Nhật Bản thiếu phi công nghiêm trọng vì lượng du khách quá lớn

Nhật Bản hiện có khoảng 7.100 phi công và Chính phủ nước này ước tính đến năm 2030 sẽ cần thêm 1.000 phi công nữa để giúp đạt được mục tiêu thu hút khoảng 60 triệu khách du lịch...

Máy bay của Japan Airlines tại sân bay Haneda - Ảnh: Bloomberg.

Máy bay của Japan Airlines tại sân bay Haneda - Ảnh: Bloomberg.

Trong bối cảnh lượng du khách quốc tế đổ tới Nhật Bản lớn kỷ lục, các hãng hàng không của nước này rơi vào tình trạng thiếu phi công nghiêm trọng. Và tìm đủ phi công để đáp ứng nhu cầu của du khách thăm Nhật là một việc không hề dễ dàng - hãng tin Bloomberg cho hay.

Nhật Bản hiện có khoảng 7.100 phi công và Chính phủ nước này ước tính đến năm 2030 sẽ cần thêm 1.000 phi công nữa để giúp đạt được mục tiêu thu hút khoảng 60 triệu khách du lịch vào năm đó. Trong một sự thừa nhận có thể đồng nghĩa Nhật Bản phải tìm kiếm phi công từ nước ngoài, các biện pháp đang được Bộ Giao thông Vận tải nước này xem xét bao gồm cắt giảm thời gian và chi phí của việc chuyển đổi giấy phép phi công nước ngoài sang giấy phép của Nhật Bản.

LƯƠNG PHI CÔNG Ở NHẬT BẢN THẤP HƠN Ở NƯỚC KHÁC

Nhưng có một số lý do khiến việc tuyển dụng phi công từ nước ngoài không dễ đối với Nhật Bản. Ngoài sự phản đối từ các tổ chức công đoàn, các hãng hàng không ở Nhật Bản thường trả thấp hơn so với các hãng hàng không tại các quốc gia khác. Theo Bộ Giao thông Vận tải Nhật Bản, nhiều cơ trưởng ở nước này hiện đã ở vào độ tuổi 50 và sẽ nghỉ hưu vào khoảng năm 2030, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt.

Chuyên gia Nobuhito Abe của công ty Kearney nói với Bloomberg: “Các hãng hàng không lớn sẽ phải điều chỉnh quy trình vận hành nội bộ của họ để phù hợp với các phi công không nói tiếng Nhật”. Các hãng bay Nhật Bản vẫn có “quy trình nội bộ mang tính nội địa rất cao”, ông Abe nói.

Theo tiết lộ của một nguồn tin trong ngành, cơ trưởng tại hai hãng hàng không Nhật Japan Airlines Co. và All Nippon Airways Co. nhận mức lương hàng năm khoảng 25 triệu yên Nhật (172.900 USD). Trong khi đó, một phi công có 12 năm kinh nghiệm bay tại hãng hàng không Mỹ Delta Air Lines Inc. có thể được trả khoảng 453.000 USD/năm, và phi công của một hãng bay Mỹ khác là American Airlines Inc. được trả khoảng 480.000 USD/năm.

Một làn sóng phi công nước ngoài xuất hiện ở Nhật có thể cũng sẽ gây khó chịu cho nhân viên là người bản địa, gây ra lo ngại về việc bị đối xử kém hơn hoặc mất cơ hội thăng chức. Giống như nhiều ngành nghề khác ở Nhật Bản, phi công ở nước này thường coi công việc của mình là gắn bó cả đời. Trong lịch sử, phần lớn phi công tham gia hệ thống ở Nhật Bản đều được ANA hoặc JAL tuyển dụng khi vừa mới được đào tạo xong, hoặc là người tốt nghiệp từ Đại học Hàng không dân dụng - một cơ sở đào tạo công lập, chỉ tiếp nhận khoảng 100 sinh viên mỗi năm.

CƠ TRƯỞNG TRÊN 65 TUỔI?

Trên thực tế là số lượng phi công nước ngoài ở Nhật Bản rất ít. Theo một phát ngôn viên của JAL, hãng này có khoảng 2.000 phi công, trong đó chỉ có một số ít phi công không phải người Nhật. ANA có khoảng 2.400 phi công và hầu như không có người ngoài trong số này.

Trong khi đó, Cathay Pacific Airways Ltd. của Hồng Kông cho biết hãng có phi công đến từ 70 quốc tịch trong biên chế. Hãng Emirates của Dubai cũng nổi tiếng với cộng đồng phi công nước ngoài đông đảo và các thông báo trước chuyến bay của hãng thường cho thấy số lượng ngôn ngữ đa dạng mà phi hành đoàn quốc tế của hãng sử dụng.

JAL cho biết hãng “hiện đang thuê phi công nước ngoài theo hợp đồng để giải quyết vấn đề năm 2030 như một giải pháp tạm thời chứ không phải là biện pháp lâu dài. Về cơ bản, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyển dụng thực tập sinh phi công và tuyển dụng họ làm việc lâu dài sau khi ra trường”.

Như vậy có thể thấy, Nhật Bản chưa có giải pháp rõ ràng trước mắt cho vấn đề thiếu phi công, trong khi số lượng khách du lịch liên tục lập kỷ lục mới. Bộ Giao thông Vận tải Nhật Bản vì thế đang tìm cách khuyến khích các cơ trưởng tiếp tục làm việc sau 65 tuổi, đồng thời tính việc thu hút nhiều phi công nữ hơn.

Ông Kentaro Fujibayashi, quan chức Cục Hàng không Dân dụng Nhật Bản, cho biết Chính phủ nước này quyết tâm tăng số lượng phi công thông qua nhiều biện pháp khác nhau. Ông nói: “Có thể có một số hãng hàng không tích cực tuyển dụng phi công nước ngoài và có thể có những hãng khác thì không. Nhưng đó là mục tiêu mà chúng tôi phấn đấu và chúng tôi sẽ cố gắng hết sức”.

Thiếu phi công có thể đồng nghĩa với việc Nhật Bản bỏ lỡ cơ hội kiếm được nhiều tiền từ du lịch vì các hãng bay không thể vận hành đủ số lượng máy bay cần thiết.

Theo ông Kotaro Toriumi, một nhà phân tích du lịch và hàng không độc lập, nếu Nhật Bản không đảm bảo nguồn phi công thông suốt, nước này sẽ “khó đạt được mục tiêu vốn đã khó là đón 60 triệu khách du lịch mỗi năm”.

Điệp Vũ

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nhat-ban-thieu-phi-cong-nghiem-trong-vi-luong-du-khach-qua-lon.htm