Nhật Bản tăng lãi suất tác động hạn chế tới các doanh nghiệp

Các công ty Nhật Bản dự kiến chịu tác động tương đối hạn chế đến chi phí huy động vốn khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) thể hiện lập trường 'diều hâu' hơn về chính sách tiền tệ trong tuần này.

Đồng 10.000 yên của Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Đồng 10.000 yên của Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một cuộc họp báo về kết quả kinh doanh hôm 1/8, Giám đốc tài chính của tập đoàn kinh doanh đầu tư và thương mại tổng Marubeni của Nhật Bản, Takayuki Furuya nói: "Tác động đến chi phí huy động vốn sẽ hạn chế và có thể quản lý được. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các xu hướng lãi suất trong tương lai”.

Trong khi đó, Giám đốc tài chính của công ty thương mại tổng hợp Sumitomo Corp, Reiji Morooka cho biết: "Việc tăng chi phí huy động vốn sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất tài chính ngắn hạn. Chúng tôi đã hoạt động theo cách để giảm thiểu rủi ro từ biến động lãi suất để việc tăng chi phí huy động vốn do tăng lãi suất gây ra là hạn chế".

Lời bình luận của ông Furuya và ông Morooka được đưa ra sau thông báo gây chú ý của BoJ ngày 31/7 về việc nâng lãi suất chủ chốt lên 0,25% từ mức trước đó là từ 0%-0,1%. Đây là mức lãi suất cao nhất kể từ năm 2008 của BoJ và ngân hàng này cho biết có thể tiếp tục tăng lãi suất.

Hầu hết các doanh nghiệp cho biết họ không kỳ vọng nhiều việc BoJ tăng lãi suất sẽ tác động đến lợi nhuận, nhưng việc tăng lãi suất vẫn sẽ có tác động chung đến các công ty Nhật Bản, bao gồm cả chi phí huy động vốn cao hơn và khiến đồng yen mạnh hơn so với đồng USD.

Chủ tịch công ty điện lực Hokkaido Electric Power, Susumu Saito cho biết lãi suất cố định sẽ không ảnh hưởng ngay lập tức đến các khoản vay dài hạn, nhưng hoạt động huy động vốn trong tương lai sẽ bị ảnh hưởng. Ông Saito cho biết công ty sẽ sử dụng trái phiếu xanh để đảm bảo nguồn vốn cần thiết, như đã làm với các khoản đầu tư năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo của mình.

Quyết sách của

BoJ báo hiệu sự chấm dứt nhiều thập kỷ kinh tế trì trệ của Nhật Bản sau khi bong bóng tài chính vỡ vào những năm 1990. Ngân hàng trung ương đã nhấn mạnh sự cần thiết của lạm phát bền vững và tăng lương trước khi chuyển hướng khỏi chính sách lãi suất bằng 0.

Ông Morooka nói: "Việc bình thường hóa chính sách tiền tệ phản ánh các dấu hiệu về quỹ đạo tăng trưởng của nền kinh tế Nhật Bản". Theo ông, điều đó là tốt cho hoạt động kinh doanh trong nước của các doanh nghiệp.

Sự mất giá của đồng yen thường tác động tích cực đến lợi nhuận của các nhà xuất khẩu Nhật Bản vì doanh thu của họ được tạo ra ở nước ngoài. Tuy nhiên, theo chuyên gia Yuzo Nouchi, Giám đốc Tài chính của Mitsubishi Corp sẽ không cần phải sửa đổi các giả định tỷ giá hối đoái cho năm tài chính hiện tại - ít nhất là trong thời điểm hiện tại. Ông Mitsuko Tottori, CEO của Japan Airlines, cho biết đồng yen mạnh hơn sẽ có tác động tích cực vì du lịch Nhật Bản vẫn đang suy giảm.

Sau khi BoJ quyết định giảm mua trái phiếu chính phủ, Giám đốc điều hành của Tokyo Gas, Go Soga, cho biết: "Tôi lo ngại rằng môi trường mua bán trái phiếu doanh nghiệp có thể trở nên bất ổn, chẳng hạn như thông qua sự biến động đột ngột của điều kiện cung cầu trái phiếu chính phủ dẫn đến biến động lãi suất dài hạn".

Minh Trang (Theo Nikkei Asia)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhat-ban-tang-lai-suat-tac-dong-han-che-toi-cac-doanh-nghiep/342455.html