Cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và kiểm soát an toàn thực phẩm xuất khẩu trên địa bàn Tiền Giang

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tại cuộc họp về tình hình vi phạm an toàn thực phẩm trên các lô hàng trái cây tươi xuất khẩu sang Trung Quốc được tổ chức tại tỉnh Tiền Giang vào ngày 7-1-2025.

UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Kế hoạch triển khai công tác cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) tại các vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, kiểm soát ATTP.

- Tăng cường năng lực quản lý, kiểm tra, đánh giá, giám sát, kiểm soát chất lượng nông sản tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ truy xuất nguồn gốc nông sản đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu trong tình hình mới.

- Nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy sản xuất của người dân trong việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, quản lý dịch hại; tạo ra sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng đáp ứng quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm (hoạt chất cấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất khác,...) và truy xuất nguồn gốc nhằm nâng cao giá trị hàng nông sản trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc trong chuỗi giá trị cho các nông sản chủ lực của tỉnh, tạo sự liên kết chặt chẽ trong từng khâu sản xuất, trồng trọt, thu mua, vận chuyển, sơ chế, đóng gói, kiểm soát được chất lượng sản phẩm.

- Nâng cao nhận thức nhằm thay đổi hành vi của người sản xuất theo hướng minh bạch thông tin sản phẩm.

- Hộ nông dân trong vùng cấp mã số được đào tạo nâng cao nhận thức về việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững, đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu.

- Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP, tăng cường năng lực quản lý, kiểm tra, đánh giá, giám sát, kiểm soát chất lượng, quản lý sinh vật gây hại tại vùng trồng, cơ sở đóng gói.

- Các sản phẩm từ vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp mã số phải truy xuất được nguồn gốc, nông sản phải được kiểm soát chất lượng, ATTP đáp ứng các quy định của các nước nhập khẩu.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Công tác cấp và quản lý mã số vùng trồng

1.1. Tổ chức, hướng dẫn đăng ký mã vùng trồng, cơ sở đóng gói

- Nội dung thực hiện:

+ Triển khai các lớp tập huấn cho các tổ chức, cá nhân, Hợp tác xã, Tổ hợp tác về vai trò, tầm quan trọng trong việc xây dựng mã vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu; hỗ trợ đăng ký mã số vùng trồng trên cây trồng, cơ sở đóng gói nông sản ở những vùng sản xuất đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

+ Hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ đăng ký mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói mới; duy trì các điều kiện tại mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đảm bảo theo đúng quy định hiện hành.

- Thời gian thực hiện: Tháng 1 đến tháng 6-2025.

- Đơn vị thực hiện: UBND các huyện, thị xã, thành phố.

1.2. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền

- Nội dung thực hiện:

+ Thông tin, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các yêu cầu về thiết lập mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để người dân nắm rõ và có trách nhiệm khi thực hiện đăng ký mã vùng trồng trên nông sản, cơ sở đóng gói nông sản.

+ Giới thiệu, hướng dẫn cho nông dân các quy định của các nước nhập khẩu và quy trình sản xuất, đóng gói đối với tổ chức, cá nhân có nhu cầu được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trên địa bàn tỉnh; ưu tiên các tổ chức, cá nhân, hợp tác xã, Tổ hợp tác xây dựng mã vùng trồng kết hợp với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng mối liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có mã vùng trồng một cách có hiệu quả.

- Thời gian thực hiện: Tháng 1 đến tháng 6-2025.

- Đơn vị thực hiện: UBND các huyện, thị xã, thành phố.

1.3. Kiểm tra, giám sát định kỳ theo quy định đối với các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp

- Nội dung thực hiện:

+ Kiểm tra thường xuyên và kịp thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói không đáp ứng các điều kiện theo quy định nước nhập khẩu.

+ Thực hiện giám sát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu. Tần suất giám sát 1 lần/năm đối với mã số vùng trồng, 2 lần/năm đối với cơ sở đóng gói.

+ Thực hiện giám sát trước vụ thu hoạch 3 tháng theo từng loại cây trồng, sản phẩm đóng gói.

- Thời gian thực hiện: Tháng 1 đến tháng 12-2025.

- Đơn vị thực hiện: Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương thực hiện.

1.4. Chuẩn hóa dữ liệu mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói

- Nội dung thực hiện:

+ Nhập đữ liệu các thông tin liên quan của các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp và chuẩn hóa lên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp của tỉnh; đồng thời, cập nhật lên hệ thông cơ sở dữ liệu quốc gia về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.

+ Hỗ trợ các chủ thể đăng ký, tạo lập và tích hợp Mã QR code cho các sản phẩm đã được cấp mã số vùng trồng, phục vụ truy xuất nguồn gốc nông sản.

- Thời gian thực hiện: Tháng 1 đến tháng 12-2025.

- Đơn vị thực hiện: Sở Nông nghiệp và Môi trường.

2. Công tác kiểm soát an toàn thực phẩm tại các vùng trồng và cơ sở đóng gói

2.1. Đối với vùng trồng

a) Thực hiện công tác giám sát đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của Luật ATTP và các quy định của Bộ Nông nghiệp và Môi trường

- Nội dung thực hiện:

+ Kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, Cadimi trước khi xuất khẩu.

+ Giám sát nghiêm ngặt việc ghi chép nhật ký sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

- Thời gian thực hiện: Tháng 1 đến 6-2025.

- Đơn vị thực hiện: Sở Nông nghiệp và Môi trường, UBND các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và TX. Cai Lậy.

b) Kiểm tra, xác định hàm lượng cadimi tại vùng trồng sầu riêng để xây dựng bản đồ vùng phân bố nhiễm cadimi:

- Lấy mẫu phân tích: Lấy 115 mẫu đất, 115 mẫu cành lá, 115 mẫu trái sầu riêng tại các vùng trồng (không trùng với các vùng trồng đã lấy mẫu trước đó).

- Địa điểm thực hiện: Các vùng trồng trên địa bàn huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và TX. Cai Lậy.

- Thời gian thực hiện: Từ tháng 1 đến 6-2025, mẫu đất, mẫu cành lá lấy trước thu hoạch 1 tháng, mẫu trái lấy giai đoạn thu hoạch.

- Đơn vị thực hiện: Sở Nông nghiệp và Môi trường, UBND các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và TX. Cai Lậy.

2.2. Đối với cơ sở đóng gói

a) Giám sát đảm bảo điều kiện ATTP tại cơ sở sơ chế đóng gói theo quy định của Luật ATTP và các quy định của Bộ Nông nghiệp và Môi trường

- Nội dung thực hiện:

+ Kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm các lô hàng xuất khẩu. Thực hiện ghi chép, cập nhật hồ sơ truy xuất tại cơ sở. Đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện hoặc ghi chép hình thức dẫn đến không truy xuất được các vi phạm về ATTP theo quy định của Pháp luật.

+ Kiểm tra, giám sát việc sử dụng hóa chất xử lý trái cây tại các cơ sở sơ chế, đóng gói theo quy định của pháp luật. Đề nghị xử lý các vi phạm sử dụng hóa chất xử lý trái không đúng quy định.

- Địa điểm thực hiện: Tại các cơ sở đóng gói trên địa bàn huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và TX. Cai Lậy.

- Thời gian thực hiện: Tháng 1 đến tháng 6-2025.

- Đơn vị thực hiện: Sở Nông nghiệp và Môi trường, UBND các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và TX. Cai Lậy.

b) Lấy mẫu phân tích Cadimi, Auramine O

- Số lượng: Lấy 60 mẫu trái, 60 mẫu hóa chất được sử dụng trong quá trình đóng gói, bảo quản tại các cơ sở.

- Địa điểm thực hiện: Trên địa bàn các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và TX. Cai Lậy.

- Thời gian thực hiện: Tháng 1 đến tháng 6-2025.

- Đơn vị thực hiện: Sở Nông nghiệp và Môi trường, UBND các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và TX. Cai Lậy.

2.3. Xây dựng bản đồ phân bố vùng nhiễm kim loại nặng cadimi

- Trên cơ sở kết quả phân tích mẫu đất tại các vùng trồng xây dựng bản đồ vùng phân bố nhiễm cadimi tại các vùng trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh.

- Thời gian thực hiện: Trong năm 2025.

- Đơn vị thực hiện: Sở Nông nghiệp và Môi trường.

2.4. Xây dựng các điểm thử nghiệm các giải pháp khắc phục vùng trồng sầu riêng bị nhiễm cadimi

Trên cơ sở phân tích mẫu đất tại các vùng trồng, tiến hành chọn 2 điểm thử nghiệm.

- Quy mô: Vườn sầu riêng có diện tích 0,3-0,5 ha, tuổi cây 7-12 năm tuổi.

- Nội dung thực hiện:

+ Xây dựng các giải pháp khắc phục vùng trồng sầu riêng bị nhiễm cadimi, cụ thể như sau:

++ Giải pháp 1: Canh tác theo Quy trình kỹ thuật thâm canh tổng hợp cây sầu riêng cho các tỉnh Nam bộ của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật trong đó sử dụng các loại phân bón không có chứa hoặc có chứa với hàm lượng cadimi cực thấp.

++ Giải pháp 2: Thực hiện theo giải pháp 1 kết hợp với trồng cây bạc hà để hấp thụ cadimi trong đất.

++ Giải pháp 3: Thực hiện theo giải pháp 1 kết hợp với xử lý chế phẩm sinh học để làm giảm khả năng hấp thụ cadimi của cây sầu riêng.

++ Giải pháp 4: Thực hiện theo giải pháp 1 kết hợp với xử lý than hoạt tính (Biochar) để làm giảm khả năng hấp thụ cadimi của cây sầu riêng.

++ Giải pháp 5: Thực hiện theo giải pháp 1 kết hợp với xử lý chế phẩm sinh học và than hoạt tính (Biochar) để làm giảm khả năng hấp thụ cadimi của cây sầu riêng.

+ Chỉ tiêu theo dõi:

+ Phân tích hàm lượng cadimi trong đất, cành lá, trái, trước và sau khi thực hiện giải pháp ở 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng, 4 tháng, 5 tháng và 6 tháng để đánh giá hiệu quả khắc phục cadimi trong đất, cành lá, trái.

+ Theo dõi chỉ tiêu pH đất trước và sau khi thực hiện giải pháp ở 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng, 4 tháng, 5 tháng và 6 tháng.

- Thời gian thực hiện: Tháng 1 đến tháng 6-2025.

- Địa điểm thực hiện: Tại các vùng trồng sầu riêng tại huyện Cái Bè và Cai Lậy.

- Đơn vị thực hiện: Sở Nông nghiệp và Môi trường, UBND các huyện Cái Bè, Cai Lậy.

2.5. Hoàn thiện quy trình canh tác sầu riêng phục vụ xuất khẩu

- Nội dung thực hiện:

+ Lấy mẫu phân bón: Dựa trên kết quả thu thập thông tin từ nông dân trong vùng trồng và các đại lý vật tư nông nghiệp tại các vùng trồng sầu riêng về các chủng loại phân bón. Tiến hành lấy 100 mẫu phân bón gốc, phân bón qua lá (không trùng với các loại phân bón đã phân tích trước đó) phân tích hàm lượng cadimi.

+ Rà soát và điều chỉnh quy trình kỹ thuật canh tác sầu riêng, trong đó tập trung vào chế độ bón phân, đặc biệt khuyến cáo người dân sử dụng các loại phân bón gốc, phân bón qua lá không có chứa hoặc có chứa hàm lượng cadimi cực thấp.

- Thời gian thực hiện: Tháng 1 đến tháng 4-2025.

- Đơn vị thực hiện: Sở Nông nghiệp và Môi trường, UBND các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và TX. Cai Lậy.

2.6. Tập huấn, hướng dẫn chăm sóc cây sầu riêng theo hướng an toàn, kiểm soát dư lượng kim loại nặng cadimi

- Số cuộc: 40 cuộc.

- Nội dung thực hiện: Hướng dẫn Quy trình kỹ thuật canh tác sầu riêng theo hướng dẫn, đặc biệt không sử dụng các loại phân lân có chứa hàm lượng cadimi vượt ngưỡng cho phép; tuyên truyền, phổ biến yêu cầu của nước nhập khẩu đối với sầu riêng; các điều kiện bảo đảm ATTP trong sản xuất sầu riêng.

- Địa điểm: Tại các huyện trồng sầu riêng huyện huyện Cái Bè (10 cuộc), Cai Lậy (15 cuộc), Châu Thành (5 cuộc) và TX. Cai Lậy (10 cuộc).

- Thời gian thực hiện: Tháng 1 đến tháng 5-2025.

- Đơn vị thực hiện: Sở Nông nghiệp và Môi trường, UBND các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và TX. Cai Lậy.

2.7. Quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp

- Nội dung thực hiện: Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về sản xuất, buôn bán phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng, hàng gian, hàng giả,... sử dụng hóa chất xử lý không đúng quy định.

- Thời gian thực hiện: Tháng 1 đến tháng 6-2025.

- Đơn vị thực hiện: Sở Nông nghiệp và Môi trường.

2.8. Thông tin, truyền thông

- Nội dung thực hiện:

+ Tuyên truyền, phổ biến yêu cầu của nước nhập khẩu đối với nông sản tới các chủ vườn.

+ Tuyên truyền về các điều kiện bảo đảm ATTP trong sản xuất và kinh doanh nông sản thực phẩm.

+ Tăng cường truyền thông về nguy cơ dư lượng kim loại nặng trong quy trình sản xuất. Tăng cường tập huấn, hướng dẫn sử dụng các loại vật tư nông nghiệp, đặc biệt không sử dụng các loại phân lân có chứa hàm lượng cadimi vượt ngưỡng cho phép để giảm nguồn phát sinh tồn dư kim loại nặng trong đất.

- Thời gian thực hiện: Tháng 1 đến tháng 6-2025.

- Đơn vị thực hiện: UBND các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và TX. Cai Lậy.

2.9. Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả thực hiện kiểm soát, khắc phục sầu riêng bị nhiễm kim loại nặng cadimi

- Số lượng: 1 cuộc.

- Thời gian thực hiện: Tháng 6-2025.

- Địa điểm thực hiện: Hội trường UBND huyện Cai Lậy.

- Nội dung thực hiện: Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch kiểm soát, khắc phục sầu riêng bị nhiễm kim loại nặng cadimi và phương hướng trong thời gian tới.

- Thành phần tham dự: Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường và các đơn vị trực thuộc (Chi cục Trồng trọt và BVTV, Thanh tra Sở, Chi cục Chất lượng và Phát triển nông thôn).

+ Lãnh đạo UBND các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và TX. Cai Lậy.

+ Lãnh đạo và cán bộ phụ trách vùng trồng, cơ sở đóng gói, Phòng Nông nghiệp và Môi trường các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và TX. Cai Lậy.

+ Lãnh đạo và cán bộ phụ trách vùng trồng, cơ sở đóng gói, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, TX. Cai Lậy.

- Đại diện vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng được cấp mã số xuất khẩu trên địa bàn các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, TX. Cai Lậy và nông dân tham gia vùng trồng.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế thực hiện nhiệm vụ không thường xuyên được giao cho Sở Nông nghiệp và Môi trường và nguồn vốn xã hội hóa.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp với Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã có trồng sầu riêng tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch này.

- Chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật là cơ quan đầu mối tham mưu thực hiện cấp, quản lý mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt; hướng dẫn, thiết lập, kiểm tra giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; hướng dẫn cơ quan chuyên môn cấp huyện trong cấp, quản lý mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt; thường xuyên kiểm tra, giám sát hàng năm tại các địa phương có mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu.

Tổ chức tập huấn về các quy định và kỹ thuật cho cán bộ, quản lý các huyện, thành phố trong công tác thiết lập, kiểm tra, giám sát tại mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu của tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

- Hướng dẫn, tập huấn cho tổ chức, cá nhân tham gia vùng trồng trong việc tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn về ATTP, truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

- Phối hợp với các sở, ngành có liên quan thành lập Đoàn lấy mẫu đất, cành lá, trái tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói.

- Phối hợp với địa phương, công ty, vùng trồng triển khai thực hiện mô hình giải pháp canh tác sầu riêng theo hướng bền vững, đảm bảo ATTP.

- Thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về sản xuất, buôn bán phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng, hàng gian, hàng giả, điều kiện vệ sinh ATTP, sử dụng hóa chất xử lý trái không đúng quy định.

2. Sở Tài Chính

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường, các cơ quan, đơn vị có liên quan để tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch này trên địa bản tỉnh theo đúng quy định.

3. Sở Khoa học và Công nghệ

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường và các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ liên quan phục vụ kế hoạch nêu trên.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường chuyển giao các sản phẩm, đề tài, triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ liên quan kiểm soát cadimi, đảm bảo ATTP trong sản xuất, kinh doanh trái cây tươi xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh; tập trung các sản phẩm, hàng hóa nông sản được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.

4. Công an tỉnh

Tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp gian lận thương mại, làm giả giấy tờ trong việc sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu.

5. Sở Công Thương

Tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất, buôn bán phân bón thuốc BVTV nhất các loại phân bón có chứa kim loại nặng.

6. UBND các huyện, thị xã, thành phố

Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp huyện, UBND cấp xã:

- Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn của tỉnh để triển khai tốt việc tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn và cấp, quản lý mã số vùng trồng.

- Chủ động bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách huyện, thị xã, thành phố để quản lý sản xuất và hỗ trợ phát triển sản xuất tại các vùng đã được cấp mã số vùng trồng; hỗ trợ hình thành các vùng trồng sản xuất chất lượng cao để cấp mã số vùng trồng phục vụ công tác quản lý.

- Lồng ghép các chương trình, đề tài, dự án,... hỗ trợ cho các tổ chức cá nhân trang thiết bị, vật tư,... ứng dụng số hóa trong thiết lập, quản lý, giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đảm bảo truy xuất nguồn gốc: Minh bạch thông tin sản phẩm; nhận diện nguy cơ, có biện pháp ngăn chặn kịp thời nguy cơ tiềm ẩn có thể phát sinh trong quá trình sản xuất gây mất an toàn; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời chủ động hội nhập và tham gia vào chuỗi liên kết cung ứng hàng hóa.

- Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất trên địa bàn được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu sử dụng hóa chất (thuốc BVTV, phân bón,..) theo quy định Việt Nam và nước nhập khẩu. Hướng dẫn các quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật sản xuất đối với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu xuất khẩu đăng ký các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đảm bảo an toàn, đúng quy định nước nhập khẩu.

- Kiểm tra, giám sát việc duy trì điều kiện của các vùng trồng, cơ sở đóng gói sau khi được cấp mã số theo quy định, việc ghi chép, cập nhật hồ sơ truy xuất tại cơ sở, thực hiện thu hồi đối với các trường hợp không tuân thủ.

Riêng đối với Ủy ban nhân dân các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và TX. Cai Lậy chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp huyện:

- Hướng dẫn, tham gia lấy mẫu đất, cành, lá, trái tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói trên địa bàn.

- Phối hợp tổ chức tập huấn hướng dẫn Quy trình canh tác theo hướng bền vững; bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, truy xuất nguồn gốc; quy trình quản lý sinh vật gây hại.

- Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện mô hình giải pháp canh tác sầu riêng theo hướng bền vững, đảm bảo ATTP.

7. Đề nghị Viện Cây ăn quả miền Nam, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam và Hiệp hội Sầu riêng tỉnh

- Viện Cây ăn quả miền Nam: Hỗ trợ, nghiên cứu phương thức lưu tồn cadimi trong đất, cơ chế hấp thụ cadimi của cây sầu riêng và các biện pháp cải tạo đất để giảm hàm lượng cadimi trong đất.

- Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam: Phối hợp, hỗ trợ thực hiện mô hình khắc phục vùng trồng sầu riêng bị nhiễm cadimi.

- Hiệp hội Sầu riêng tỉnh: Tuyên truyền phổ biến cho thành viên hội, nông dân vùng trồng canh tác sầu riêng theo hướng bền vững, đảm bảo chất lượng ATTP; sử dụng, ủy quyền mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đúng thực tế, đúng quy định.

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202504/cap-va-quan-ly-ma-so-vung-trong-co-so-dong-goi-va-kiem-soat-an-toan-thuc-pham-xuat-khau-tren-dia-ban-tien-giang-1038610/