Nhật Bản xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý như thế nào?
Vào hôm 24/8, Nhật Bản đã bắt đầu xả hơn một triệu tấn nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima Daiichi, một quá trình cần đến nhiều thập kỷ để hoàn thành.
Do đã tiếp xúc với những thanh nhiên liệu của nhà máy điện hạt nhân từng bị phá hủy trong trận động đất – sóng thần Touhoku năm 2011, nước thải phải trải qua công đoạn xử lý.
Tại khu vực xả thải là những bể chứa với thể tích 1,3 triệu tấn nước phóng xạ - đủ để lấp đầy 500 bể bơi theo chuẩn Olympic. Để đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, Công ty Điện lực Tokyo (Tepco) đã lên kế hoạch giải quyết vấn đề này.
Kế hoạch của Nhật Bản
Tepco đã lọc phần nước bị ô nhiễm để loại bỏ hầu hết các đồng vị phóng xạ, trừ tritium - một đồng vị của hydro với tính chất khó tách. Do đó, Tepco sẽ pha loãng nước cho đến khi nồng độ tritium giảm xuống dưới giới hạn quy định, trước khi xả ra biển từ khu vực ven biển Thái Bình Dương.
Nước chứa tritium thường xuyên được thải ra từ các nhà máy hạt nhân trên khắp thế giới. Các cơ quan chính quyền cũng quyết định xử lý nước thải của nhà máy Fukushima theo cách này.
Tritium được xem là tương đối vô hại vì không có đủ năng lượng bức xạ để đi xuyên qua da người. Một bài báo năm 2014 của tạp chí Scientific American cho biết, nếu nước nhiễm tritium có nồng độ cao hơn nước thải nhà máy và bị hấp thu vào cơ thể thông qua đường uống, thì có thể làm tăng nguy cơ ung thư.
Công việc xử lý nước sẽ cần đến nhiều thập kỷ để hoàn thành. Quá trình lọc và pha loãng sẽ diễn ra liên tục, cùng với kế hoạch tháo dỡ nhà máy Fukushima.
Nước có an toàn không?
Theo Nhật Bản và các tổ chức khoa học, nguồn nước xả ra đạt tiêu chuẩn an toàn, nhưng các nhà hoạt động môi trường thì lại cho rằng tất cả tác động tiềm năng vẫn chưa được nghiên cứu. Về phía Nhật Bản, họ cần bắt đầu xả nước một khi các bể chứa đã đầy.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) - Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc, đã phê duyệt kế hoạch này vào tháng 7, vì cho rằng nó đã đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế và có tác động "không đáng kể" lên con người và môi trường.
Vào hôm 22/8, tổ chức môi trường Greenpeace nói rằng các rủi ro về phóng xạ vẫn chưa được đánh giá đầy đủ. Theo họ, bản đánh giá cũng đã “bỏ qua” tác động sinh học gây ra bởi những chất thải ra cùng với nước: Tritium, carbon-14, strontium-90 và iốt-129.
Theo tài liệu của Tepco và chính phủ Nhật Bản, quá trình lọc sẽ loại bỏ strontium-90 và iốt-129 khỏi nước, đồng thời nồng độ carbon-14 trong nước thải sẽ có mức thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn quy định về xả thải.
Nhật Bản nói rằng hàm lượng tritium trong nước sẽ có mức rất thấp, đủ an toàn để làm nước uống theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới.
Vào tuần trước, phái đoàn của Nhật Bản tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế cho biết: “Trong khi đó, không có quốc gia nào cần sử dụng nước thải từ các cơ sở hạt nhân để làm nước uống”.
Theo tài liệu, chính phủ Nhật Bản sẽ thực hiện "những biện pháp thích hợp, bao gồm cả việc đình chỉ xả thải ngay lập tức" nếu phát hiện có nồng độ chất phóng xạ cao bất thường. Chính phủ Hàn Quốc cũng đã đưa ra kết luận từ nghiên cứu của chính họ rằng việc xả nước thải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và cho biết họ tôn trọng đánh giá của IAEA.
Dư luận phản ứng như thế nào?
Tepco đã hợp tác với cộng đồng ngư dân và những bên liên quan khác, đồng thời quảng bá nông sản, thủy sản và lâm sản trong các cửa hàng và nhà hàng để giảm thiểu bất kỳ tác hại nào đến danh tiếng của những sản phẩm trong khu vực xả thải.
Từ nhiều năm qua, các công đoàn đánh cá ở Fukushima đã kêu gọi chính phủ không xả nước thải. Họ cho rằng điều đó sẽ làm mất đi hiệu quả trong việc khôi phục danh tiếng của họ trong nghề cá, vốn đã bị tổn hại từ lâu.
Vào hôm 21/8, ông Sakamoto Masanobu - Người đứng đầu Liên đoàn những Hiệp hội Hợp tác Thủy sản Quốc gia, cho biết liên đoàn công nhận tính an toàn khoa học của hoạt động xả thải, nhưng họ vẫn còn lo ngại thiệt hại về mặt danh tiếng.
Những nước láng giềng cũng đã bày tỏ mối quan ngại. Trung Quốc là nước lên tiếng nhiều nhất. họ gọi kế hoạch của Nhật Bản là vô trách nhiệm, không được lòng dân và mang tính đơn phương. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Nhật Bản.
Vào năm 2011, sau khi trận sóng thần - động đất Touhoku làm hư hại nhà máy Fukushima, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu thực phẩm và nông sản từ 5 tỉnh của Nhật Bản. Sau đó, Trung Quốc đã mở rộng lệnh cấm sang 10 trong số 47 tỉnh của Nhật Bản. Hạn chế nhập khẩu mới nhất đi vào hiệu lực từ tháng 7, sau khi IAEA phê duyệt kế hoạch xả nước thải đã qua xử lý của Nhật Bản.