Nhật Bản từ chối thực hiện cam kết không phát thải carbon
Các nhà sản xuất xe hơi đến từ Nhật Bản không đồng tình với cam kết không phát thải carbon của các nước G7.
Tương lai của ngành công nghiệp ô tô đã phần nào tạo ra rạn nứt giữa các chính phủ quyền lực và các nhà sản xuất ô tô toàn cầu. Mới đây, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua luật cấm các phương tiện sử dụng động cơ đốt ngay sau năm 2035. Cường quốc công nghiệp của châu lục là Đức đã lên tiếng phản đối đề xuất mới này vì nó gây ảnh hưởng tới nền kinh tế quốc gia.
Có vẻ như Nhật Bản cũng đang có lập trường tương tự. Theo Reuters, quốc gia này hy vọng sẽ loại bỏ mục tiêu không phát thải khí thải đối với các phương tiện giao thông, điều đang được mong đợi trong một thông báo sắp tới của G7 vào tuần này.
Toyota mong muốn chính phủ Nhật Bản hỗ trợ xe điện và xe hybrid một cách bình đẳng, đây là điều được phản ánh trong thông cáo phát biểu của G7 do hãng tin này đưa ra. Nhật Bản đang tìm cách đưa cam kết về gần với mục tiêu của mình đó là "ít nhất 50% phương tiện không phát thải vào năm 2030".
Toyota và một số nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đang chịu nhiều sự chỉ trích vì không cam kết với tương lai điện. Công ty xe hơi lớn nhất thế giới về doanh số đã tự bảo vệ mình khi nói rằng họ có trách nhiệm cung cấp cho khách hàng nhiều loại xe với các tùy chọn khác nhau. Điều này mâu thuẫn với sự đấu tranh của một số tổ chức bảo vệ môi trường, những người đưa ra các cáo buộc rằng nhà sản xuất ô tô đang trì hoãn thời đại của phương tiện điện khí hóa và thiếu quan tâm đến hành tinh xanh.
Quỹ AkademikerPension của Đan Mạch cho biết: “Toyota dựa vào cái cớ là lựa chọn của khách hàng để tránh trả lời câu hỏi về các hoạt động vận động hành lang mà họ thực hiện nhằm làm chậm quá trình chuyển đổi sang ô tô không sử dụng nhiên liệu hóa thạch”.
Những công ty khác của ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản ủng hộ lập trường của Toyota, họ lưu ý rằng các nhà sản xuất ô tô không nên bị hạn chế trong việc theo đuổi việc không phát thải carbon. Toyota là thương hiệu sản xuất nhiều loại xe được bán trên toàn thế giới. Mặc dù bZ4X hoàn toàn phù hợp với nhu cầu của tầng lớp trung lưu châu Âu, nhưng vẫn có nhiều nơi trên thế giới nơi xe điện không phải là lý tưởng.
Hiện tại, các phương tiện hybrid rất phù hợp cho nhiều người và mang lại sự cân bằng hoàn hảo giữa các mục tiêu thực tế và mong muốn giảm lượng khí thải. Giám đốc điều hành của BMW, Oliver Zipse đồng ý với cách suy nghĩ này. Trước đây, vị lãnh đạo hãng xe Đức đã mô tả lệnh cấm đối với các phương tiện chạy động cơ đốt trong là thiển cận và hiện tại thời điểm là quá sớm để công bố. "Chúng tôi cho rằng điều này xảy ra quá sớm và các nhà lãnh đạo đã không cho đủ thời gian để chuyển đổi ở tất cả các thị trường mà hãng đang hiện diện”.
Trong khi đó, người đồng cấp đến từ Audi lại có quan điểm khác. Markus Duesmann không đồng ý với sự miễn cưỡng của chính phủ Đức và coi lệnh cấm năm 2035 là một điều tích cực. Vị giám đốc điều hành cho biết: “Kế hoạch của chúng tôi về việc loại bỏ dần công nghệ động cơ chạy xăng dầu đã được thực hiện và sẵn sàng triển khai”.