Nhật Bản và NATO tăng cường hợp tác an ninh để đối phó Trung Quốc, Nga
Nhật Bản cùng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) muốn đào sâu hợp tác an ninh bởi hai bên cùng nhận thức việc cần đề phòng Nga và Trung Quốc.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố: “Tôi hoan nghênh việc NATO chú ý đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” trong cuộc họp báo sau cuộc hội đàm với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Tokyo ngày 1.2.
Theo báo Yomiuri Shimbun ngày 2.2, ý muốn của ông Kishida là xây dựng quan hệ đối tác nhằm sẵn sàng đối phó Trung Quốc đang ngày càng hiện đại hóa quân sự.
Ông Stoltenberg thì nêu đích danh Trung Quốc “bắt nạt các nước láng giềng và đe dọa Đài Loan”, đồng thời nhấn mạnh NATO và Nhật Bản cần làm việc chung để đối phó thách thức từ Trung Quốc.
Ông Kishida đã là Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại Tây Ban Nha hồi tháng 6.2022, nơi mà ông nhấn mạnh “an ninh của châu Âu và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là không thể tách rời”.
Tháng 11.2022, ông Kishida mời các quan chức quân sự NATO làm quan sát viên của cuộc tập trận chung “Kiếm sắc” giữa Cục Phòng vệ Nhật Bản (SDF) với quân đội Mỹ tại chuỗi đảo Nansei và các điểm khác tại Nhật.
Cùng với quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ là trụ cột an ninh, Nhật Bản cũng đang tăng cường hợp tác với NATO do ngày càng nhận ra nguy cơ bùng phát tình trạng khẩn cấp ở Đài Loan.
Sau cuộc gặp giữa hai ông Kishida - Stoltenberg, tuyên bố chung của Nhật Bản - NATO đề cao “tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên toàn vùng eo biển Đài Loan”.
Khi xảy ra chiến tranh, sự hỗ trợ vũ khí đạn dược của các nước khác sẽ trở nên rất cần thiết. Một quan chức cấp cao của SDF lưu ý: “Quân đội Mỹ sẽ ở tuyến đầu trong tình hình khẩn cấp ở Đài Loan và không thể hỗ trợ vật chất cho SDF, nên sự hỗ trợ của NATO là cực kỳ quan trọng”.
NATO là một khối liên minh quân sự 30 quốc gia thành viên gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan... Điều khoản 5 của NATO quy định các nước thành viên phải cùng nhau phòng thủ.
Nhật Bản cũng hy vọng NATO cung cấp tri thức để cải thiện các năng lực của SDF trong các lĩnh vực mới, như chiến tranh chiếm lĩnh nhận thức - phát tán thông tin cố tình sai lệch để thao túng và gây bất an về tâm lý của người dân tại một quốc gia thù địch và từ đó gây ra bất ổn xã hội.
Yomiuri viết Trung Quốc rất có thể vận dụng chiến tranh chiếm lĩnh nhận thức trong tình trạng khẩn cấp ở Đài Loan, điều khiến Nhật Bản phải cải thiện các năng lực đáp trả.
Mục tiêu lớn nhất của việc đào sâu sự hợp tác an ninh giữa Nhật Bản - NATO là tăng cường khả năng răn đe, nhằm lập tức ngăn chặn tình trạng khẩn cấp ở Đài Loan nếu xảy ra. Nhật Bản - NATO có thể là một nền tảng cho một mạng lưới đa tầng nhằm đối phó hai thế lực Nga - Trung Quốc.
Tại hội nghị thượng đỉnh NATO năm ngoái, Thủ tướng Kishida đã kêu gọi các nhà lãnh đạo của Hàn Quốc, Úc và New Zealand mở cuộc họp đầu tiên. Các nhà ngoại giao của khối 4 đối tác châu Á - Thái Bình Dương (AP4) của NATO đã có nhiều cuộc họp trong thời gian qua.
Katsutoshi Kono, một cựu chỉ huy SDF giải thích: “Việc tăng cường hợp tác với NATO được kỳ vọng sẽ tạo nên một hiệu quả răn đe đáng kể để đề phòng Trung Quốc và Triều Tiên. Với việc NATO hỗ trợ, cùng liên minh Nhật - Mỹ, hiệu quả răn đe sẽ nhằm vào Trung Quốc vốn được cho là có thể gây ra tình trạng khẩn cấp ở Đài Loan.