thăng Izumo và Kaga.
Trong 5 năm tới, Nhật Bản sẽ chi 5.000 tỉ yên (37 tỉ USD) để có các loại tên lửa tầm xa và dự tính triển khai trong vòng 4 năm. Khoản chi đạn dược năm 2023 sẽ tăng gấp 3 lên 828 tỉ yên (6,26 tỉ USD).
Nhật Bản sẽ phát triển các loại vũ khí khác như vũ khí siêu thanh, máy bay tự hành đa nhiệm để có thể phối hợp với chiến đấu cơ F-X mà nước này đang cùng Anh và Ý phát triển, dự kiến đưa vào hoạt động từ năm 2035.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng sẽ phát triển các vũ khí khác, nhằm bảo vệ các đảo hẻo lánh ở phía nam, gồm quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông do Nhật Bản kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền, đặt tên là Điếu Ngư.
Việc Nhật Bản vận dụng năng lực tấn công cần có sự hỗ trợ của Mỹ để phát hiện sớm các dấu hiệu địch chuẩn bị tấn công và xác định mục tiêu tấn công, do bị thiếu nguồn tin tình báo và an ninh mạng, theo nhận định của các chuyên gia.
Để giải quyết mối lo ngại này, Nhật Bản sẽ chi khoảng 100 tỉ yên (7,6 triệu USD) trong năm tới để tăng cường an ninh mạng nhằm bảo vệ công nghiệp và công nghệ quốc phòng.
Nhật Bản cũng sẽ chi 220 tỉ yên (1,7 tỉ USD) để đóng 2 khu trục hạm trang bị radar Aegis nhằm tăng cường khả năng đánh chặn tên lửa. Nước này cũng sẽ mua máy bay tự hành để tấn công và trinh sát. Các quan chức quốc phòng nói họ dự tính thử nghiệm một số UAV do nước ngoài phát triển, gồm UAV Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ, các UAV của Mỹ và Israel, và cũng thử nghiệm UAV Fuji Imvac được chế tạo trong nước.
Các khoản chi quân sự lớn này còn phải chờ sự phê chuẩn của Quốc hội Nhật Bản, là phần đầu tiên trong kế hoạch chi quân sự 43.000 tỉ yên (khoảng 325 tỉ USD) trong 5 năm tới.
Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của ông Kishida nắm thế đa số ở Thượng viện Nhật sau cuộc bầu cử tháng 7, đã cam kết tăng gấp đôi mức chi quốc phòng từ 1% GDP lên 2% GDP đúng theo tiêu chuẩn của NATO, và sẽ nâng khoản chi quốc phòng hàng năm của Nhật Bản lên khoảng 10.000 tỉ yên (73 tỉ USD). Điều này sẽ khiến Nhật Bản trở thành nước chi quân sự lớn hàng thứ ba thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc.
Kế hoạch chi quốc phòng 2023 được công bố sau khi chính phủ Nhật Bản công bố Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) vốn nêu rõ quyết tâm tăng chi quốc phòng lên gần gấp đôi trong 5 năm tới, cùng quyết sở hữu “năng lực phản kích”.